Thực tế cho thấy pháo không tháp pháo bộc lộ nhiều yếu điểm và bất cập; Nguồn: deviantart.com
Việc gắn pháo 152 mm trên xe Boxer dẫn đến sự gia tăng khối lượng - không thể duy trì khối lượng trong khoảng 50 tấn (ngay cả khi sử dụng một số tổ máy làm bằng titan); sẽ phải hy sinh sự an toàn của kíp xe bằng việc từ bỏ bọc thép khoang trữ đạn, để đạn ở ngăn bọc thép trong khoang chiến đấu và thân xe tăng.
Việc lắp pháo cỡ 152,4 mm thay vì cỡ nòng 125 mm mang lại lợi thế về hỏa lực, nhưng không đáng đến mức phải chấp nhận tăng khối lượng của xe tăng. Ngoài ra, việc sử dụng các loại đạn dẫn đường hiện đại có thể bù đắp các nhược điểm của pháo cỡ nòng bé hơn.
Các nỗ lực chế tạo xe tăng của Liên Xô (Nga) lắp pháo 152 mm (và ở phương Tây - pháo 130 mm và 140 mm) đã không mang lại thành công, chủ yếu là do không thể có sự kết hợp tối ưu của ưu thế về hỏa lực, khả năng bảo vệ và khả năng cơ động của xe tăng chủ lực.
Các chuyên gia đi đến kế luận, việc tăng cường sức mạnh hỏa lực của xe tăng sẽ buộc phải thông qua việc tạo ra các hệ thống bắn hiệu quả hơn dựa trên các nguyên tắc vật lý mới và sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn.
Tháp pháo không người và khoang bọc thép
Tháp pháo không người cho phép giảm thể tích bên trong tháp pháo, giảm khối lượng của xe tăng và là những bước đi cần thiết trong quá trình tiến tới xe tăng robot.
Đồng thời, liên quan đến việc loại bỏ các phương tiện kép quang học và dự phòng để quan sát và ngắm bắn của kíp xe, các vấn đề nghiêm trọng nảy sinh nhằm hạn chế khả năng khai hỏa và giảm đáng kể độ tin cậy của xe tăng.
Trong trường hợp trục trặc dẫn đến không thể truyền điện lên tháp, xe tăng mất hoàn toàn khả năng tác chiến, không thể khai hỏa và coi như bị “mất tích”. Vấn đề này đã được thảo luận nhiều lần và vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Với trình độ phát triển của các phương tiện kỹ thuật hiện nay, sự ra đời của tháp pháo không người không mang lại độ tin cậy so với kiểu bố trí cổ điển của xe tăng.
Trong các dự án chế tạo xe tăng của phương Tây, quyết định như vậy không được đưa ra vì lý do đảm bảo độ tin cậy của xe tăng trên chiến trường.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề tăng sức mạnh hỏa lực thông qua việc nâng cỡ nòng pháo chính không phải là giải pháp tối ưu; Nguồn: militaryleak.com
Khoang bọc thép có thể có hai loại - cho kíp lái và cho đạn dược với tất cả các ưu điểm và nhược điểm của nó, dù mức độ cần thiết và hiệu quả hơn như thế nào vẫn chưa được chứng minh.
Trên xe tăng Abrams, các khoang bọc thép nằm ở phía sau tháp pháo - cách bố trí đã được thử nghiệm trong các trận chiến thực tế và đã chứng minh được hiệu quả một phần của nó.
Một khoang bọc thép cho kíp lái hiện chỉ tồn tại trên xe tăng Armata (Nga) và đặt ra nhiều câu hỏi chỉ có thể trả lời sau khi vận hành thực tế.
Hệ thống quản lý thông tin
Kinh nghiệm của các cuộc xung đột quân sự gần đây với việc sử dụng các phương tiện hiện đại để phát hiện và phá hủy thiết bị quân sự cho thấy, một phân đội xe tăng độc lập (và thậm chí mỗi xe tăng riêng rẻ) không có khả năng chống trả thành công trên chiến trường; nó cần được liên kết vào một hệ thống quản lý thống nhất, nhằm trao đổi liên tục thông tin trinh sát và chiến đấu theo thời gian thực để phối hợp hành động và để các cấp chỉ huy tương ứng đưa ra quyết định một cách nhanh chóng.
Hệ thống có thể giúp kết nối xe tăng với các phương tiện trinh sát, xác định mục tiêu và tiêu diệt, đồng thời tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong khi nếu cần, có thể nhanh chóng chuyển một xe tăng hoặc một nhóm xe tăng sang một cấp khác chỉ huy điều hành.
Hệ thống quản lý thông tin diễn tả bức tranh tổng hợp về chiến trường, giúp xe tăng có thêm “tầm nhìn” và mở rộng khả năng của người chỉ huy trong việc đánh giá tình hình theo thời gian thực, thực hiện chỉ định và phân bố mục tiêu, kiểm soát hỏa lực và sự cơ động của xe tăng và các phân đội.
Xe tăng robot
Hệ thống quản lý trên xe khiến nó có thể biến thành một chiếc xe tăng được điều khiển từ xa hoặc thành một chiếc xe tăng robot.
Trong trường hợp này, hai cách có thể được thực hiện - tạo ra một xe tăng đặc biệt không bố trí tổ lái, và sử dụng bất kỳ xe tăng chiến đấu chủ lực nào được trang bị hệ thống quản lý thông tin làm xe tăng robot.
T-14 Armata (Nga) đang được coi là một mẫu xe tăng tương lai đầy hứa hẹn; Nguồn: hotcars.com
Sự phát triển của xe tăng không người lái giúp nó có thể giảm trọng lượng, nhưng đồng thời xuất hiện một loại thiết bị quân sự mới, đòi hỏi các phương tiện điều khiển đặc biệt, sự ra đời của hệ thống vận chuyển, cơ cấu điều khiển và hoạt động của những chiếc xe tăng đó.
Ý tưởng sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực, hệ thống gần giống như xe tăng Armata, làm cơ sở có vẻ hứa hẹn hơn.
Triển vọng xe tăng của tương lai
Ở Nga, tăng T-14 Armata với một pháo 125 mm, một tháp pháo và một khoang bọc thép cho tổ lái trong thân xe tăng với cả những ưu nhược điểm đang được coi là một loại xe tăng đầy hứa hẹn.
Trường phái xe tăng Armata còn lâu mới trở thành một kiệt tác, nhưng hiện nay ở Nga và nước ngoài, không có biến thể nào khác của loại xe tăng triển vọng có lô thử nghiệm được đưa vào sản xuất.
Tăng Armata được ra mắt vào năm 2015, vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, thời hạn mới nhất đưa vào trang bị được công bố là năm 2022.
Một phương tiện kỹ thuật như vậy không thể nhanh chóng được tạo ra, có rất nhiều vấn đề và cần thời gian để khắc phục chúng.
Trong mọi trường hợp, bất kể tăng Armata thành công hay thất bại, khái niệm về xe tăng của tương lai phải được phát triển và việc phát triển chắc chắn đang diễn ra, phụ thuộc vào quan điểm chiến thuật tiến hành một trận đánh trong tương lai, vai trò của xe tăng trong đó, sự phát triển của công nghệ và kinh nghiệm chế tạo các thế hệ xe tăng trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng pháo 152 mm vào pháo tự hành hạng nặng được chế tạo chuyên biệt để làm vũ khí tấn công và tăng cường sức mạnh cho xe tăng trên chiến trường là rất phù hợp.
Câu hỏi đặt ra là các hệ thống pháo tự hành nên được tạo ra trên cơ sở nào. Triển vọng nhất là việc chế tạo các hệ thống pháo binh tự hành dựa trên cơ sở xe tăng Armata và đưa nó vào danh sách các phương tiện chiến đấu đã được lên kế hoạch.
Trong một động thái có liên quan, có thông tin quân đội Nga có thể nhận được lô thử nghiệm đầu tiên của xe tăng T-14 Armata thế hệ mới trong những tháng tới và các cuộc thử nghiệm chiến đấu chính thức của những phương tiện này đang được chuẩn bị ở Syria.
Điều này sẽ không chỉ cho phép khám phá các khả năng của xe tăng thế hệ mới mà còn chứng minh phẩm chất chiến đấu của chúng với các khách hàng tiềm năng.