Theo tờ SCMP, trong núi quần áo bỏ đi ở Atacama, sa mạc khô hạn nhất thế giới, người ta có thể tìm thấy từ áo len cho tới giày trượt tuyết. Số quần áo bỏ đi này ngày càng nhiều, khiến Atacama ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng do ngành “thời trang nhanh”.
Ngoài ảnh hưởng xã hội của chủ nghĩa tiêu dùng vô tội vạ trong ngành may mặc, ngành này còn gây ra hậu quả thảm họa với môi trường, nhưng hậu quả này ít được chú ý.
Chile từ lâu đã là trung tâm của quần áo ế và quần áo cũ, được sản xuất ở Trung Quốc hoặc Bangladesh, chuyển qua châu Âu, châu Á hoặc Mỹ rồi dừng chân ở Chile. Tại đây, quần áo được bán lại khắp Mỹ Latinh.
Mỗi năm, khoảng 59.000 tấn quần áo cập cảng Iquique ở khu vực Alto Hospicio ở miền bắc Chile.
Các nhà buôn quần áo từ thủ đô Santiago mua một số quần áo tại đây, còn phần lớn được đưa ra các nước Mỹ Latinh khác. Thế nhưng, ít nhất 39.000 tấn quần áo ế sẽ bị đưa tới các bãi rác trên sa mạc Atacama.
Ông Franklin Zepeda, sáng lập viên công ty EcoFibra chuyên sản xuất các tấm cách nhiệt từ quần áo bỏ đi, nói: “Vấn đề là số quần áo đó không thể phân hủy sinh họ và có hóa chất, nên không được chấp nhận trong các bãi rác của thành phố”.
Theo báo cáo năm 2019 của Liên hợp quốc, số lượng quần áo được sản xuất trên toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 tới 2014 và ngành quần áo góp phần gây ra 20% lượng nước thải toàn cầu. Ví dụ, để sản xuất một chiếc quần jeans, người ta cần tới 7.500 lít nước.
Báo cáo trên cũng cho biết ngành sản xuất quần áo và giày dép xả ra 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và cứ mỗi giây lại có một lượng quần áo tương đương một xe tải chở rác bị đốt hoặc chôn.
Dù rác thải quần áo bị vứt lộ thiên hay chôn dưới đất, chúng đều gây ô nhiễm môi trường, thải ra chất ô nhiễm vào không khí hoặc mạch nước ngầm.
Cho dù làm bằng vải tổng hợp hay được xử lý bằng hóa chất, quần áo cần tới 200 năm mới có thể phân hủy sinh học và quần áo cũng độc hại không kém nhựa và lốp xe bỏ đi.
Trên bãi rác quần áo ở sa mạc Atacama, không phải mọi quần áo đều bị vứt đi hẳn. Một số người nghèo trong khu vực có 300.000 dân này vẫn tới đây để tìm những đồ họ có thể dùng hoặc bán.
Chile, quốc gia giàu nhất Nam Mỹ, nổi tiếng với chủ nghĩa tiêu dùng vô độ. Quảng cáo trong ngành thời trang nhanh đã khiến người dân Chile cho rằng quần áo làm họ hấp dẫn hơn, có phong cách hơn và thậm chí còn chữa được chứng lo âu.
Trong nhiều năm tiêu thụ quần áo của ngành thời trang nhanh, không ai dường như quan tâm tới việc họ đang góp phần thải ra một lượng lớn rác thải quần áo. Bãi rác quần áo trên sa mạc Atacama cú thế ngày một đầy hơn.