Trong năm 2017, Nga lần lượt hạ thủy hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Karakurt (Dự án 22800) đầu tiên, chiếc thứ nhất vào ngày 29/7 (mang tên Uragan) và chiếc thứ hai vào ngày 24/11 (mang tên Typhoon).
Lý do chính mà những tàu hộ vệ tên lửa này được phân hạng vào lớp "Karakurt" - "Góa phụ đen Địa Trung Hải", tên gọi một loại nhện cực độc sinh sống chủ yếu trong khu vực có lẽ bởi chúng sẽ được trang bị những vũ khí có sức hủy diệt lớn nhất của Nga.
Trang bị tên lửa hành trình siêu "khủng"
Dự án 22800 gồm các tàu tác chiến duyên hải (LCS) cỡ nhỏ. Mỗi chiếc có lượng giãn nước 800 tấn, chiều dài 60 m và chiều rộng 10 m. Mặc dù kích cỡ nhỏ nhưng những chiến hạm này lại đặc biệt nguy hiểm bởi chúng được vũ trang các tên lửa hành trình Kalibr và Oniks.
Mỗi quả tên lửa Kalibr mang theo đầu đạn nặng 500 kg với sức công phá cực lớn, đủ sức làm nổ tung các hố sâu trên mặt đất rộng hàng trăm mét. Với tầm bắn lên tới 2.500 km và bán kính sai số mục tiêu là 30 m, Kalibr trở thành một trong những vũ khí đáng sợ nhất trên thế giới.
Năm 2015, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Syria, Kalibr đã trở thành nỗi khiếp đảm của các lực lượng khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mỗi lần loại tên lửa hành trình này khai hỏa.
Tàu chiến thuộc Hạm đội Caspian của Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr-NK tấn công IS tại Syria. Ảnh: Sputnik
"Oniks lại là một "quái vật" hoàn toàn khác. Đây là những tên lửa chống hạm đầu tiên được trang bị Trí thông minh nhân tạo (AI). Chúng tấn công mục tiêu như những đàn sói săn, trên diện tích rộng và khai hỏa từ nhiều hướng khác nhau", Alexei Ramm, chuyên gia phân tích quân sự của nhật báo Izvestia nhận xét.
Một ưu thế quan trọng nữa của Dự án 22800 là các hệ thống phòng không. Đầu tiên là Pantsir-M, hệ thống chống tên lửa đạn đạo phiên bản hải quân được chế tạo để đánh chặn các tên lửa trong mọi điều kiện thời tiết.
"Điểm khác biệt lớn nhất giữa các hệ thống Patsir trên biển và trên bộ là các tên lửa của Pantsir-S (phiên bản trên bộ) có thể đánh chặn các mục tiêu tấn công từ trên không và thường thông qua các đường bay dự báo trước", Alexander Zhukov, Thiết kế trưởng của Tập đoàn Chế tạo các Hệ thống Chính xác cao, đơn vị phát triển hệ thống Pantsir cho biết.
"Trong khi đó, các tên lửa của Pantsir-M bay bám mặt nước biển và thậm chí cả trên sóng khi bão gió, khiến các hệ thống máy tính khó đoán định hướng bay của chúng hơn".
Điểm khác biệt lớn nữa giữa Pantsir-S và Pantsir-M chính là tốc độ bắn. Các hệ thống Pantsir-S bắn 80 phát/giây ( (4.800 phát/phút), trong khi đó, hệ thống chống hạm Pantsir-M có thể bắn 160 phát/giây (tức gần 10.000 phát/phút).
"Pantsir-M biên chế 1.000 viên đạn pháo và 32 tên lửa phòng không và tạo ra một bán kính phòng không 20 km xung quanh chiếc tàu mà nó được lắp đặt. Điều này khiến nó trở thành một hệ thống vũ khí phòng không hiệu quả trong các cuộc xung đột tiềm ẩn trong tương lai", Giám đốc điều hành của Công ty Sản xuất các Hệ thống Chính xác cao Alexander Denisov cho biết.
Tàng hình vượt trội
Khi đóng mới, mỗi tàu chiến lớp Karakurt sẽ sử dụng nhiều vật liệu khác nhau so với các tàu thế hệ trước mà Nga đang sở hữu. Vật liệu composite sẽ giúp các tàu này khó bị radar kẻ thù phát hiện hơn.
"Mỹ và NATO đã rất thành thục công nghệ này với các tàu tàng hình đa năng, tập trung cho các sứ mệnh tấn công trên bộ, chẳng hạn như tàu khu trục lớp Zumwalt. Vì vậy, vũ khí của các tàu lớp Karakurt sẽ được giấu sâu bên trong thân tàu (sơn các chất liệu tán xạ radar) và chỉ lộ diện khi thực chiến trên biển", Vadim Kozulin, Giáo sư Viện Khoa học Quân sự Nga cho biết.
Theo kế hoạch, Nga sẽ đóng tổng cộng 18 chiếc Karakurt. Đến năm 2020, 12 chiếc đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Hải quân Nga, và theo các chuyên gia, chúng sẽ hoạt động ở Biển Đen hoặc Địa Trung Hải.
Khinh hạm Nga tiêu diệt khủng bố IS bằng tên lửa hành trình Kalibr