Những kịch bản chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt thế giới

Hoa Huyền |

Liệu có kịch bản về một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ? Cuộc hủy diệt khi các bên đối đầu sử dụng vũ khí hạt nhân có nguy cơ xảy ra?

Một giả định… chết người!

Trang mạng independent.co.uk mới đây đăng bài viết cho biết theo các nghiên cứu được thực hiện tại Trường Đại học Princeton, một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga sẽ giết chết hàng chục triệu người trong vài giờ và dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn Tây Âu. 

Theo bài báo, những hình ảnh mô phỏng chiến tranh hạt nhân, được thực hiện trong khuôn khổ chương trình "Khoa học và An ninh toàn cầu" của Trường Đại học Princeton (SGS), đã đưa ra kết quả đáng sợ.

Trong khi đó, ở một bài viết khác của nhà khoa học chính trị Adomas Abromaitis vừa đăng trên trang mạng moderndiplomacy.eu gần đây, chủ đề "nguy cơ leo thang hạt nhân trong một cuộc xung đột và chiến tranh phi hạt nhân do sơ suất" xuất hiện dày đặc trong các chương trình nghị sự. Rõ ràng, sự ổn định chiến lược đang trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc.

Theo báo cáo được đưa ra dựa trên những kết quả phân tích tình huống do nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Sergei A. Karaganov, hiện là cố vấn chính sách kinh tế và ngoại giao của Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện, "chắc chắn sẽ là một sai lầm khi cho rằng bối cảnh chiến lược quân sự mới là ổn định".

Từ quan điểm của tác giả, mối đe dọa chính xuất phát từ nguy cơ xung đột quân sự giữa các cường quốc hạt nhân, bao gồm xung đột hạt nhân hoặc phi hạt nhân mà chưa được tính toán từ trước, vốn sau đó có thể leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân toàn cầu, với xác suất leo thang như vậy hiện cao hơn trước rất nhiều.

Những kịch bản chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt thế giới - Ảnh 1.

Khi tấn công hạt nhân trên diện rộng xảy ra, dự báo cả Tây Âu sẽ bị xóa sổ trong chốc lát. Ảnh: Armstrongeconomics.

Theo báo cáo, rõ ràng Nga tin rằng Mỹ đã liên tục phá hủy cấu trúc truyền thống là hệ thống các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân, một lần nữa xem xét các lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột thông thường để giành lấy chiến thắng, và từ chối việc đàm phán nghiêm túc để thúc đẩy sự ổn định chiến lược.

Tác giả Abromaitis chắc chắn rằng điều này sẽ tạo ra một khoảng trống trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân và hạ thấp ngưỡng sử dụng vào thời điểm mà nguy cơ đụng độ vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân trong bối cảnh chính trị và công nghệ hiện nay vẫn còn khá cao.

Còn đối với châu Âu, báo cáo nêu rõ rằng những rủi ro nghiêm trọng hơn từ cuộc đụng độ quân sự xuất phát từ việc Mỹ tiếp tục nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa và máy bay không người lái ở Đông Âu.

Kế hoạch gia tăng kho vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp và đưa những vũ khí đó vào các hệ thống phân phối chiến lược nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa quân sự của Nga.

Nhiều đề xuất của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự và triển khai vũ khí ở Ba Lan và các nước Baltic rõ ràng cho thấy Mỹ dường như đã tính đến khả năng nổ ra một cuộc xung đột quân sự với Nga ở khu vực châu Âu và đang có biện pháp ngăn chặn Nga, muốn giành chiến thắng trước Nga bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí thông thường.

Nhà khoa học chính trị Adomas Abromaitis cho rằng, đây là một xu hướng khá nguy hiểm. Một khi Mỹ tấn công Nga, chắc chắn sẽ xảy ra việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc tên lửa tầm trung được vũ trang thông thường để chống lại.

Chính xác là một cuộc tấn công chiến lược, và nước Nga chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Mỹ hoặc những quốc gia theo lệnh Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân đó.

Do đó, những nước sẵn sàng triển khai bất kỳ loại vũ khí nào do Mỹ đưa ra đều sẽ tự biến mình thành mục tiêu thực sự của Nga. Và như vậy, chiến tranh hạt nhân ở châu Âu không còn là một mối đe dọa mơ hồ, mà là một điều rất thực tế.

Kịch bản giả định và những con số thiệt hại thật

Tờ The Independent dự báo, trong giờ đầu tiên của cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga, hơn 90 triệu người sẽ chết hoặc bị thương, lục địa châu Âu bị phá hủy hoàn toàn. 

Điều đáng nói là mô hình này chưa tính đến số người chết do bệnh phóng xạ, bụi phóng xạ, do kết quả của việc sống trong một khu vực nhiễm xạ, phần lớn nằm ở bán cầu Bắc... sau khi kết thúc cuộc tấn công hạt nhân. Như vậy, sẽ có đến hàng trăm triệu nạn nhân.

Theo các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Princeton, một kịch bản như vậy đã trở nên "rõ ràng hơn" trong hai năm qua vì Nga và Mỹ đã ngừng thực hiện các biện pháp kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Theo mô phỏng, 34 triệu người sẽ thiệt mạng và 57 triệu người bị thương trong những giờ đầu tiên của thảm họa hạt nhân. Một cuộc xung đột hạt nhân có thể khiến châu Âu bùng cháy trong một vụ cháy hạt nhân, có khả năng xảy ra từ sự leo thang của một cuộc chiến thông thường giữa Nga và NATO.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết kịch bản của mô hình này dựa trên thực tế rằng với hy vọng ngăn chặn bước tiến của lực lượng Mỹ và NATO, Nga thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật từ một căn cứ gần thành phố Kaliningrad như một biện pháp phòng ngừa.

NATO tấn công trả đũa cũng bằng một cuộc không kích hạt nhân chiến thuật, như dự đoán của nhà phân tích nổi tiếng người Nga Andrei Piontkovsky, Nga quyết định tấn công các nước Baltic, vốn được bảo vệ theo Điều 5 Hiến chương NATO.

Sau khi ngưỡng hạt nhân (tâm lý) bị vượt qua, sự thù địch leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân chiến thuật ở châu Âu, Nga dùng 300 đầu đạn hạt nhân từ máy bay và tên lửa tầm ngắn tấn công các căn cứ và đường tiến quân của đối phương. NATO đáp trả bằng khoảng 180 đầu đạn hạt nhân từ máy bay.

Sau đó, lực lượng hạt nhân chiến lược vào trận. Đoạn video mô phỏng cho thấy rất nhiều đường màu đỏ tượng trưng cho việc phóng tên lửa đạn đạo từ hầm phóng, hệ thống tên lửa di động hay từ tàu ngầm.

Vài phút trước khi trận mưa từ những đường màu xanh tượng trưng cho tên lửa chiến lược của Mỹ đánh vào Nga, quét sạch đất và nước khỏi mặt đất; sau đó các đầu đạn Nga trải thảm các vụ nổ hạt nhân lên lãnh thổ Mỹ từ bờ biển bên này đến bên kia.

Trong giai đoạn cuối cùng, Washington và Moscow sẽ nhắm vào các thành phố lớn nhất của nhau bằng 5-10 tên lửa cho mỗi thành phố từ các tàu ngầm dưới nước còn sót lại. Đoạn video dựa trên ước tính thực tế về sức mạnh của hai bên, vị trí phóng tên lửa và tỷ lệ tử vong.

Điều đáng chú ý là các vụ nổ hạt nhân mô phỏng đầu tiên dường như xảy ra ở Ba Lan, không xa thủ đô Warsaw và trên biên giới Đức và Cộng hòa Czech. 

Các nhà báo của The Independent đặt câu hỏi với các tác giả của nghiên cứu về việc liệu có bất kỳ kịch bản nào khác được tính đến hay không, ví dụ kịch bản NATO là bên đầu tiên tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, và có thể châm ngòi cuộc chiến giữa Nga và NATO.

Sam Dudin, nhà nghiên cứu của Viện Dịch vụ kết hợp hoàng gia, cho rằng kịch bản hủy diệt lẫn nhau khó có thể xảy ra vì chính sách của Mỹ từ năm 1950 đã được thiết kế để tránh đụng độ quân sự trực tiếp với Nga. Moscow cũng không muốn có chiến tranh với NATO.

Các nhà khoa học cho rằng, về lý thuyết là như vậy, nhưng dự án này muốn thuyết phục các nhà khoa học khác, các chính trị gia và cả người dân về sự cần thiết phải giảm mối đe dọa hạt nhân.

Chạy đua... đang diễn ra như vũ bão

Các nhà khoa học đã rất có lý khi đưa ra những cảnh báo vào lúc mọi vấn đề liên quan tới cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đang diễn ra như vũ bão. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga đã gây ra hàng loạt đồn đoán về những hậu quả tiềm tàng.

Những kịch bản chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt thế giới - Ảnh 3.

Nếu không kiểm soát tốt tình hình, nguy cơ tấn công hạt nhân đẩy thế giới vào tình trạng nguy hiểm. Ảnh: defence.ca.

Phần lớn giới bình luận nhất trí rằng động thái này sẽ có thể kích hoạt một cuộc đua vũ trang tương tự cuộc đua hồi Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, đây là một lập luận thừa. Bởi một cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ đã diễn ra với sự tham gia của các cường quốc hạt nhân ở các mức độ khác nhau, thậm chí trước khi ông D.Trump đưa ra tuyên bố trên.

Kết thúc Chiến tranh Lạnh, số đầu đạn trên phạm vi toàn cầu (chủ yếu là của Mỹ và Nga) giảm đáng kể, từ con số đỉnh điểm là 64.449 trong năm 1986 xuống còn 11.635 trong năm 2009. Tuy nhiên, tốc độ cắt giảm đã chậm lại sau thời điểm này.

Thêm vào đó, số liệu khí tài lưu kho lại không ghi nhận số lượng đầu đạn và vì vậy có thể nhanh chóng được đưa ra sử dụng. Trong khi đó, tốc độ "hiện đại hóa" hạt nhân lại gia tăng. Các cường quốc đang phát triển hệ thống vũ khí công nghệ cao vốn có nguy cơ đe dọa khái niệm về sự ổn định răn đe có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Ngoài những con số trên, hiện cả Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc đang hối hả phát triển vũ khí siêu thanh. Ấn Độ cũng đã sở hữu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có vận tốc đạt Mach 3 (khoảng 3.600km/h). 

Thế nên, INF dường như đã nằm trong quỹ đạo tính toán của Mỹ. Và nguy cơ xảy ra cuộc chiến bất ngờ đang gia tăng cao hơn khi căng thẳng Mỹ - Nga và Mỹ - Trung gia tăng, trong khi khủng hoảng quan hệ Trung-Ấn và Ấn Độ-Pakistan dọc biên giới tranh chấp đang làm nảy sinh nhiều phức tạp hơn.

Cùng với việc phát triển vũ khí siêu thanh, quá trình phát triển các loại vũ khí khác cũng đang gây ra những căng thẳng tương tự. Mỹ đang bước vào giai đoạn mới trong quá trình phát triển các loại vũ khí mới như máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-21, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất thế hệ mới, và tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (LRSO).

Không kém cạnh, Nga cũng đang phát triển nhiều loại vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí có năng lực kép như máy bay ném bom siêu thanh tầm trung Tu-22M3M và tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat.

Tương tự, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân với tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa DF-41, tàu ngầm hạt nhân Type-096 và máy bay ném bom chiến lược tầm xa Hong-20.

Cuộc đua vũ trang đang diễn ra như vũ bão. Điều trớ trêu là ẩn sau những động thái đua tranh quyết liệt giữa các cường quốc hạt nhân, mặc dù cuộc đua công nghệ cao là nổi trội song động lực thực sự về đối đầu hạt nhân lại đóng vai trò chủ đạo.

Dù đạt được thế cân bằng hạt nhân tại bất kỳ thời điểm nào, song không nước nào muốn là bên khai hỏa đầu tiên vì ngay cả khi xảy ra nguy cơ nhỏ nhoi về việc ném bom hạt nhân vào lãnh thổ của nước nào đó hoặc các lực lượng của nước nào đó thì điều này là không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, điều này còn có thể kích hoạt chuỗi phản ứng khó đoán định với những hậu quả khôn lường. Đó là lý do vì sao Mỹ đã không cố ngăn chặn những năng lực non trẻ của các quốc gia mới nổi kiềm chế sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vậy ý nghĩa cuộc đua hạt nhân là gì? Mục đích chính của cuộc đua vũ khí hạt nhân là gì nếu không tạo ra sự cân bằng thực sự? Theo các nhà phân tích, đó là cách đáp trả cân bằng. 

Theo đó, đáp trả cân bằng giữa các nước cạnh tranh hạt nhân bắt nguồn từ "tư duy" ăn sâu vào giới tinh hoa chiến lược, một lối tư duy bị ám ảnh bởi lịch sử kéo dài của các cuộc chiến thảm khốc đến mức gần phải sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, giới lãnh đạo chính trị tham gia vào cuộc cạnh tranh hạt nhân lại luôn phải đối phó với lực lượng cử tri trong nước để đảm bảo giữ được nền tảng ủng hộ chính trị của cử tri đối với họ. Họ muốn chứng tỏ quyết tâm không lùi bước bằng cách bộc lộ sự sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa.

Một khi nước nào đó đem vũ khí hạt nhân ra "dọa", trò lập tức bắt đầu, và nó luôn được mở đầu bằng tuyên bố rằng: Chúng tôi sẽ hành động "để lấy lại sự cân bằng trong lĩnh vực này". Đây là một lối đấu khẩu điển hình cho thấy cuộc chơi mang tính biểu tượng của các cường quốc hạt nhân.

Tương lai khó đoán định. Do những căng thẳng chiến lược, một cuộc đua vũ trang mới sẽ tiếp tục diễn ra. Ở đâu đó, một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra, các cuộc đàm phán sẽ lại bắt đầu và các cường quốc cạnh tranh quyền lực sẽ phải nỗ lực duy trì sự cân bằng ổn định.

Giới chuyên gia nhận định, ngày nay việc sử dụng vũ khí hạt nhân không còn là bất tự nhiên đối với giới tinh hoa chính trị ở các cường quốc hạt nhân, nỗi sợ hãi đang tăng lên ở cấp độ toàn cầu, vì thế, cần siết chặt kiểm soát vũ khí, vì đây là điều chủ yếu giữ chúng ta khỏi chiến tranh hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại