Nga là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ nhất vào công nghệ tàng hình trên chiến trường. Gần đây nhất, tập đoàn nhà nước Nga Rostec đã cho ra mắt chiếc mũ bảo hiểm dành cho binh sĩ được gắn vật liệu có khả năng thay đổi màu dựa vào môi trường xung quanh. Đây là một phần trong bộ quân phục dành cho "binh sĩ tương lai" Nga.
Mũ bảo hiểm tàng hình của Rostec do một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ quốc gia (NUST MISIS) ở Moscow, Nga, sáng tạo dựa trên một siêu vật liệu độc đáo có thể giúp các phương tiện quân sự tàng hình.
Siêu vật liệu này không thể tìm thấy trong tự nhiên. Nó có khả năng tác động lên sóng điện từ như ngăn chặn, hấp thụ, tăng cường hoặc bẻ cong khiến nó trở nên vô hình với các loại sóng. Ngoài khả năng tàng hình, siêu vật liệu còn có thể ứng dụng chế tạo thiết bị cảm biến siêu nhạy để phát hiện vũ khí hóa học và chất nổ.
Trong thời gian tới, siêu vật liệu này sẽ được cải tiến để có tính năng mới, mô phỏng hiệu ứng hình ảnh phức tạp, đơn cử như lá lay động trong gió. Cách bắt chước môi trường xung quanh này tạo điều kiện để quân nhân và vũ khí trở nên "tàng hình".
Không chịu kém cạnh Nga, để tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những cường quốc quân sự, quân đội Anh đã thử nghiệm một chiếc áo tàng hình giống trong bộ phim "Harry Potter".
Chiếc áo này có tên là Vatec, có thể giúp các binh sĩ biến mất khỏi tầm ngắm của địch. Chiếc "áo tàng hình" này thậm chí còn có thể giúp họ tránh khỏi sự truy quét của các camera hồng ngoại và thiết bị cảm biến nhiệt.
Trong thử nghiệm thực tế, Vatec đặc biệt có tác dụng đối với lính bắn tỉa. Lính bắn tỉa của Anh đã có thể sử dụng các tấm áo tàng hình này để dựng lên các bốt tàng hình trên chiến trường. Mặt khác, thay vì phải sử dụng những công cụ ngụy trang phức tạp và nặng nề, lính bắn tỉa Anh giờ chỉ cần một tấm áo Vatec là đủ.
Những binh sĩ tham gia cuộc thử nghiệm cho biết, họ không hề bị phát hiện bởi các binh sĩ khác, kể cả khi họ sử dụng cảm biến nhiệt và thiết bị camera hồng ngoại. Hơn thế, Vatec có thể được sản xuất thành nhiều hình dạng để có thể sử dụng ở các địa hình đồi núi.
Với vị thế là cường quốc quân sự số 1 thế giới, Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc đua công nghệ tàng hình chiến trường.
Với sự tài trợ của Lầu Năm Góc, Tập đoàn Công nghệ sinh học Hyperstealth của Canada đang phát triển một loại vải ngụy trang có thể làm cho người mặc nó tàng hình.
Nó được đặt tên là Quantum Stealth-có thể làm cho người mang hoàn toàn vô hình bằng cách uốn cong các sóng ánh sáng xung quanh. Vì thế, Quantum Stealth cho phép các lực lượng đặc nhiệm thực hiện các cuộc tấn công vào ban ngày mà không bị phát hiện.
Loại vải này cũng có thể cho phép tạo ra các thế hệ tiếp theo của máy bay tàng hình không chỉ đối với radar mà còn đối với mắt thường, cũng như việc giúp các tàu ngầm không bị phát hiện ngay cả khi ở trước hạm đội của đối phương.
Song song với việc phát triển Quantum Stealth, quân đội Mỹ đã sản xuất hàng chục nghìn chiếc áo tàng hình "đời đầu". Dù vẫn chưa thể khiến người mặc tàng hình hoàn toàn, nhưng loại áo này có khả năng làm chậm lại và thậm chí ngăn chặn ánh sáng.
Điều đó có nghĩa, những chiếc áo này có khả năng tàng hình trong một số điều kiện ánh sáng nhất định. Ở những điều kiện ánh sáng thường thấy, phải quan sát rất kỹ đối thủ mới có thể phát hiện ra người mặc.