Cuộc đối đầu quyền lực Đông Bắc Á
Quan hệ Moscow-Tokyo đang thay đổi theo hướng tích cực. Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi cuối tháng 4 là minh chứng. Hiện nay ông Putin nói về Nhật như "láng giềng tốt" và "đối tác hứa hẹn".
Nhưng quan hệ Nga-Nhật trong tương lai vẫn bị tác động bởi các nhân tố tích cực lẫn tiêu cực. Moscow và Tokyo đang đứng về hai phía khác nhau trong cuộc cạnh tranh nước lớn mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Để phản ứng trước sự bành trướng quân sự của Trung Quốc và chương trình hạt nhân Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã củng cố quan hệ với Nhật, Hàn Quốc và một số đối tác Đông Nam Á.
Mỹ đang đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa Hạm đội Thái Bình Dương, triển khai lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, và nâng cấp căn cứ quân sự trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương.
Lính thủy đánh bộ Mỹ ở căn cứ Okinawa, Nhật Bản, tổ chức tập trận với lực lượng Hàn Quốc tại Pohang, phía Đông Nam Seoul, tháng 7/2016 (Ảnh: EPA)
Về phần mình, Nga cũng mạnh tay phát triển quân sự và các mối hợp tác về công nghệ quân sự với Trung Quốc, khiến quan hệ Nga-Trung tiếp tục duy trì ở mức độ tương đương một liên minh.
Giống như Bắc Kinh, Moscow cũng phản đối mạnh mẽ việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Nhật, Hàn.
Nga cho rằng các hệ thống mới này đang làm mất cân bằng trong khu vực, bởi khí tài nằm dưới quyền kiểm soát của Lầu Năm Góc chứ không phải cộng đồng quốc tế. THAAD được cho là có thể hiệu chỉnh từ trạng thái phòng thủ đơn thuần sang tấn công, cho phép nhằm vào không chỉ Triều Tiên, mà cả Trung Quốc và Nga.
Trên thực tế, Nga-Trung hợp tác thường xuyên trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa và từng tập trận chung về nội dung này vào năm 2016.
Phòng thủ tên lửa và các biện pháp xây dựng lòng tin ở Đông Bắc Á vẫn sẽ là những vấn đề được quan tâm lớn trong chương trình nghị sự Nga-Nhật.
Căng thẳng Mỹ-Triều mở đường cho Nhật xích lại Nga
Nga sẽ tiếp tục xem việc triển khai các lá chắn tên lửa Mỹ trong khu vực là hành động thù địch, trong khi Nhật cũng coi mối hợp tác Nga-Trung về công nghệ quân sự - chắc chắn sẽ gia tăng sau khi Mỹ đưa THAAD vào Hàn Quốc năm 2017 - là đe dọa về an ninh.
Hơn nữa, Tokyo rất không hài lòng khi Nga tăng cường quân lực ở quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc mà hai nước tranh chấp chủ quyền.
Trong bối cảnh đó, một nhân tố tích cực có thể là "ánh sáng cuối đường hầm" cho quan hệ song phương: Nhật hết sức lo ngại các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên. Nước này đã tỏ ý muốn hợp tác sâu hơn với Nga để xử lý các vấn đề trên bán đảo.
Đồng thời, vì lợi ích quốc gia, nội các Thủ tướng Abe sẽ làm mọi cách để ngăn mối quan hệ Nga-Trung lên cao hơn nữa. Một "liên minh quân sự hoàn chỉnh" giữa hai nước lớn ở Đông Bắc Á sẽ là cơn ác mộng cho Tokyo.
Nhật có thể tận dụng các liên hệ tốt đang có với Nga, bao gồm hội nghị "2+2" giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng hai nước, như một đòn bẩy đối phó với Bắc Kinh.
Ông Shinzo Abe (trái) và ông Putin đến cuộc họp báo ở Điện Kremlin ngày 27/4/2017 (Ảnh: Reuters)
Một động lực khác thúc đẩy Nga-Nhật đẩy nhanh tiếp cận là viễn cảnh Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận riêng về Triều Tiên.
Bình Nhưỡng được cho là sẽ nhanh chóng phát triển được tên lửa hạt nhân phóng tới bờ Tây lãnh thổ Mỹ. Tổng thống Trump tin rằng Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, là chìa khóa để xử lý vấn đề, và do đó đã thúc đẩy quan hệ tích cực với Bắc Kinh.
Điều này cũng khơi lại quá khứ không vui cho Tokyo, khi Tổng thống Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc vào năm 1972 mà không hề báo trước cho người Nhật.
Nhật Bản khi đó phản ứng bằng một cuộc chuyển dịch chính sách đối ngoại rõ nét, theo hướng "ngoại giao đa phương". Tokyo nhận thấy rủi ro về một cú sốc tương tự đến từ ông Trump và đã nâng cao cảnh giác.
Nếu chính quyền Trump tái diễn kịch bản bỏ qua tham vấn với Nhật, nước này sẽ đáp trả ngay bằng cách tăng cường hợp tác an ninh với Nga.
Trong quan hệ song phương, Nhật muốn đối thoại tích cực với Nga vì các lý do an ninh, còn Nga hướng đến lợi ích kinh tế. Dù động cơ khác nhau, nhưng hai nước đã tìm được lợi ích chung để bình thường hóa quan hệ.
Chính mục tiêu này, còn hơn cả mong muốn ký kết hiệp ước hòa bình hay giải quyết tranh chấp lãnh thổ, sẽ đưa Moscow và Tokyo đến gần bàn nghị sự hơn.