Trung Quốc tự đề cao mình
Theo nguồn tin này, hiện Nhật Bản đang đẩy nhanh việc nghiên cứu radar kiểu mới có thể phát hiện được máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc.
Sina dẫn tuyên bố của chuyên gia quân sự Trung Quốc – Đỗ Văn Long, Nhật Bản có thể sẽ nhanh chóng đạt tiến độ về nghiên cứu loại radar phát hiện được máy bay tàng hình, vì đồng minh Hoa Kỳ đã sớm nắm được công nghệ này, không loại trừ Washington sẽ chia sẻ cho Tokyo về công nghệ trong lĩnh vực này.
Nhật Bản triển khai nghiên cứu chương trình radar mới là do hiện nay Trung Quốc đang phát triển mạnh máy bay tàng hình, cụ thể đó là máy bay J-20 và J-31. Chương trình nghiên cứu đó của Nhật Bản chính là nhằm vào hai dòng máy bay tàng hình này, Đỗ Văn Long cho biết.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, để đối phó được với máy bay tàng hình, cần phải giải quyết được hai vấn đề mang tính then chốt đó là "phát hiện" và "tấn công". Nhật Bản đẩy mạnh nghiên radar kiểu mới và hệ thống dẫn đường tên lửa nhằm vào máy bay tàng hình, chính là giải quyết hai vấn đề mang tính then chốt này.
Theo phân tích của Đỗ Văn Long, hiện nay Nhật Bản vẫn chưa sở hữu bất cứ hệ thống radar chống tàng hình đúng nghĩa và lĩnh vực này hoàn toàn dựa vào đồng minh Mỹ.
Năng lực chống tàng hình của Nhật Bản
Theo báo Japan Times, hồi đầu năm 2016, Nhật Bản đã triển khai hệ thống radar tầm xa tại đảo tranh chấp với Trung Quốc có thể giám sát biển Hoa Đông và khu vực Bắc Biển Đông.
Trạm radar được đặt tại đảo Yonagumi, tỉnh Okinawa. Đây là hòn đảo nhỏ với khoảng 1.500 dân nằm ở cực tây của Nhật Bản và chỉ cách Đài Loan hơn 100km về phía Đông và cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc gần 150km.
Trạm radar giám sát lâu dài này sẽ được 160 lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) của Nhật Bản canh gác.
“Thiết lập một cơ sở quân sự ổn định ở khu vực quần đảo Nansei khẳng định cam kết phòng thủ của chúng ta”, trung tướng Kiyoshi Ogawa thuộc GSDF nói trong buổi lễ trên đảo Yonaguni để trao cờ cho ông Daigo Shiomitsu - chỉ huy đơn vị mới.
Báo Nhật Bản cho biết, hệ thống radar mới được triển khai này chính là FPS-7 - loại radar vừa có khả năng phát hiện máy bay tàng hình, vừa có năng lực phòng thủ tên lửa...
FPS-7 là loại antena đầu tiên của Nhật Bản áp dụng công nghệ antena radar bãi rộng, nâng cao cực đại tính linh hoạt, phạm vi giám sát và độ nhạy của antena.
FPS-7 có khả năng phát hiện tất cả các mục tiêu trên không có khả năng tàng hình cao, được giới chức quân sự Nhật Bản đánh giá là loại trang bị trụ cột trong công tác giám sát không phận và hải phận các khu vực duyên hải Nhật Bản, đặc biệt là các cụm đảo phía tây nam.
Đặc biệt, Nhật Bản còn sở hữu dàn máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) E-2D Advanced Hawkeyes có khả năng vô hiệu hóa mối đe dọa từ các tiêm kích tàng hình của Trung Quốc.
E-2D được trang bị radar mới hoạt động ở băng tần UHF, có khả năng quét kết hợp giữa cơ khí - điện tử và có thể kết nối với mạng điều khiển hỏa lực trên không tích hợp (NIFC-CA) của Hải quân Mỹ.
Tính năng này cho phép quân đội Nhật Bản tăng cường sự tương tác với Hải quân Mỹ trong các hoạt động chiến đấu. Radar AN/APY-9 (do Lockheed Martin chế tạo) là trọng tâm trong chương trình Advanced Hawkeyes. Cả Nhật Bản và Mỹ đều nhận thấy rằng, radar UHF là công cụ hiệu quả để đối phó với công nghệ tàng hình.
Trong bản báo cáo "Radar đối phó Tàng hình" công bố vào quý 4 năm 2009 tại Học viện Quốc phòng Mỹ, tác giả Arend Westra cho biết: "Bước sóng dài và sự cộng hưởng cho phép radar băng tần VHF và UHF dễ dàng phát hiện các mục tiêu tàng hình hơn”.
Các radar UHF thường hoạt động ở dải tần từ 300 MHz - 1 GHz nên có bước sóng từ 10cm - 1m.
Trong khi đó, do đặc tính vật lý, máy bay tàng hình thường được thiết kế để vô hiệu hóa các radar có tần số cao ở băng tần Ka, Ku, X, C và các bộ phận của băng tần S.
Bên cạnh đó, các tiêm kích tàng hình đều được thiết kế với cánh đuôi đứng để tăng khả năng không chiến. Song, điều này tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng làm giảm hiệu quả tàng hình của máy bay.
Do đó, người ta phải phủ thêm vật liệu hấp thụ sóng điện từ được tối ưu hóa cho các băng tần nói trên.
Những máy bay tàng hình dựa trên kỹ thuật này gồm có: J-20, J-31 của Trung Quốc, Sukhoi T-50 của Nga, F-22 và F-35 của Mỹ.
Chỉ có phi cơ ném bom chiến lược B-2 Spirit hay LRS-B sắp tới không có cánh đuôi đứng có thể đáp ứng các yêu cầu về quang hình học và độ tán xạ radar. Điều đó có nghĩa là radar AN/APY-9 lắp trên E-2D có thể tóm sống máy bay J-20 và J-31.
Ngoài ra, theo nhận định Arend Westra, việc phát hiện máy bay tàng hình Trung Quốc, đặc biệt là J-31 chưa bao giờ là vấn đề khó khăn.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, tại Chu Hải Airshow 2014, Nga và Mỹ bí mật mở radar máy bay chiến đấu Su-35 và máy bay vận tải C-17 và đã bắt sống tín hiệu của J-31 chỉ sau chưa đầy 10 phút cất cánh.
Điều đáng nói là, ngoài chiếc tiêm kích tối tân Su-35 Nga ra, cả chiếc máy bay vận tải C-17 Globemaster của Mỹ cũng đã tóm sống tín hiệu radar của siêu tiêm kích tàng hình Trung Quốc.