Chân dung "cha đẻ" UAV tác chiến tốt nhất thế giới: Tiết lộ tham vọng mới

Anh Tú |

Từ Syria, Libya, cho tới Nagorno-Karabakh, máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành loại vũ khí “thay đổi cuộc chơi” trên nhiều mặt trận.

UAV BAYRAKTAR TB2 - THƯƠNG HIỆU MANG TÊN THỔ NHĨ KỲ

Cách đây hơn 15 năm, một trong 3 “bậc thầy” về lĩnh vực máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ - kỹ sư kiêm doanh nhân Selcuk Bayraktar đã giới thiệu với một nhóm các quan chức nhà nước ở Ankara một mẫu UAV cỡ nhỏ tự chế tạo nội địa của mình. Khi đó, ông đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT).

Bayraktar dự đoán được tiềm năng to lớn của những vật thể bay không người lái này và thấy trước rằng công nghệ như vậy có thể đưa đất nước ông trở thành một trong những quốc gia sử dụng máy bay không người lái nhiều nhất.

Tin tưởng vào khả năng của mình, Bayraktar đã đề nghị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ để cải tiến hơn nữa phát minh mà ông đang theo đuổi.

“Boeing, Lockheed, đều là những công ty lớn đúng không nào?”, Bayraktar đã đặt câu hỏi như vậy với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trong buổi thuyết trình của mình vào năm 2005.

“Chúng tôi đang chế tạo những hệ thống tương tự. Vì vậy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ dự án máy bay không người lái này, trong 5 năm nữa, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đầu thế giới một cách dễ dàng”, Bayraktar khẳng định.

Chân dung cha đẻ UAV tác chiến tốt nhất thế giới: Tiết lộ tham vọng mới - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tại một căn cứ không quân ở phía bắc đảo Síp. Ảnh: AFP

Để ưu tiên cho giấc mơ sản xuất máy bay không người lái của mình, Bayraktar đã bỏ dở chương trình tiến sĩ tại MIT và trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, ông đã khởi động một trong những sản phẩm mà sau này để lại nhiều dấu ấn lớn: máy bay không người lái Bayraktar TB2.

Đây là dòng UAV tấn công tự sát có thể giám sát và điều khiển từ xa bởi trạm điều khiển mặt đất hoặc bay tự động. Theo đơn đặt hàng của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, Bayraktar TB2 do công ty tư nhân Baykar Makina sản xuất đã tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực tình báo, chỉ thị và tấn công mục tiêu.

Từ năm 2014, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng loại máy bay này ở miền bắc Iraq và Syria. Chúng cũng đã góp phần thay đổi cán cân sức mạnh trên các chiến trường Libya và Nagorno Karabakh sau này.

Quân đội Ukraine gần đây cũng đăng tải nhiều video ghi lại hình ảnh Bayraktar TB2 tấn công các mục tiêu quân sự của Nga. Do có tiết diện phản xạ radar thấp nêu TB2 có thể xuyên thủng hệ thống phòng không của Nga.

Chân dung cha đẻ UAV tác chiến tốt nhất thế giới: Tiết lộ tham vọng mới - Ảnh 2.

UAV Bayraktar TB2 trong một cuộc diễn tập ở Kyiv, Ukraine, ngày 20 tháng 8 năm 2021. Ảnh: AP

Bayraktar đã thuyết phục Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ không cần nhập khẩu thêm các UAV do Mỹ sản xuất nữa vì TB2 hoàn toàn đủ tiêu chuẩn phục vụ lợi ích quốc gia của Ankara.

Thực tế đã chứng minh và kiểm nghiệm nhận định trên của Bayraktar. Những năm sau đó, từ Syria, Libya, cho tới Nagorno-Karabakh, máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành loại vũ khí “thay đổi cuộc chơi” trên nhiều mặt trận.

19 quốc gia, trong đó có Ukraine, Azerbaijan, Qatar, Morocco, Pakistan và Ba Lan - quốc gia thành viên NATO, đang sở hữu máy bay không người lái Bayraktar TB2.

KIZILELMA: VŨ KHÍ “THAY ĐỔI CUỘC CHƠI”?

Cách đây vài tuần, giống như sự kiện năm 2005, Bayraktar vừa cho công bố một dự án đột phá khác: chế tạo máy bay chiến đấu không người lái Kizilelma cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Kizilelma là dòng máy bay chiến đấu không người lái phản lực, một động cơ, có khả năng tàng hình, siêu thanh và có thể hoạt động trên tàu sân bay hiện đang được phát triển bởi công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Baykar, thuộc sở hữu của gia đình nhà Bayraktar.

“Sẽ diễn ra một cuộc cách mạng về chiến tranh khi những máy bay chiến đấu mới này được phát triển”, Bayraktar nói về dự án mới nhất của mình.

“So với các sản phẩm tương tự, Bayraktar Kizilelma nổi bật nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vượt trội và tính năng tác chiến không đối không”, chuyên gia công nghiệp quốc phòng Yusuf Akbaba bình luận trên tờ The New Arab.

Chân dung cha đẻ UAV tác chiến tốt nhất thế giới: Tiết lộ tham vọng mới - Ảnh 3.

Hệ thống máy bay chiến đấu không người lái mới của Baykar Kizilelma trưng bày cùng với UAV Bayraktar TB2 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 28 tháng 3 năm 2022. Ảnh: Getty

Theo chuyên gia Akbaba, việc khởi động dự án Bayraktar Kizilelma có nghĩa là các chi phí có thể được giảm bớt và do đó sẽ góp phần mở rộng kho vũ khí không quân của nhiều quốc gia.

“Những quốc gia không có khả năng mua máy bay chiến đấu từ phương Tây do gánh nặng tài chính sẽ ưu thích các sản phẩm như Kizilelma vì nó có thể tiến hành các hoạt động không chiến”, chuyên gia Akbaba cho biết thêm.

“Việc sở hữu được các máy bay chiến đấu không người lái chi phí thấp sẽ khiến nhiều quốc gia cân nhắc lại khả năng tham gia vào xung đột vì các máy bay chiến đấu như vậy, nếu bị mất, cũng không gây ra những tác động lớn như với các máy bay có người lái”.

Thổ Nhĩ Kỳ được xếp hạng là một trong ba nước đứng đầu khi nói đến ngành công nghiệp máy bay không người lái. Với dự án mới nhất này, Ankara sẽ tiếp tục củng cố được vị thế của mình trên toàn cầu.

Chân dung cha đẻ UAV tác chiến tốt nhất thế giới: Tiết lộ tham vọng mới - Ảnh 4.

UAV Bayraktar Kizilelma có trọng lượng cất cánh 6 tấn và tải trọng mang theo là 1.500 kg

“Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ không thể theo kịp ngành công nghiệp chế tạo xe tăng và máy bay, tuy nhiên, nhờ những bài học kinh nghiệm mà họ đã rút ra, nước này đã trở thành một trong những quốc gia xuất sắc nhất trong lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái chiến đấu", chuyên gia công nghiệp quốc phòng Muhammed Unalmis nhận xét.

“Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối phó với bất kỳ hình thức chiến tranh nào như đã được chứng minh ở Libya, Syria, Nagorno-Karabakh”.

Nguyên mẫu đầu tiên của UAV Bayraktar Kizilelma hiện đang trong giai đoạn tích hợp. Sau khi hoàn thiện, dòng UAV này sẽ có trọng lượng cất cánh 6 tấn và tải trọng mang theo là 1.500 kg. Kizilelma có khả năng hoạt động liên tục trên không trong 5 giờ với bán kính thực thi nhiệm vụ là 500 hải lý.

Chuyên gia Akbaba cũng đồng quan điểm với dự đoán của nhà phân tích Unalmis khi cho rằng Kizilelma sẽ “thay đổi cuộc chơi” trong lĩnh vực tác chiến trên không.

"Khi bạn sở hữu một phương tiện không có phi hành đoàn và rẻ hơn nhiều so với các mô hình khác và nếu nguy cơ hiển thị trên màn hình radar thấp hơn nhiều, thì đối phương buộc phải xem xét lại hành động thù địch của họ. Đó là lý do tại sao Kizilelma sẽ có tầm quan trọng khi nó được được vào sử dụng”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại