Những căn hầm trú ẩn hạt nhân ở Ottawa

Nguyễn Thanh Hải |

Trong một hố sỏi bỏ hoang ở ngoại ô cộng đồng nông trang nhỏ ở Carp (tỉnh Ontario, Canada), những điều kỳ diệu đã xảy ra. Đó là năm 1959 và chỉ trong vòng 2 năm kế tiếp đó, địa điểm này đã được chuyển đổi thành một trong những cơ sở phòng thủ tuyệt mật nhất thời kỳ Chiến tranh lạnh của Canada.

Trước đó vài tháng, tại Hạ viện Canada, ngài Thủ tướng John Diefenbaker đã mô tả về những nguyên tắc căn bản của cái được gọi là “Chương trình liên tục của chính phủ” (CGP) nhằm xây dựng một mạng lưới các hầm trú ẩn đề phòng trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Bắc Mỹ.

Cấu trúc siêu ngầm kiên cố

Trong vòng một thập niên, 50 khu trú ẩn phòng vệ đã được xây dựng rải rác trên khắp đất nước Canada. Bộ Quốc phòng quốc gia Canada (DND) được trao trọng trách xây dựng và điều hành 7 khu trú ẩn tiên tiến nhất.

Khu căn cứ trú ẩn tại Carp là “lá cờ đầu” khi nó có thể đứng vững vàng trước vụ nổ cao (tương đương 5 triệu tấn TNT phát nổ ở cách xa 1 dặm) so với tất cả các cơ sở còn lại vốn được thiết kế chỉ để bảo vệ chống lại bụi phóng xạ. Khu trú ẩn nằm trong lòng Cơ sở chính phủ khẩn cấp trung ương (CEGF) có thể cung cấp chỗ ẩn náu cho 535 người trong vòng 30 ngày.

Những căn hầm trú ẩn hạt nhân ở Ottawa - Ảnh 1.

Lối dẫn vào khu trú ẩn dưới lòng đất Ottawa. Ảnh nguồn: Wikipedia.

Theo đó khu phức hợp ngầm Diefenbunker được thiết kế và xây dựng bởi Công ty cơ sở Montreal (FCM).Tiến độ xây dựng được giám sát bởi quân đội, giám đốc dự án là Trung tá Ed Churchill (một thành viên của Kỹ sư hoàng gia Canada thuộc Lực lượng vũ trang Canada). Một số thành tựu công nghệ đã đạt được trong suốt thời gian hiện thực hóa dự án kỳ vĩ này.

Vì thiếu các khối đá cứng phù hợp nằm gần công trường xây dựng – một cách tiếp cận thông thường trong việc xây dựng những hầm trú ẩn chống lại các tác động trực tiếp của vũ khí hạt nhân, vốn bao gồm việc khoét đá núi hoa cương tạo thành những đường hầm rỗng – nên các nhà thiết kế đã xây dựng một khối bê tông cốt thép cường độ cao được gia cố siêu chắc chắn, và bao quanh khối bê tông này là một miếng đệm bằng sỏi dày 1,5m có khả năng thoát nước tốt.

Mái của khu trú ẩn và các tấm đà cũng dày 1,5m. Chưa hết, còn có 36 cây cột bê tông có đường kính 1,3m tạo thành một khu nội thất có thể đỡ được vụ nổ bên trên, kết cấu của khu trú ẩn gồm 4 tầng ngầm.

Đầu các cột bê tông và đế cột có đường kính 3m, cũng như chúng được gia cố đặc biệt bằng các tấm thép dày được hàn theo hình chữ H xuống đến phần giữa của mỗi cây cột. Vách tường của khu trú ẩn có độ dày dao động từ 0,7m đến 1,2m. Sự gia cố công phu này là cần thiết để có thể giúp đảm bảo cho khu phức hợp chịu được vụ nổ 5 megaton ở độ sâu 1,1 dặm tính từ mặt đất.

Ở một khoảng cách sâu như vậy, áp lực từ vụ nổ có thể vượt 100 psi và sức gió vượt qua cấu trúc sẽ lên đến 1.000 dặm/giờ! Thành tựu quan trọng thứ hai có liên quan đến kỹ thuật quản lý dự án là đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng tiến độ và vừa vặn ngân sách chi ra.

Một phiên bản vận hành “bằng tay” được biết đến dưới cái tên Phương pháp đường găng (CPM, nó là một công cụ phân tích mạng lưới đồ họa lần đầu tiên được Hải quân Mỹ sử dụng để đóng tàu ngầm hạt nhân) đã được sử dụng rộng rãi nhằm kiểm soát các vật liệu rất phức tạp cùng “lưu lượng” lao động trong những không gian hạn chế của khu phức hợp ngầm.

Hồi đầu thập niên 1960, CPM chỉ mới được thêm vào việc huấn luyện các khóa sĩ quan trẻ của Trường công nghệ quân sự hoàng gia Canada (Chilliwack, British Columbia).

Trong bất kỳ trường hợp nào, CPM cũng đã được sử dụng thành công vang dội trong suốt quá trình xây dựng hầm trú ẩn ở Carp. Hơn 32.000 tấn bê tông và 5.000 tấn thép gia cố đã được sử dụng để xây dựng cơ sở chính ở Carp và địa điểm truyền tín hiệu ở cách đó 20 dặm, nó được đặt trong tòa nhà có kích cỡ nhỏ hơn nằm gần Perth (Ontario).

Có thời điểm hơn 1.000 công nhân đã được tuyển dụng để làm việc tại khu trú ẩn. Dự án tiêu tốn số tiền 20 triệu USD (đó là còn chưa tính đến các thiết bị viễn thông điện tử đặc biệt được lắp đặt tại đây từ năm 1962-1963).

Các không gian hạn chế trong lòng cấu trúc ngầm đã khiến các nhà thiết kế mượn một kỹ thuật vốn thường được sử dụng bởi những nhà thiết kế tàu ngầm vào thời kỳ đó. Họ xây dựng một mô hình cấu trúc ngầm quy mô lớn rất chính xác và chi tiết.

Từ mô hình này đã cho phép họ lắp vào các hệ thống ống nước, cống dẫn, cáp và máy móc cần thiết nhằm hỗ trợ cho các máy móc môi trường và chức năng để vận hành nhịp nhàng cả khu trú ẩn. Mô hình cấu trúc ngầm là một “đặc điểm chính” tại phòng đợi của khu điều hành trong suốt 33 năm tồn tại của Carp.

Bị ngưng đột ngột

Ban đầu dự án cấu trúc trú ẩn ngầm được gọi bằng cái tên là Dự án EASE (Thiết lập tín hiệu quân sự thử nghiệm). Và người ta xây dựng một tấm vỏ bọc để che giấu chức năng thực sự của nó; đó là nơi mà các thành viên của chính phủ liên bang và quan chức được lựa chọn (535 cá nhân dân sự và quân sự) có thể sống sót và mang trọng trách cai trị đất nước ngay cả khi phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân trên lục địa Bắc Mỹ.

Những tài liệu giải mật gần đây cho thấy khu trú ẩn ngầm ở Carp là một phần của một hệ thống mở rộng các cơ sở trú ẩn với nhiều mức độ khác nhau và các yếu tố của chính phủ trên khắp Canada.

Những tỉnh thành khác của Canada cũng xây dựng các khu trú ẩn chống lại bụi phóng xạ giúp sinh tồn cho từ 250 đến 350 quan chức tỉnh và liên bang (gồm cả các chuyên gia quân sự). Họ sẽ chịu trách nhiệm cho việc hỗ trợ trực tiếp nhằm điều phối các chiến dịch sinh tồn cho người dân sống ở các địa phương.

Suốt nhiều năm hoạt động, hầm trú ẩn ở Carp (và nhiều địa điểm nhánh của nó) cũng đóng vay trò thay thế và bổ sung (cho mục đích chính của nó), đó là nút chính trong hệ thống viễn thông chiến lược quân sự quốc gia của Canada.

DND muốn duy trì nhiều cơ sở hầm trú ẩn để dùng trong quốc phòng toàn dân và các tình huống khẩn cấp, luôn trong trạng thái sẵn sàng mỗi khi chính phủ cần. Những căn hầm này sau đó được dừng sử dụng vào mùa Thu năm 1992 và chuyển sang chức năng du lịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại