Những bí mật về quá trình thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc

Minh Thu |

Trung Quốc cho tăng tần suất thử nghiệm đối với mỗi tên lửa mới được phát triển nhằm tăng độ tin cậy về hiệu quả hoạt động.

Trung Quốc yêu cầu tên lửa không đối không mới phát triển phải trải qua 15 cuộc thử nghiệm. (Ảnh: Weibo)

Trung Quốc yêu cầu tên lửa không đối không mới phát triển phải trải qua 15 cuộc thử nghiệm. (Ảnh: Weibo)

Nghiên cứu mới cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường tần suất thử nghiệm đối với mỗi loại tên lửa mới được phát triển trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt nhằm mục đích tăng độ tin cậy hoạt động.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các tên lửa không đối không mới được Trung Quốc phát triển từng được thử nghiệm 8 lần để chứng minh khả năng đánh trúng mục tiêu, nhưng nay yêu cầu này đã tăng lên thành 15 lần thử nghiệm.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã cho mở rộng tần suất và quy mô của các cuộc tập trận bắn đạn thật và sử dụng nhiều vũ khí tối tân.

“Một số vấn đề như thiết bị không đạt yêu cầu và chất lượng không ổn định đã xuất hiện. Chỉ huy cấp cao muốn các vấn đề này được giải quyết trước khi đưa vào sản xuất đại trà”, nhà nghiên cứu quân sự Li Gencheng và các đồng nghiệp tại Học viện Tên lửa Trung Quốc ở thành phố Lạc Dương cho hay.

Phần lớn các vụ thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc diễn ra trong bí mật, nhưng một số vụ việc từng bị hình ảnh vệ tinh phát hiện. Hồi đầu tháng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay Trung Quốc đã cho phóng ít nhất 250 tên lửa đạn đạo từ tháng 1 – 9 năm nay, tương đương với tổng số vụ thử nghiệm diễn ra trong năm 2020.

Tuy nhiên, ông Price không tiết lộ số vụ thử nghiệm tên lửa mà Mỹ cũng đã tiến hành trong khoảng thời gian trên.

Còn Nhà Trắng nhấn mạnh, các vụ thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc là nhằm “mở rộng nhanh chóng năng lực hạt nhân” và vấn đề này “đặc biệt đáng quan ngại”.

Truyền thông Trung Quốc cho biết số vụ phóng thử tên lửa mà Mỹ công bố là không đúng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nước này không muốn có một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Theo ông Li, việc quyết định tăng tần suất thử nghiệm tên lửa là không dễ dàng, bởi nó liên quan tới chi phí.

Quân đội Trung Quốc ban đầu đưa ra 2 đề xuất. Thứ nhất, yêu cầu một tên lửa mới phát triển phải trải qua 15 lần phóng thử mà không gặp bất cứ lỗi nào. Thứ hai, một tên lửa sẽ trải qua 27 vụ phóng thử và không quá 1 lần thử nghiệm thất bại để đảm bảo tỷ lệ thành công là trên 90%.

Đề xuất của quân đội Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của các nhà thầu quốc phòng, bởi họ cho rằng cơ hội vượt qua các cuộc thử nghiệm của tên lửa mới phát triển sẽ thấp hơn 20%.

Cũng theo ông Li, sau quá trình đàm phán, quân đội Trung Quốc và các công ty quốc phòng quốc doanh đã đạt được sự đồng thuận. Theo đó, nhà thầu sản xuất 50 tên lửa và quân đội chọn ngẫu nhiên 15 tên lửa để thử nghiệm. Vũ khí mới sẽ được bật đèn xanh để sản xuất hàng loạt nếu không quá 2 tên lửa bắn trượt mục tiêu.

Hạn chế số lần thử nghiệm tên lửa là vấn đề quan trọng trong các hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế, bởi vũ khí càng chứng minh được độ tin cậy, chính phủ sẽ càng có niềm tin để đưa vào sử dụng.

Nhiều vấn đề với vũ khí mới

Không chỉ Trung Quốc, các quốc gia trên thế giới cũng gặp phải sự cố trong quá trình thử nghiệm tên lửa. Hồi tháng Năm, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III của Mỹ đã không thể cất cánh trong lần thử nghiệm. Đáng nói, hồi năm 2018, quân đội Mỹ buộc phải ấn nút tự hủy đối với một tên lửa Minuteman do gặp trục trặc trong quá trình bay trên Thái Bình Dương.

Theo một bản nghiên cứu riêng, quân đội Trung Quốc đang đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề về kiểm soát chất lượng trong quá trình phát triển các loại vũ khí mới.

Những bí mật về quá trình thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh HD-1 của Trung Quốc được trưng bày trong cuộc triển lãm hồi tháng Chín. (Ảnh: Reuters)

Kỹ sư cấp cao Liu Yan và các đồng nghiệp tại Viện Kỹ thuật Điện tử Bắc Kinh từng chia sẻ trên tạp chí Modern Defence Technology hồi tháng Tám rằng, trong quá khứ, tên lửa được thử nghiệm trong các môi trường khác nhau như sa mạc hoặc trên đảo trong thời gian dài, nhưng chuyện này hiện không thể thực hiện. Nguyên nhân là vì số lượng lớn vũ khí mới xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây.

Do đó, quân đội Trung Quốc đã thành lập một lực lượng chuyên trách đảm nhận giám sát, đánh giá mức độ tin cậy của các tên lửa mới, xây dựng hàng loạt cơ sở, tăng tốc các cuộc thử nghiệm. Trung Quốc còn có kế hoạch sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thử nghiệm tên lửa.

Trong cuộc gặp với các đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự hôm 26/10, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh “hoạt động chế tạo vũ khí và thiết bị của Trung Quốc đã phát triển nhảy vọt và tạo nên những thành tựu lịch sử” trong vòng 5 năm qua.

People’s Daily đưa tin, ông Tập hối thúc các nhà lãnh đạo quân sự và công nghiệp quốc phòng “đẩy mạnh hệ thống quản lý hiện đại và tạo ra bước đột phá mới trong việc sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự”.

Mới đây, báo chí đưa tin quân đội Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh trong mùa hè năm nay vào các ngày 27/7 và 13/8.

Về phần mình, Trung Quốc cho biết họ chỉ "thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường để xác minh công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ nhằm giúp cắt giảm chi phí", chứ cuộc thử nghiệm không phục vụ mục đích quân sự.

Di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.200 km/h), vũ khí siêu thanh trở thành thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, họ đặc biệt quan ngại về năng lực phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, bởi vũ khí này có thể giúp Bắc Kinh thực hiện vụ tấn công vùng Nam Cực và né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vốn đang tập trung theo dõi các tên lửa được phóng qua Bắc Cực.

Hôm 21/10, Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ đang bị tụt lùi trong cuộc đua phát triển các loại vũ khí siêu thanh so với Nga và Trung Quốc, sau khi cuộc thử nghiệm mới nhất gặp thất bại.

Cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh diễn ra vào ngày 21/10 tại khu phức hợp Pacific Spaceport ở Kodiak, bang Alaska. Hiện các quan chức Mỹ đang tái nghiên cứu vụ thử nghiệm để tìm ra nguyên nhân dẫn tới thất bại của tên lửa đẩy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại