Boeing F-15EX nằm trong danh sách mua sắm của Indonesia. Ảnh: Boeing
Tháng 2/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã ký thỏa thuận với Pháp để mua 42 máy bay chiến đấu Dassault Rafale và 2 tàu ngầm lớp Scorpene.
Tiếp ngay sau đó, Mỹ cũng đã chấp thuận có điều kiện việc bán 36 máy bay chiến đấu F-15EX cho Jakarta. Chỉ tính riêng số máy bay đặt mua, các hợp đồng đã tiêu tốn của Indonesia 22 tỷ USD.
Kể từ năm 2021, quốc gia Đông Nam Á này đã đầu tư rất lớn cho các chương trình mua sắm quốc phòng khi công bố kế hoạch mua 6 khinh hạm lớp FREMM và 2 khinh hạm lớp Maestrale từ Ý trong nỗ lực hiện đại hóa dài hạn trị giá 125 tỷ USD.
Lý do để Indonesia tăng cường hiện đại hóa quốc phòng khá rõ ràng. Năm 2021, chiếc tàu ngầm KRI Nanggala (402) hơn 40 năm tuổi của Hải quân Indonesia bị chìm sau một sự cố kỹ thuật. Trước đó, Quân đội Indonesia cũng đã chứng kiến một loạt vụ rơi máy bay quân sự.
Bên cạnh đó, Indonesia đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các hệ thống vũ khí hiện đại kể từ cuối những năm 1990 do hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ cũng như lệnh cấm vận vũ khí liên quan tới vấn đề Đông Timor. Mặc dù lệnh cấm vận này đã được dỡ bỏ vào năm 2005 nhưng Indonesia vẫn chưa bắt kịp tiến độ so với nhu cầu đặt ra.
Chiếc tàu ngầm 44 tuổi do Đức sản xuất trong một cuộc diễn tập phóng ngư lôi ở vùng biển phía bắc đảo Bali. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, quyết định mua sắm vũ khí từ nhiều quốc gia khác nhau đang khiến Indonesia đối diện với một số hạn chế.
Ngoài vấn đề gia tăng thêm chi phí, chậm trễ trong việc phát triển các cơ sở huấn luyện, đào tạo nhân viên, mua phụ tùng thay thế và bảo trì thì các dòng máy bay khác nhau đều phải cần tới những nhu cầu khác nhau cho tất cả những yêu cầu này.
Quan trọng hơn cả là khả năng tích hợp giữa các hệ thống, một vấn đề mà Indonesia sẽ cần phải suy nghĩ cẩn thận.
Quyết định mua vũ khí của các nước phương Tây một phần cũng bị ảnh hưởng bởi Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nhằm vào các quốc gia mua vũ khí từ Nga, Triều Tiên và Iran. Để tránh mối đe dọa này, Indonesia đã quyết định hủy bỏ chương trình mua Sukhoi Su-35 từ Nga.
Có vẻ như Indonesia đang sử dụng một mũi tên để bắn trúng hai đích: vừa tránh được các lệnh trừng phạt vừa góp phần củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Luật Công nghiệp Quốc phòng năm 2012 của Indonesia quy định các giao dịch mua sắm chiến lược phải đảm bảo ít nhất 35% nội địa hóa. Trước khi các giao dịch có hiệu lực, vấn đề này phải được Quốc hội và Bộ Tài chính Indonesia kiểm tra.
Đây là lý do tại sao thỏa thuận mua sắm từ Rafale phải đi kèm với các ràng buộc, trong đó có biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao công nghệ cho Indonesia. Jakarta hy vọng điều này sẽ giúp mở đường xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng bền vững.