Cuộc tấn công của Iran trong đêm 13/4, rạng sáng 14/4 đã bị đẩy lùi bởi lá chắn phòng thủ nhiều lớp của Israel, cùng sự hỗ trợ từ các đồng minh, khiến hơn 99% trong tổng số hơn 100 tên lửa đạn đạo bị bắn hạ.
Không quân Israel cho biết, hệ thống Arrow “phụ trách phần việc chính” trong đánh chặn đợt tấn công.
Thành công đó ngay lập tức khiến nhiều quốc gia quan tâm, ông Boaz Levy, CEO của tập đoàn Israel Aerospace Industries – nhà thầu chính của dự án, cho biết.
Mỹ là một đối tác của dự án Arrow và Boeing tham gia vào khâu sản xuất.
“Một số quốc gia đã tiếp cận để hỏi chúng tôi thông tin. Tôi rất lạc quan là sẽ có thêm thỏa thuận bán hệ thống Arrow, nhất là sau màn thể hiện đặc biệt mà chúng tôi đã làm”, ông Levy nói với Reuters .
Ông từ chối nêu tên các quốc gia đang quan tâm, vì nay vẫn chỉ là giai đoạn đầu.
Arrow là lớp trên cùng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, phối hợp với hệ thống Dome và David’s Sling.
Arrow-2 đã được sử dụng từ nhiều năm trước để chặn tên lửa đạn đạo tầm xa. Phiên bản Arrow-3 có khả năng hạ gục tên lửa khi mục tiêu vẫn ở ngoài bầu khí quyển Trái đất.
Năm ngoái, với sự đồng ý của Mỹ, Israel đồng ý bán hệ thống Arrow-3 cho Đức, theo thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD.
Đức mua hệ thống này trong bối cảnh châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Mỗi hệ thống Dome mà Israel thường dùng để đánh chặn rốc-két từ Dải Gaza và Li-băng có giá khoảng 50.000USD. Hệ thống Arrow ở tầm khác.
“Giá của hệ thống Arrow ngang với các hệ thống tương tự trên thế giới, thậm chí rẻ hơn. Mỗi hệ thống có giá trên 1 triệu USD”, ông Levy cho biết, nhưng không nói con số cụ thể.
Cuộc tấn công của Iran thúc đẩy hoạt động sản xuất các hệ thống Arrow và phát triển hệ thống thế hệ mới, để Arrow-4 thay thế Arrow-2.
“Quá trình được đẩy nhanh để có thể bắt đầu sản xuất. Chúng tôi đang phối hợp đầy đủ với cơ quan quản lý Israel và Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ”, ông Levy cho biết.
Ông từ chối cho biết khi nào việc phát triển Arrow-4 sẽ hoàn tất.