Chiến tích huy hoàng không phải là vĩnh cửu
Lịch sử quân sự hiện đại chưa bao giờ ghi nhận việc sử dụng các phương tiện tấn công đường không, chiến tranh điện tử với mức độ và quy mô lớn như tại Việt Nam.
Sự hy sinh và chiến thắng của Việt Nam đã để lại nhiều bài học lớn, tác động đến phương thức tiến hành chiến tranh điện tử, chống tập kích đường không và nghệ thuật sử dụng không quân trên thế giới.
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chúng ta liên tục phải chống trả các cường quốc sở hữu lực lượng quân đội chuyên nghiệp với ưu thế tuyệt đối về không lực.
Mọi việc chỉ kết thúc khi trận quyết chiến cuối cùng trên bầu trời miền Bắc Việt Nam nổ ra, dẫn tới kết quả người Mỹ phải ra về với thất bại cay đắng.
Việt Nam - Cường quốc không quân một thời tại Đông Nam Á
Cho tới tận ngày nay, không một quốc gia ASEAN nào có thể qua mặt Việt nam trong việc tổ chức lưới lửa phòng không nhiều tầng nhiều lớp, cũng như đủ năng lực tác chiến tầm cao - trung - thấp như Việt Nam. Điều đó cho thấy chúng ta đang nắm giữ những lợi thế nhất định.
Việt Nam đã có kinh nghiệm tốt trong buổi bình minh của chiến tranh điện tử. Tuy vậy, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật làm cho mọi thứ không còn là chuyện của hơn 40 năm trước.
Ngày nay, công nghệ đã khiến những đòn đánh kinh hoàng của tên lửa vác vai vào máy bay vận tải, trực thăng... đi chệch hướng.
Bên cạnh đó, những máy bay làm nhiệm vụ đột kích hệ thống phòng không đối phương rất khó bị phát hiện, và những trận "mưa tên lửa" chính xác vào các cơ sở hạ tầng sống còn trong sự bất lực của quốc gia bị không kích.
S-300 - Át chủ bài trong việc chống can thiệp quân sự của Việt Nam
Những chiến dịch không kích do Mỹ và NATO dẫn đầu diễn ra trong thời gian gần đây hẳn đã cho giới quân sự Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý giá.
Đối phương thường tiến hành hoạt động gián điệp, xác định tọa độ và triệt hạ hệ thống phòng không bằng các đòn đánh tầm xa như tên lửa hành trình, sau đó cho không quân ồ ạt phá hủy mục tiêu mặt đất trong sự bất lực của không quân nước bị can thiệp.
Chúng ta nhìn nhận thấy sự sáng suốt của Việt Nam khi mua sắm các tổ hợp phòng không S-300 từ rất sớm, đó là một trong những vũ khí chiến lược để phòng thủ bầu trời.
Bởi lẽ với S-300, kẻ thù sẽ phải suy nghĩ kỹ khi quyết định triển khai không quân, giống như việc NATO hay Israel do dự tại Syria và Iran, đôi khi sự khác biệt chỉ là có hay không có tên lửa.
Tuy nhiên những cuộc chiến đó cũng chắc chắn thay đổi nhãn quan quân sự của nhiều quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử, nước Nga trình diễn các công nghệ hàng không vượt trội.
Từ tên lửa siêu thanh phóng đi từ tàu chiến cỡ nhỏ, tới những hệ thống tác chiến điện tử tinh vi khiến việc bắn hạ máy bay Nga bằng tên lửa đối đất của phiến quân là bất khả thi.
Sớm hay muộn, đối thủ tiềm năng của Việt Nam rồi cũng sẽ trang bị cho mình các tổ hợp tương tự, điều đó nghĩa là nếu không tự đổi mới mình liên tục, nguy cơ tụt hậu của Việt Nam là hiển nhiên.
Nga đã thay đổi nhãn quan quân sự thế giới, việc bắn hạ trực thăng Nga bằng MANPAD tại Trung Đông tới nay vẫn là điều không thể
Bên cạnh đó, liên tiếp các thế hệ máy bay mới ra đời, đẩy không quân Việt nam tới sự lạc hậu rõ rệt. MiG-21 đã về hưu, các phi đội Su-22 gặp nhiều vấn đề kỹ thuật, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt máy bay tiêm kích để kiểm soát bầu trời trong tình hình mới.
Giải pháp không chỉ là tiền bạc
Nếu Việt Nam là quốc gia lắm tiền nhiều của, hẳn sẽ chẳng phải suy nghĩ nhiều khi đầu tư một lực lượng không quân mạnh. Điều đó trong tương lai gần sẽ không xảy ra, nên trước hết cần nghĩ đến những giải pháp tình thế cho việc hiện đại hóa Quân chủng Phòng không Không quân.
Hiện tại, một số hướng đi của Việt Nam đang cho thấy sự đúng đắn, đó là:
- Tập trung hiện đại hóa, mua sắm, sản xuất mới các phương tiện trinh sát tầm trung, xa để kiểm soát tốt hơn vùng trời của mình.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống phòng không nhiều tầng nhiều lớp, từng bước hiện đại hóa và thay mới vũ khí, trang bị phòng không như nâng cấp pháo cao xạ, mua sắm tên lửa tối tân từ Nga, Israel…
- Mua sắm có trọng tâm máy bay chiến đấu theo từng đợt nhỏ (như các hợp đồng Su-30MK2), đồng thời trang bị thêm vận tải cơ thế hệ mới để đáp ứng tốt chức năng không vận…
Tuy vậy, chừng đó là chưa đủ với Việt Nam, khi lợi ích chúng ta trải rộng hàng triệu km2 ở hướng Đông, cho nên trong thời gian tới, Việt Nam nên tiến hành các nhóm giải pháp bao gồm:
Đầu tư sản xuất tên lửa phòng không tầm thấp, tiến tới giải bài toán tên lửa phòng không tầm trung để tự chủ số lượng lớn vũ khí, lấp khoảng trống do công nghệ lạc hậu và sự xuống cấp của khí tài
Hiện nay, Việt Nam đã có đề tài sản xuất tên lửa vác vai, việc còn lại là tiếp nối những dự án như vậy.
Chế tạo thành công tên lửa tầm thấp không chỉ là phương án cho lực lượng Phòng không Không quân, mà còn đảm bảo ô phòng thủ cho Lục quân khi tiến hành chống trả kẻ thù có khả năng hiệp đồng quân binh chủng với không quân tầm thấp yểm trợ.
Sản xuất tên lửa tầm thấp, tiến tới giải quyết bài toán tầm trung
Song song với quá trình xử lý, sửa chữa lớn máy bay tiêm kích, Việt Nam nên từng bước tiếp cận việc sản xuất phụ tùng, lắp ráp một vài phương tiện hàng không như máy bay cánh quạt, phi cơ huấn luyện phản lực…
Muốn làm được điều này, nền Công nghiệp quốc phòng Việt nam cần được tổ chức với tư duy mới, chú trọng phát triển khoa học và công nghiệp cơ bản, công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin để làm nền tảng đầu tư sản xuất các thiết bị hàng không hiện đại.
Sửa chữa lớn máy bay tiêm kích Su-27
Mua sắm thêm tiêm kích hạng nhẹ, chúng sẽ tập trung cho nhiệm vụ phòng không, nhường lại vai trò đánh biển cho máy bay chiến đấu hạng nặng. Nhưng các tiêm kích nhẹ này cần có tính năng tốt và đa năng để làm lực lượng dự bị cho mọi tình huống.
JAS-39 Gripen - Ứng viên sáng giá thay thế MiG-21 của Việt Nam
Thường xuyên diễn tập phối hợp, hiệp đồng quy mô lớn giữa các đơn vị cảnh giới, hỏa lực, tác chiến điện tử… để mô phỏng những cuộc tập kích đường không.
Việc làm này nhằm nâng cao khả năng sử dụng, khai tác khí tài của Bộ đội Phòng không Không quân, từ đó so sánh với kinh nghiệm thu thập được trên thế giới và qua thực tế chiến tranh để đưa ra cách đánh phù hợp nhất đối với Việt Nam.
Thường xuyên diễn tập bắn đạn thật là yêu cầu tối quan trọng
Trên đây là một vài hướng đi nhằm hiện đại hóa Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của một quốc gia độc lập là đảm bảo quyền sống còn cho dân tộc. Do vậy, sự trưởng thành và mạnh mẽ của quân đội luôn phải đặt lên hàng đầu.
Chính vì lẽ đó, chúng ta luôn hy vọng vào sự phát triển của ba thứ quân, để Quân đội Nhân dân Việt Nam trở thành một lực lượng mạnh toàn diện, mang tầm vóc lớn tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới như những gì đã làm được ở thế kỷ trước.
*** Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả