Bất ngờ trước lực lượng Trung Quốc điều động tham gia tập trận chung với Nga – Iran

Minh Thu |

Trung Quốc được cho sẽ chỉ điều động các lực lượng không làm nhiệm vụ chiến đấu khi tham gia đợt tập trận chung với hải quân Nga và Iran trong thời gian tới.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, giới phân tích quân sự Trung Quốc nhận định Trung Quốc tham gia tập trận chung hải quân với Nga và Iran nhưng ở mức “có giới hạn”.

Cụ thể, thay vì điều động lực lượng hải quân, quân đội Trung Quốc sẽ chỉ đưa hạm đội chống hải tặc, lực lượng đang được triển khai tới Somali để bảo vệ an toàn cho các tàu thương mại.

Hồi tuần trước, hãng tin Fars của Iran dẫn lời Chuẩn tướng Ghadir Nezami Pour, người đứng đầu các vấn đề quốc tế và ngoại giao quốc phòng thuộc Bộ Tổng Tham mưu lực lượng vũ trang Iran cho biết, cuộc tập trận chung giữa hải quân Nga – Trung Quốc – Iran sẽ “sớm” diễn ra ở vùng biển quốc tế trên biển Oman và phía bắc Ấn Độ Dương.

“Cuộc tập trận mang nhiều mục đích khác nhau như trao đổi kinh nghiệm quân sự và chiến thuật, nhưng đôi khi cũng vì mục đích chính trị nhằm thể hiện sự hội tụ của các bên tham gia”, Tướng Pour nói.

Tuy nhiên, hôm 23/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã né tránh câu hỏi của phóng viên liên quan tới cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Iran. Ông Cảnh chỉ nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc vẫn duy trì “quan hệ hợp tác thường xuyên” với các đối tác nước ngoài.

Theo ông Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ chỉ điều động lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, chống hải tặc và cứu trợ cứu nạn tới cuộc tập trận chung với Nga và Iran để nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là duy trì hòa bình.

“Tham gia một cuộc tập trận quân sự chính thức ở vịnh Péc-xích có thể biến vùng biển này trở thành điểm nóng và mang tới nhiều rắc rối cho Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh muốn né tránh điều này, dù Trung Quốc nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông và vận chuyển qua vịnh Péc-xích ”, SCMP dẫn lời ông Zhou.

Cũng theo ông Zhou, “Trung Quốc có chính sách rất rõ ràng ở Trung Đông là không liên quan tới bất cứ cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Iran. Trung Quốc chỉ lựa chọn tham gia cuộc tập trận đảm bảo an ninh chứ không phải tiến hành một đợt tập trận như bình thường”, ông Zhou nói thêm.

Nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, ông Song Zhongping cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đưa hạm đội chống hải tặc tới cuộc tập trận chung với Nga và Iran. Lực lượng chống hải tặc của Trung Quốc đã tham gia nhiều chiến dịch quy mô quốc tế trong hơn 10 năm qua tại các vùng biển gần Somalia.

Thông tin Nga – Trung – Iran tiến hành tập trận chung được công bố sau chưa đầy hai tuần xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các cơ sở lọc dầu Abqaiq và Khurais của Ả Rập Xê-út vào ngày 14/9. Mỹ cáo buộc Iran là chủ mưu của vụ tấn công, nhưng Tehran phủ nhận.

Ông Niu Zhongjun, Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh cũng bày tỏ sự nghi ngờ trước việc Trung Quốc sẽ điều động lực lượng hải quân tham gia cuộc tập trận chung giữa thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

“Rõ ràng, Iran muốn Trung Quốc ủng hộ nhưng tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ đáp ứng nguyện vọng của Iran để rồi làm Mỹ phiền lòng dù Mỹ - Trung vẫn chưa thể giải quyết cuộc chiến thương mại”, ông Niu nhận định.

Nhưng theo ông Song, Trung Quốc có thể nhân cuộc khủng hoảng hiện nay để đứng về phía Nga và Iran cũng như tăng cường hoạt động của hạm đội hộ tống các tàu thương mại do Trung Quốc tiến hành trên eo biển Hormuz gần vịnh Oman và phía bắc Ấn Độ Dương.

“Trong số những nhiệm vụ hải quân Trung Quốc được giao phó, Bắc Kinh muốn đảm bảo an toàn cho các lợi ích ở nước ngoài cũng như tuyến đường biển qua vịnh Péc-xích. Hạm đội hộ tống của Trung Quốc cũng cần tăng khả năng hoạt động từ vịnh Aden tới phía bắc Ấn Độ Dương cũng như eo biển Hormuz trên vịnh Péc-xích”, ông Song cho hay.

“Đây là những tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất không chỉ đối với Nga và Iran mà cả với Trung Quốc trong hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông”, ông Song kết luận.

Hiện tại, hơn 1/5 lượng dầu cung cấp trên toàn thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz. Đây cũng là tuyến đường biển giúp Trung Quốc kết nối với các nước sản xuất dầu mỏ lớn ở vùng Vịnh như Iran, Ả Rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại