AFP đăng tải, hôm thứ 3 (9/6), Nga xác nhận sẽ tiến hành các cuộc đàm phán với Mỹ trong tháng này liên quan tới gia hạn một hiệp ước giải giáp vũ trang quan trọng. Tuy nhiên, Moscow cũng cảnh báo, việc Mỹ khăng khăng đòi có sự tham gia của Trung Quốc có thể đem tới tác động tiêu cực lên những nỗ lực của hai bên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (ảnh: Reuters)
Cụ thể, ngày 22/6 sắp tới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov sẽ gặp mặt đặc phái viên Mỹ Marshall Billingslea tại Vienna, Áo để bắt đầu thương lượng về hiệp ước START Mới.
Tên đầy đủ là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, START Mới được ký kết giữa Mỹ và Nga vào tháng 4/2010 và sẽ hết hạn và tháng 2/2021. Hiệp ước kêu gọi các bên tham gia giảm một nửa kho dự trữ bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược.
Mặc dù từng đơn phương quyết định rời bỏ một số hiệp định quốc tế nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thế hiện mong muốn duy trì START Mới. Mặc dù vậy, chính quyền Trump tuyên bố, hiệp ước kế thừa NEW START nên bao gồm cả Trung Quốc. Kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh hiện không ngừng gia tăng nhưng được đánh giá là vẫn nhỏ hơn đáng kể so với những gì Mỹ và Nga đang sở hữu.
"Cau trả lời của tôi cho câu hỏi trực tiếp về việc đưa Trung Quốc tới bàn đàm phán có khả thi không – là không,' ông Ryabkov phát biểu trước Hội đồng các vấn đề đối ngoại trong một cuộc họp trực tuyến từ Moscow.
"Giờ đây nó phụ thuộc vào nước Mỹ - nếu Mỹ tin rằng tiếp tục cuộc đối thoại này với Nga là đáng giá, hoặc từ lập trường của Mỹ, sự tham gia của Trung Quốc là cấp bách và là màn mào đầu cần thiết để Mỹ tiếp tục một cuộc đối thoại có ý nghĩa và được chờ đợi với Nga về kiểm soát vũ khí", ngài thứ trưởng nói.
Theo ông Ryabkov, Nga không phản đối Mỹ mời Trung Quốc nhưng ông khẳng định, trước hết Bắc Kinh cần phải đồng ý. Mặc dù có mối quan hệ lịch sử phức tạp nhưng Trung Quốc vẫn là một đồng minh quốc tế thân cận của Nga.
Đổi lại, thứ trưởng ngoại giao nói, các đồng minh của Mỹ như Anh và Pháp – hai quốc gia khác sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều, cũng nên tham gia vào các cuộc thương lượng.
"Logic ở đây rất đơn giản – số lượng chúng ta đưa ra hạ xuống càng nhiều, thì cái giá phải trả cho mỗi thiết bị bắn đầu đạn hạt nhân càng cao hơn và chúng ta đơn giản là không thể bỏ qua năng lực của các bên khác".
Các tên lửa đất đối không xuất hiện tại quảng trưởng Thiên An Môn trong cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc (10/2019) (ảnh: xinhua)
Mỹ lo lắng về Trung Quốc
Ông Ryabkov miêu tả ý định tham gia thương lượng của Mỹ là "một tin tức tốt"; tuy nhiên ông cũng nói, "quả bóng đang nằm trên phần sân của Mỹ".
"Chúng tôi cần phải được nghe rõ ràng về những gì chính quyền này mong muốn, họ tin tưởng như thế nào về khả năng thực hiện được điều gì đó tích cực chứ không phải chỉ là hủy bỏ một hiệp ước kiểm soát hạt nhân hoặc sắp xếp một hiệp định khác".
Hồi tháng 5, Tổng thống Trump đã đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Hiệp ước này được ký kết vào 3/1992 cho phép Mỹ, Nga và 32 quốc gia khác tiến hành một số chuyến bay giám sát trên không phận của nhau chỉ với thông báo trong thời gian ngắn.
Trước đó, ông Trump cũng rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung – một thỏa thuận quan trọng được hình thành trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.
Trong một bài phát biểu tháng trước tại Viện Hudson, đặc phái viên Billingslea từng nói, Tổng thống Trump "không quan tâm tới các hiệp định chỉ đơn giản là vì lợi ích của các hiệp định đó".
Ông Billingslea cáo buộc Trung Quốc đã dựng nên một "Vạn lý Trường thành bí mật" về vũ khí hạt nhân của mình. Ông cũng chỉ trích Bắc Kinh đã cố tình phô trương kho vũ khí hạt nhân đang gia tăng nhằm "đe dọa Mỹ cũng như các đồng minh và bạn bè của Mỹ".
"Đây là một hành vi thiếu trách nhiệm và nguy hiểm. Nếu Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc – và chúng ta biết rằng họ có ý nghĩ đó, họ cần phải cư xử như một cường quốc", ông Billingslea nhấn mạnh.
Các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá, Trung Quốc đang trong quá trình gia tăng gấp đôi quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình. Điều đó khiến chính quyền Trump không thể không lo lắng. Washington coi Bắc Kinh là một đối thủ toàn cầu đồng thời không hài lòng với hạn chế của hiệp ước START Mới.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí tại Washington, tính tới năm 2019, Mỹ và Nga mỗi nước hiện có hơn 6.000 đầu đạn hat nhân. Pháp có 300 và Anh có 200 đầu đạn, trong khi các nước Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên duy trì kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều.
Hiệp ước START Mới sẽ hết hạn khoảng 2 tuần sau khi ông Trump rời Nhà Trắng trong trường hợp ông thất bại trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ.
Chỉ đề xuất đơn giản là tạm thời gia hạn hiệp ước START Mới, Nga và một số nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ tỏ ra nghi ngờ về khả năng ký kết được một hiệp ước hoàn toàn mới trước tháng 2.
Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Trump đã tìm cách đạt được một quan hệ thân thiện hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, ông Trump cũng kiên quyết đi theo đường lối "Nước Mỹ là trên hết" khi tiếp cận các vấn đề đối ngoại. Có thông tin là ông Trump không hài lòng khi một máy bay gián điệp Nga được phép bay qua câu lạc bộ golf của ông ở Bedminster, New Jersey – theo Hiệp ước Bầu trời mở.
Người đứng đầu nước Mỹ cũng quay lưng với hiệp định giải giáp hạt nhân ký kết giữa Iran và một loạt các quốc gia khác, cũng như rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris.