Trong khi trước đó, nhiều quốc gia cam kết sẽ giảm dần sử dụng than đá và bất chấp các thỏa thuận rằng tất cả các nhà máy nhiệt điện than sẽ bị đóng cửa vào năm 2040.
Đây là kết luận trong một báo cáo của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM) có trụ sở tại bang California, Mỹ, chuyên theo dõi các dự án năng lượng trên khắp thế giới.
Gần như hầu hết các dự án điện than mới được đưa vào vận hành đều ở Trung Quốc, GEM cho biết.
Thế giới đã có khoảng 2.100 gigawatt (GW) công suất điện than, trong khi thêm 176 GW công suất than đang được xây dựng tại hơn 189 nhà máy và 280 GW nữa đã được lên kế hoạch xây dựng.
Công suất đốt than toàn cầu đã tăng 19,5 gigawatt vào năm 2022, đủ để thắp sáng cho khoảng 15 triệu ngôi nhà.
Báo cáo cho biết, mức tăng 1% đó diễn ra đúng lúc thế giới nên ngừng sử dụng than nhanh hơn gấp 4,5 lần để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.
Tại Hội nghị COP26 ở Glasgow vào năm 2021, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất trong 5 năm, các quốc gia cam kết sẽ giảm dần việc sử dụng than đá để chung tay hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, một mục tiêu được đặt ra trong Thỏa thuận chung Paris.
Các chính phủ đã ký vào một báo cáo của các nhà khoa học Liên Hợp Quốc kết luận rằng tất cả các nhà máy điện than phải đóng cửa vào năm 2040 để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), các nước giàu nên đóng cửa các nhà máy điện than sớm hơn, vào năm 2030.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và tất cả các nước G20 đã cam kết chấm dứt hỗ trợ công cho các nhà máy điện than quốc tế mới, nghĩa là về cơ bản không còn nguồn tài chính công quốc tế đáng kể nào cho các nhà máy điện than mới.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, năm 2021, các nhà máy điện than mới có công suất 33 GW được khởi công xây dựng, nhiều nhất kể từ năm 2016 và gần gấp ba lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Quốc gia này là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% lĩnh vực toàn cầu và lượng khí thải bình quân đầu người của nước này xếp thứ 48 trên thế giới.
Trong khi Trung Quốc chiếm 92% trong tất cả các dự án than mới được công bố, các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Zimbabwe đều bổ sung các nhà máy điện than mới và công bố các dự án mới.
Ở châu Âu, cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến các nước tranh giành các nguồn năng lượng thay thế và hạn hán đã "bóp nghẹt" các nhà máy thủy điện. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, cuộc khủng hoảng đã "thúc đẩy" sự phát triển của năng lượng tái tạo khi các quốc gia chạy đua để tăng cường an ninh năng lượng.
Khi giá khí đốt tăng cao, vào mùa hè năm 2022, Anh đã đàm phán các hợp đồng dự phòng với một số nhà máy sản xuất điện chạy bằng than cho mùa đông, kéo dài tuổi thọ của 5 tổ máy sắp ngừng hoạt động.
Với gần 2.500 nhà máy nhiệt điện trên khắp thế giới, than đá chiếm khoảng 1/3 tổng lượng năng lượng sản xuất trên toàn cầu. Các nhiên liệu hóa thạch khác, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo chiếm phần còn lại.