Nhiều vấn đề pháp lý nảy sinh nếu truy tố vụ Khaisilk

Xuân Tùng |

“Việc Bộ Công thương yêu cầu Bộ Công an vào cuộc để điều tra là một động thái tích cực, kịp thời nhưng hứa hẹn cũng sẽ đối diện với nhiều quan điểm pháp lý trái ngược nhau có thể là gay gắt”, luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM trao đổi với BizLIVE sáng 1/11.

Như tin đã đưa, chiều ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Tại cuộc họp trên, người đứng đầu Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan: công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Đồng thời, đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.

Xung quanh vụ việc này, trao đổi với BizLIVE sáng nay (1/11), luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, vụ cửa hàng đại lý của Khaisilk ở Hà Nội bị phát hiện bán hàng có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại gắn mác Việt Nam để nâng giá bán lên hàng chục lần giá trị thực, thu lợi số tiền đã, đang và sẽ là rất lớn, nếu sự việc không được phát hiện kịp thời.

Do đó, việc Bộ Công thương yêu cầu Bộ Công an vào cuộc để điều tra là một động thái tích cực, kịp thời nhưng hứa hẹn cũng sẽ đối diện với nhiều quan điểm pháp lý trái ngược nhau có thể là gay gắt.

Nhiều vấn đề pháp lý nảy sinh nếu truy tố vụ Khaisilk - Ảnh 1.

Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Lý giải cho lập luận trên, luật sư Phạm Công Út cho rằng, thứ nhất, về tội danh. Hành vi giả xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc thành Việt Nam là hành vi buôn bán hàng giả hay đây chỉ là thủ đoạn để lừa dối khách hàng. Vì tội Buôn bán hàng giả có mức án cao nhất đến 15 năm tù, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo Điều 156 BLHS năm 2009.

Còn tội Lừa dối khách hàng chỉ có mức án cao nhất là 7 năm tù, số tiền phạt cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng theo Điều 162 BLHS năm 2009. Do đó, nếu cơ quan điều tra khởi tố hành vi này thì sẽ vấp phải luồng quan điểm pháp lý ngược lại.

Thứ hai, định lượng về thiệt hại vật chất, sự việc được phát hiện ở Hà Nội là 60 chiếc khăn lụa đã được đánh tráo nhãn mác, trong đó tiêu thụ chỉ mới 6 chiếc.

Như vậy, hành vi gian dối hoàn thành chỉ mới 6 chiếc, số còn lại 54 chiếc khăn lụa chưa gây thiệt hại. Vậy 6 chiếc khăn lụa này có giá trị thiệt hại cho người tiêu dùng là bao nhiêu so với giá trị thật của nó, cần phải kiểm tra, định giá chính xác.

Theo luật sư Phạm Công Út, nhiều người cho rằng, toàn bộ các đại lý của Khaisilk trên toàn quốc đều bán khăn Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam nhưng thực tế, hiện nay cơ quan có chức năng chưa hề thống kê được định lượng về số hàng hoá đã tráo nhãn mác, đã bán ra bao nhiêu chiếc khăn giả dối ấy, với tổng giá trị thu lợi bất chính là bao nhiêu?

Do đó cơ quan điều tra sẽ vấp phải bài toán hóc búa của sự thật như thế này.

Nhiều người vin vào việc ông chủ Khaisilk thừa nhận việc bán hàng gian dối này đã diễn ra từ mấy chục năm, ắt phải là lớn lắm.

Nhưng chứng cứ chứng minh sẽ buộc cơ quan điều tra chứng minh số hàng tơ lụa do Khaisilk nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam từ thời điểm nào, số lượng, giá mua vào, giá bán ra, chứ không chỉ căn cứ vào lời thừa nhận của ngày hôm nay có thể sẽ thay đổi vào ngày mai.

“Cũng có dư luận cho rằng, hiện nay đụng tới hàng hoá nào cũng bị giả, đâu chỉ riêng hàng tơ lụa của Khaisilk. Nhưng việc phát hiện xử lý để nhằm trừng phạt và răn đe kịp thời là việc cần phải làm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, là rất đáng biểu dương. Do đó, nói trước chuyện gì sẽ sắp xảy ra đến với tập đoàn Khaisilk không phải là vấn đề đơn giản”, luật sư Phạm Công Út nói.

Khủng hoảng của Khaisilk bắt đầu cách đây một tuần khi trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.

Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, Công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó đã thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'Made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại