Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm trung INF là một hiệp ước mang tính lịch sử được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, được Thượng viện Mỹ phê chuẩn năm 1988, yêu cầu cả 2 nước loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (từ 500 đến 5.500 km).
Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm gần và trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu. Hiệp ước này được cho là nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hiệp ước này cũng đánh dấu lần đầu tiên các siêu cường thời bấy giờ cùng đồng ý giảm bớt kho vũ khí hạt nhân của mình, loại bỏ hoàn toàn một loại vũ khí hạt nhân đồng thời tiến hành hàng loạt những cuộc kiểm tra tại chỗ để xác minh.
Theo kết quả của Hiệp ước INF, Mỹ và Liên Xô lúc bấy giờ đã tiêu hủy tổng cộng 2.692 tên lửa tầm ngắn, tầm trung và trên trung bình theo thời hạn chót được quy định trong Hiệp ước là ngày 1-6-1991.
Việc Mỹ kêu gọi kiểm soát các tên lửa tầm trung nổi lên trong bối cảnh Liên Xô triển khai hệ thống tên lửa tầm trung SS-20 vào giữa những năm 1970. Tên lửa SS-20 là một bước cải thiện lớn trong sức mạnh tên lửa hạt nhân của Liên Xô lúc bấy giờ với tầm bắn xa hơn, mang được nhiều đầu đạn hơn và thay thế được cho đầu đạn SS-4 và SS-5 đã cũ và có nhiều hạn chế.
Trong một báo cáo được đưa ra tháng 7-2014, Mỹ đã lần đầu tiên cáo buộc rằng Nga đang vi phạm các nghĩa vụ được quy định trong Hiệp ước INF là “không sở hữu, sản xuất hoặc kiphóng thử” tên lửa hành trình mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km hoặc “sở hữu hoặc sản xuất các bệ phóng tên lửa như vậy.”
Năm 1979, bộ trưởng các nước NATO đã có biện pháp phản ứng lại với hệ thống tên lửa mới này của Liên Xô, một chiến dịch được sau này được biết đến với cái tên “dual-track” (theo dõi kép), vừa thúc đẩy các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí cùng với việc triển khai các tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ tại châu Âu nhằm đối trọng với SS-20.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã liên tục ngập ngừng trong khi việc triển khai tên lửa của Mỹ vẫn tiếp tục đến những năm 1980.
Các cuộc đàm phán INF bắt đầu có tiến triển khi ông Gorbachev lên lãnh đạo Liên Xô vào tháng 3-1985. Mùa thu năm đó, Liên Xô đã đưa ra một kế hoạch thiết lập sự cân bằng giữa số đầu đạn SS-20 với số tên lửa tầm trung của Mỹ đang ngày một gia tăng ở các nước đồng minh tại châu Âu.
Mỹ bày tỏ quan tâm đến lời đề nghị từ phía Liên Xô, và phạm vi đàm phán được mở rộng vào năm 1986, bao gồm tất cả các tên lửa tầm trung của Mỹ và Liên Xô trên toàn thế giới. Trên cơ sở từ các cuộc đàm phán này, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và ông Gorbachev bắt đầu tiến đến một hiệp định loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.
Những nỗ lực của hai lãnh đạo đạt được kết quả là Hiệp ước INF được ký kết ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1-6-1988.
Lệnh cấm của INF ban đầu chỉ được áp dụng đối với Mỹ và Liên Xô, tuy nhiên, thành viên của Hiệp ước này đã thay đổi vào năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ và nhiều quốc gia khác tách ra.
Ngày nay, bao gồm Belarus, Kazakhstan và Ukraine đã tham gia cùng Mỹ và Nga trong Hiệp ước này. Turkmenistan và Uzbekistan có sở hữu các cơ sở INF (các cơ sở SS-23 đang hoạt động) nhưng đã không tham gia Hiệp ước này.
Mặc dù các thành viên “tích cực” Hiệp ước INF chỉ có 5, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đã phá hủy các cơ sở bị cấm theo như Hiệp ước kể từ sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đức, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã phá hủy các tên lửa tầm trung của mình vào những năm 1990 và Slovakia là vào tháng 10-2000.
Ngày 31-5-2002, nước ở hữu tên lửa tầm trung cuối cùng ở Đông Âu, Bulgaria, cũng đã ký một thỏa thuận với Mỹ và phá hủy những tên lửa có liên quan. Bulgaria hoàn thành việc phá hủy trong vòng 5 tháng, với sự hỗ trợ của Mỹ.
Trong những năm gần đây, Nga có những biểu hiện tăng khả năng rút khỏi Hiệp ước này. Moscow cho rằng hiệp định đã rất không công bằng khi ngăn cản nước này phát triển các loại vũ khí mà những nước láng giềng, như Trung Quốc, cũng đang phát triển rất mạnh.
Một đoàn kiểm tra của Liên Xô kiểm tra tên lửa Pershing II của Mỹ năm 1989. Ảnh Wiki
Nga cũng cho rằng việc việc Mỹ đề xuất triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo tại châu Âu có thể làm Nga rút khỏi thỏa thuận, và rằng Moscow có thể triển khai các tên lửa nhằm vào bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Mỹ trong tương lai.
Tuy vậy, Mỹ và Nga đã cùng ban hành một tuyên bố ngày 25-10-2007 tại Đại hội đồng LHQ tái khẳng định “sự ủng hộ” của mình đối với Hiệp ước và kêu gọi các quốc gia khác cùng tham gia loại bỏ những tên lửa tương tự.
Nhiều báo cáo nổi lên từ khoảng giữa năm 2013-2014 tại Mỹ đã bày tỏ quan ngại về sự tuân thủ của Nga đối với Hiệp ước này. Tháng 7-2014, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc rằng Nga đã vi phạm khi liên tục sản xuất và thử nghiệm tên lửa một các trái phép. Nga đã phản ứng lại vào tháng 8 năm đó, tiếp tục khẳng định mình không vi phạm Hiệp ước INF.
Trong suốt năm 2015 và 2016, các quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ công khai bày tỏ hoài nghi rằng các tên lửa hành trình của Nga đã được triển khai.
Ngày 19-10-2016, tờ New York Times đã trích dẫn một nguồn tin từ quan chức Mỹ giấu tên bày tỏ lo ngại rằng Nga đang sản xuất nhiều tên lửa hơn mức cần thiết cho việc thử nghiệm thông thường, làm gia tăng quan ngại rằng Moscow đang trên đà triển khai tên lửa.
Năm 2017, Mỹ tiếp tục có những cáo buộc về việc Nga vi phạm Hiệp ước. Tháng 4-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo thường niên đánh giá sự tuân thủ của Nga đối với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng. Trong năm thứ 4 liên tiếp, báo cáo này tiếp tục cho rằng Nga không tuân thủ Hiệp ước INF.
Báo cáo năm 2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê chi tiết những bước mà Washinton đã tiến hành trong năm 2016 để giải quyết những tranh chấp, bao gồm cả triệu tập các thành viên của Ủy ban xác minh đặc biệt và cung cấp thêm những thông tin về vi phạm cho Nga được biết.
Phía Nga luôn khẳng định rằng nước này không hề vi phạm và cũng đặt ra nghi vấn về sự tuân thủ của Mỹ.