TQ trao tin vô cùng xấu cho Triều Tiên trong cuộc gặp chóng vánh nhất lịch sử như thế nào?

Hải Võ |

Tiền Kỳ Tham, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Trung Quốc vừa qua đời hôm 9/5, là một trong những nhà ngoại giao có sức ảnh hưởng nhất ở nước này từ sau Cách mạng Văn hóa.

Di sản của Tiền Kỳ Tham ngày nay vẫn tác động lên các lập trường trong quan hệ quốc tế của chính phủ Trung Quốc.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), một trong những di sản lớn nhất của ông Tiền là sự tham gia vào quyết định của Bắc Kinh để bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc.

Những chi tiết xoay quanh quyết sách của ban lãnh đạo Trung Quốc, chuyển sang một chính sách cân bằng hơn với Triều Tiên và Hàn Quốc, vẫn còn nhiều điểm mơ hồ và chỉ được hé lộ rất ít qua cuốn hồi ký xuất bản năm 2004 của Tiền Kỳ Tham, "Mười chương về ngoại giao của Trung Quốc".

Chỉ một tháng trước khi Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Hàn Quốc vào tháng 8/1992, Tiền Kỳ Tham - khi đó giữ chức Ngoại trưởng - được trao nhiệm vụ "khó nhằn" là chuyển thông tin này đến lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Trong hồi ký, ông Tiền cho biết đã nỗ lực trong chuyến công du tháng 7/1992 đến Bình Nhưỡng, nhưng giới quan sát bên ngoài vẫn nhận thấy "bầu không khí căng thẳng, ngượng ngùng và những chỉ trích không nói thành lời" giữa hai bên.

"Đó hiển nhiên không phải một nhiệm vụ ngoại giao dễ dàng. Thực sự tôi đã cảm thấy khá lo lắng," Tiền Kỳ Tham viết.

Ông trao cho Kim Nhật Thành thông điệp của lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, trong đó giải thích lý do Bắc Kinh quyết định thừa nhận chính quyền ở Hàn Quốc, đồng thời bảo đảm sự gắn kết với Bình Nhưỡng.

Ông Kim ngừng lại, sau đó đáp rằng mình đã nghe rõ thông điệp của ông Giang và hiểu rằng Trung Quốc có thể quyết định chính sách đối ngoại riêng. Lãnh tụ Triều Tiên nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục củng cố tình hữu nghị với Trung Quốc, rồi ông "liếc nhìn" những quà tặng do đoàn của Tiền Kỳ Tham mang tới, trước khi rời khỏi phòng họp.

"Đó là cuộc gặp chóng vánh nhất trong mọi cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch Kim Nhật Thành với các đoàn đại biểu Trung Quốc. Sau cuộc gặp, Triều Tiên không mở tiệc chiêu đãi chúng tôi, trái ngược với những đãi ngộ luôn có trước đây," Tiền Kỳ Tham nhớ lại.

Theo SCMP, chính quyết định thừa nhận Hàn Quốc là một bước ngoặt rất lớn trong quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã xem đây là hành động phản bội.

Chuyên gia Huang Jing từ Đại học quốc gia Singapore nói rằng sự chuyển dịch trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, cùng với việc Mỹ chần chừ, không tái khởi động đối thoại và các liên hệ với Triều Tiên, đã đẩy Bình Nhưỡng vào trạng thái bất an, phần nào lý giải nước này kiên quyết theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại