Nhìn lại năm 2019: Khủng hoảng Vùng Vịnh và bài toán chiến lược của Mỹ

Hoàng Phạm |

Những diễn biến xuyên suốt năm 2019 ở Vùng Vịnh cho thấy sự thay đổi trong tính toán chiến lược của Mỹ đối với khu vực.

Sóng gió ở Vùng Vịnh

Mùa hè 2019, các vụ tấn công tàu chở dầu liên tiếp diễn ra ở Vùng Vịnh. Mỹ và các đồng minh trong khu vực cáo buộc Iran đứng đằng sau nhưng Tehran bác bỏ. Các sự kiện này như đổ thêm dầu vào lửa những căng thẳng giữa Mỹ và Iran vốn bị phủ bóng từ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt trừng phạt đối với Iran từ giữa năm 2018.

Tiếp sau đó là các vụ bắt giữ tàu chở dầu giữa Anh và Iran, đỉnh điểm là vụ tấn công nhà máy lọc dầu Saudi Arabia mà Mỹ và đồng minh cáo buộc là do Iran đứng đằng sau. Những động thái leo thang liên tiếp cùng với việc Mỹ triển khai tàu sân bay và các khí tài quân sự tới Trung Đông khiến nhiều người lo ngại khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Iran, thậm chí nhiều nước sẽ bị kéo vào vòng xoáy không lối thoát.

Ðể đối phó Iran, Mỹ kêu gọi thành lập liên minh hải quân do nước này đứng đầu tại vùng Vịnh, nhằm bảo vệ các tàu thương mại đi qua khu vực này. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Anh, Australia, Albani và Bahrain đã gia nhập liên minh. Qatar và Kuwait cũng tuyên bố sẽ gia nhập. Tuy nhiên, Pháp, Ðức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, Iraq đã từ chối lời mời của Mỹ, do lo ngại về những tác động tiêu cực đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ở một khía cạnh khác, Thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà Iran ký với các nước nhóm P5+1 cũng bên bờ vực đổ vỡ, sau khi Iran rút dần khỏi các cam kết trong thỏa thuận nhằm đáp trả trừng phạt của Mỹ.

Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA từ giữa năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran,các nước châu Âu còn lại đã nỗ lực níu giữ thỏa thuận bằng cách thiết lập công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) - một cơ chế tài chính nhằm giúp Iran “né” các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, Iran chỉ trích các nước EU không thực thi đầy đủ cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, gây thiệt hại cho nền kinh tế Iran.

Iran tăng giới hạn làm giàu urani lên trên mức 3,67% (như quy định trong thỏa thuận hạt nhân. Lượng dự trữ urani làm giàu thấp cũng vượt ngưỡng 300 kg. Nước này bắt đầu làm giàu urani tại cơ sở ngầm Fordow, đồng thời cho biết kho dự trữ urani đã được làm giàu của Tehran đang tiếp tục tăng thêm.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một tuyên bố từng cảnh báo, nếu xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị đưa về con số 0 như Mỹ tuyên bố, các vùng biển quốc tế sẽ không còn được bảo đảm an ninh như trước. Điều này đồng nghĩa với việc Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu mỏ chiến lược ở vùng Vịnh và là cửa ngõ quan trọng của ngành dầu mỏ thế giới.

Bài toán chiến lược của Mỹ ở Vùng Vịnh

Nhìn vào những diễn biến xuyên suốt năm 2019 ở Vùng Vịnh, có thể thấy sự thay đổi chiến lược của Mỹ. Dù giới chức Mỹ tuyên bố sẵn sàng đáp trả sau loạt vụ tấn công tàu chở dầu nhưng chính Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 đã tiết lộ rằng ông ra lệnh không kích đáp trả Iran nhưng đã hủy bỏ quyết định vào phút chót.

Phản ứng chậm chạp của Mỹ trước các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu khí Aramco của Saudi Arabia đã chứng minh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Vùng Vịnh: ngày càng bớt sẵn lòng đầu tư nguồn lực quân sự và kinh tế trong việc bảo vệ an ninh của các đồng minh. Tổng thống Trump cũng tin rằng, một nước Mỹ “độc lập về năng lượng” không còn cần phải bảo vệ khu vực này nữa.

Điều này làm dấy lên một câu hỏi: Mỹ có cần phải chi tiền và đổ máu để giữ dầu mỏ ở Vùng Vịnh khi mà Tổng thống Trump liên tiếp nói rằng, Mỹ gần như độc lập về năng lượng?

Cam kết “đảm bảo dầu mỏ có thể tự do ra khỏi Vùng Vịnh” có từ thời Thế chiến 2, khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt nói rằng việc bảo vệ Saudi Arabia và nguồn cung cấp dầu mỏ là cách để bảo vệ Mỹ. Tổng thống Harry S. Truman tái khẳng định lời cam kết này vài năm sau đó.

Mỹ tiếp tục theo đuổi nhiệm vụ bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng từ Vùng Vịnh năm 1980, khi Tổng thống Jimmy Carter công bố học thuyết trong đó tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ khu vực Vịnh Ba Tư và trữ lượng dầu mỏ khổng lồ khỏi sự can thiệp từ bên ngoài, với hành động quân sự nếu cần thiết.

Thời điểm đó, cam kết như vậy là điều dễ hiểu. Chỉ riêng Mỹ đã nhập khẩu 2 triệu thùng dầu/ngày từ Vùng Vịnh vào năm 1980. Các đồng minh quan trọng của Mỹ như châu Âu và Nhật Bản thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu thô từ Saudi Arabia, Iraq và các nước khác xung quanh Vùng Vịnh.

Ngày nay, bức tranh đã thay đổi đáng kể từ sau sự bùng nổ kéo dài 1 thập kỷ của hoạt động sản xuất dẩu mỏ nội địa Mỹ. Mỹ hiện nhập khẩu chưa đến 1 triệu thùng mỗi ngày từ khu vực, chưa bằng một nửa số lượng mà Mỹ đã nhập khi Tổng thống Carter thề bảo vệ hoạt động vận chuyển dầu.

Châu Âu, cũng giảm sự phụ thuộc vào dầu thô Vùng Vịnh. Giờ đây, cứ 3 trong 4 thùng dầu đi qua eo biển Hormuz là hướng tới châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mùa hè 2019, ngay khi Iran đe dọa sẽ chặn xuất khẩu dầu từ khu vực khiến các khách hàng châu Âu, châu Á hoang mang, ông Trump đã cho thấy ông không “mặn mà” với chiến lược bảo vệ dầu mỏ suốt 4 thập kỷ của Mỹ.

“Tại sao chúng ta phải bảo vệ tuyến vận tải biển cho những nước khác suốt nhiều năm mà không hề nhận được gì”, ông viết trên Twitter. “Chúng ta thậm chí còn không cần phải ở đó khi mà Mỹ (từ lâu) đã trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới!”.

Ông Trump dù đã thay đổi giọng điệu chút ít trong bối cảnh các vụ tấn công hồi tháng 9, nhưng vẫn gieo lo ngại cho Saudi Arabia và phần còn lại của của khu vực rằng Mỹ sẽ không sẵn lòng “chống lưng” cho họ như đã từng làm trước đây.

Ông chủ Nhà Trắng cho rằng bảo vệ vận chuyển dầu mỏ vùng Vịnh nên là một nỗ lực tập thể, liên quan đến tất cả những nước phụ thuộc vào dầu mỏ từ khu vực.

Lý do thứ nhất là để đảm bảo rằng dầu mỏ Vùng vịnh có thể đến được với thị trường giữ cho giá dầu ổn định (thậm chí cả ở Mỹ) và giúp đẩy mạnh nền kinh tế toàn cầu. Thứ hai, sự hiện diện lâu dài của lực lượng Mỹ trong khu vực, các chuyên gia nói, giờ đây đem lại những lợi ích mơ hồ cho Mỹ.

Vì sao Mỹ vẫn “nửa nắm nửa buông”?

“Phần trách nhiệm đó khiến Mỹ tốn chi phí, nhưng nó cũng có đem lại lợi ích cho Mỹ trong việc định hình khu vực”, Scott Savitz,kỹ sư cao cấp của Tập đoàn Rand Corporation cho biết.

“Nếu chúng ta ‘rửa tay gác kiếm’, và bỏ đi, điều đó sẽ rất phức tạp. Có nhiều bên đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực”, ông nói. “Nga sẽ làm gì? Liệu Trung Quốc có tận dụng những cơ hội lớn và cả những rủi ro trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực hay không?”.

Một phần lý do Mỹ vẫn tiếp tục công việc “người bảo vệ” sau 40 năm là rất ít nước có tiềm lực Hải quân để thực sự làm điều đó”.

Hải quân các nước châu Âu, thậm chí cả Anh và Pháp, cũng khó tập trung đủ tàu cho các chiến dịch hộ tống không thường xuyên. Ấn Độ đã ‘tái sinh’ Hải quân của mình, nhưng giờ đang hướng Đông nhiều hơn là hướng về Vịnh Ba Tư. Nhật Bản, dù cũng đã hiện đại hóa Hải quân, nhưng họ có những hạn chế hiến pháp về về sử dụng sức mạnh quân sự ở nước ngoài.

Những yếu tố kể trên đã để cho Hải quân Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy trở thành một trong số rất ít lựa chọn thay thế đối với sự hiện diện của Mỹ xung quanh Vùng Vịnh.

Các tàu Trung Quốc tuần tra khu vực dường như là lời đáp cho yêu cầu của Tổng thống Trump về việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang là khách hàng lớn nhất châu Á mua dầu của Vùng Vịnh, khi mua tới 40% lượng dầu thô nhập khẩu từ khu vực này.

Trong thập kỷ trước, Trung Quốc đã đẩy mạnh khả năng hoạt động “xa nhà”, đặc biệt là xung quanh Vùng Vịnh. Hơn 10 năm, tàu Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động tuần tra chống cướp biển ngoài khơi Somalia. Trung Quốc cũng đã xây dựng một loạt cảng biển dân sự xung quanh Ấn Độ Dương, điều này tạo tiềm năng cho lực lượng Hải quân Trung Quốc về những chuyến đi xa. Trung Quốc cũng có một căn cứ quân sự mới thành lập ở Djibouti.

Nhiều chuyên gia Hải quân vẫn đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có khả năng, hay ý chí chính trị, để duy trì nhiều hơn một sự hiện diện hải quân mang tính tượng trưng ở các khu vực lân cận. Thậm chí dù Hải quân "sải bước chân dài" trong các hoạt động ở nước ngoài và có năng lực ấn tượng, thì Bắc Kinh cũng thận trọng trong việc sa chân vào các chiến dịch “xa nhà” và lâu dài, theo Lyle Goldstein, một chuyên gia về Trung Quốc tại trường chiến tranh hải quân Mỹ.

Tất nhiên, để Trung Quốc chia sẻ gánh nặng trong đảm bảo an ninh dầu mỏ sẽ giải quyết được mối lo của Tổng thống Trump về “những kẻ muốn đi xe mà không trả tiền”, nhưng điều đó cũng sẽ gây hại cho các mục tiêu khác của chính quyền Mỹ, đặc biệt là khi ảnh hưởng địa chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Để cho Trung Quốc “tự do” xung quanh khu vực Vùng Vịnh đồng nghĩa với việc nhượng lại một khu vực thiết yếu trong lợi ích Mỹ và Washington lại có thêm một địch thủ cạnh tranh chiến lược.

Đó là lý do vì sao, Mỹ dù ngày càng ít cần tới dầu mỏ Vùng Vịnh, nhiều chuyên gia an ninh vẫn nghĩ rằng việc duy trì nhiệm vụ 40 năm qua ở khu vực này là điều dễ hiểu. Thay vì chỉ bảo vệ dòng chảy năng lượng để ổn định các bằng hữu, đồng minh và nền kinh tế toàn cầu, Mỹ có thể biến nhiệm vụ đó thành một phần trong chiến dịch ngăn chặn Bắc Kinh.

“Duy trì sự hiện diện Mỹ ở đó [Vùng Vịnh] là nhằm “để mắt” tới các chiến dịch của Trung Quốc. vì thế, về mặt chiến lược, nó đáng để cân nhắc, không phải chỉ vì dòng chảy của dầu mỏ, mà là vì các mục tiêu chiến lược của Mỹ, Steven Wills một cựu quan chức Hải quân Mỹ và chuyên gia tác chiến mặt biển nói”.

Nhưng các chính quyền Tổng thống kế tiếp nhau đều tìm cách “chạy” khỏi Trung Đông và tập trung nhiều hơn vào các đối thủ lớn ở châu Á, đặc biệt là khi Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực và đơn phương tuyên bố chủ quyền một vùng lớn ở Tây Thái Bình Dương.

Nếu Hải quân Mỹ củng cố thêm một nhiệm vụ quân sự ở Trung Đông điều đó sẽ đồng nghĩa với việc phải phân tán bớt nguồn lực đối phó với Trung Quốc ở cự ly gần [châu Á].

“Một con tàu ở Vùng Vịnh thì nó không ở Tây Thái Bình Dương, vì thế, sẽ có sự đánh đổi với Hải quân Mỹ”, ông Steven Wills nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại