Hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ảnh: Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa được coi là nền tảng của chiến lược đảm bảo an ninh trên toàn cầu. Học thuyết MAD (Mutually Assured Destruction - Đảm bảo hủy diệt lẫn nhau), được hỗ trợ bởi các lớp hệ thống phòng thủ tên lửa chồng chéo, đã ngăn chặn được sự bùng nổ của chiến tranh hạt nhân kể từ năm 1945 và đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực làm chậm, thậm chí đảo ngược việc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Xét về một khía cạnh nào đó, MAD tạo ra cho mỗi bên quyền lực chính trị để buộc bên còn lại không thể tùy tiện làm theo những gì mình mong muốn.
Mặc dù chiến tranh hạt nhân rất khó xảy ra, nhưng sự gia tăng của các mối đe dọa mới như vũ khí siêu thanh, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo ngày càng tinh vi, máy bay không người lái có vũ trang, tên lửa tầm xa cùng các công nghệ tiên tiến như tàng hình, tấn công điện tử, mồi nhử và nhắm mục tiêu chính xác mà Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên đã và đang phát triển đã buộc Mỹ phải gấp rút cải thiện khả năng phòng thủ tên lửa của nước này.
Logic của chiến lược phòng thủ tên lửa là tạo ra sự răn đe để khiến một cuộc tấn công bằng tên lửa bị thất bại và khiến đối phương không thể đạt được các mục tiêu của mình. Đây là hình thức răn đe mà các hệ thống phòng thủ tên lửa ở tiền tiêu tìm cách đạt được.
Còn ở cấp độ tác chiến, phòng thủ tên lửa hạt động theo nguyên tắc “đạn đối đạn”, tức là đánh bật tên lửa đang bay tới bằng hệ thống đánh chặn trên mặt đất.
Mỹ đã triển khai những hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp để đối phó trước những mối đe dọa như vậy. Lớp phòng thủ đầu tiên của Mỹ là hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) bảo vệ tất cả 50 tiểu bang trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm xa.
Đây là hệ thống duy nhất mà Mỹ sử dụng để chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nó liên kết với 44 tên lửa đánh chặn trên mặt đất. Hệ thống này nhằm đối phó với ICBM của Trung Quốc và Nga - hai quốc gia duy nhất có thể đe dọa Mỹ bằng một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn.
Lớp phòng thủ thứ 2 của Mỹ bao gồm các hệ thống tên lửa triển khai theo khu vực như hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (Aegis Ballistic missile defense system); Hệ thống đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (PAC-3) (Patriot Advanced Capability-3) và Hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn cuối (THAAD), nhằm đối phó với những tên lửa từ tầm ngắn đến tầm trung.
Chúng cung cấp thêm một lớp phòng thủ chuyên sâu, với các năng lực khác nhau để ngăn chặn những mối đe dọa nêu trên, tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu và ngăn đối phương chọc thủng phòng tuyến.
Các hệ thống phòng thủ khu vực này được điều chỉnh để chống lại những mối đe dọa tên lửa từ Iran và Triều Tiên, vốn nằm ngoài khả năng của GMD.g phòng thủ tên lửa của Israel khi tên lửa Nga đang rơi ngay trước ngưỡng cửa của NATO.
Lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Mỹ
Dù mất 70 năm nghiên cứu và bỏ ra số tiền tương đối lớn, ước tính lên tới 350 tỷ USD, nhưng đến thời điểm hiện tại không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào được chứng minh là thực sự có hiệu quả trong việc đối phó với các mối đe dọa tên lửa nhằm vào lục địa Mỹ, báo cáo của Hiệp hội Vật lỹ Mỹ - một tổ chức phi lợi nhuận, nhận định.
Tuy nhiên, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ đã phản bác báo cáo này. Cơ quan này cho biết: “Hệ thống Phòng thủ Tên lửa (MDS) đã chứng minh khả năng bảo vệ Mỹ và đồng minh khỏi các cuộc tấn công tên lửa từ các lực lượng đối đầu".
Dẫu vậy, dữ liệu từ các vụ thử nghiệm và sử dụng trên chiến trường đã cho thấy một bức tranh đáng lo ngại. Trong một số đợt thử nghiệm cường độ cao, GMD có tỷ lệ thành công chỉ đạt 55%. Đáng chú ý, 6 lần thử nghiệm gần đây nhất đều thất bại và hệ thống này vẫn chưa được chứng minh hiệu quả trong điều kiện chiến đấu.
Một số nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi GMD được nâng cấp theo thời gian, vẫn chưa rõ liệu nó có thể chống lại những biện pháp đối phó mà Nga và Trung Quốc đang phát triển, chẳng hạn như tích hợp cho tên lửa lớp phủ tàng hình, mồi nhử, đầu đạn cơ động và đặc biệt là vũ khí siêu thanh hay không.
Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực hoạt động tốt hơn một chút, mặc dù chúng vẫn còn một số hạn chế. Theo quân đội Mỹ, hệ thống Patriot có tỷ lệ thành công 80% trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, nhưng sau đó tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 50%.
Aegis và THAAD có độ tin cậy tương tự nhau. Aegis đã có 34 lần thử nghiệm thành công trong tổng số 43 lần vào năm 2021. Còn THAAD chỉ có 2 lần đánh chặn thành công trong tổng số 16 lần thử nghiệm trước năm 2006, nhưng mức độ hiệu quả dần được cải thiện và đến năm 2019, hệ thống này đã thực hiện 16 vụ đánh chặn thành công trong tổng số 16 lần thử nghiệm.
Thành công của THAAD đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ đặt mua hệ thống này. Hệ thống THAAD đang được triển khai tại Hàn Quốc, UAE, Israel và Romania. Saudi Arabia thời gian gần đây cũng mua hệ thống này nhưng đang chờ bàn giao.
THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “truy đuổi - tiêu diệt” tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot, cho phép vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo bên trong hoặc bên ngoài khí quyển.
Tuy vậy, các đối thủ của Mỹ như Iran và Triều Tiên có thể triển khai mồi nhử có dấu vết hồng ngoại giống với đầu đạn thật để “đánh lừa” cảm biến của hệ thống phòng thủ tên lửa và làm tiêu hao tên lửa đánh chặn đắt đỏ của nó.
Tất cả những vấn đề nói trên đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tính hiệu quả của các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Chưa kể nhiều đồng minh của Washington ngày càng ngần ngại cho phép triển khai các hệ thống này trên lãnh thổ của họ do tính nhạy cảm của chúng.
Vào năm 2020, Nhật Bản đã hủy bỏ việc triển khai hệ thống Aegis Ashore, vì lo ngại điều này có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc trong khi chưa rõ những đảm bảo về an ninh mà hệ thống này có thể mang lại./.