Tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản ngày 29/7 cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản mua sắm máy bay tác chiến điện tử có chức năng gây nhiễu radar và viễn thông đối phương, mục đích là để nâng cao khả năng ứng phó với chiến tranh hiện đại đang phát triển theo hướng "mạng lưới hóa".
Nhưng máy bay tác chiến điện tử có thể có khả năng tấn công căn cứ đối phương, tính chất "chuyên phòng vệ" của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ bị nghi ngờ.
Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản có máy bay thu thập tình báo điện tử dùng để phân tích tín hiệu sóng điện từ phát ra từ máy bay, tên lửa và tàu chiến đối phương. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có máy bay huấn luyện tác chiến điện tử dùng để tiến hành gây nhiễu sóng điện từ đối với máy bay Lực lượng phòng vệ khi huấn luyện.
Nhưng những máy bay tác chiến điện tử này đều không có khả năng dùng để tiến hành gây nhiễu điện từ đối phương.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đang được Lực lượng phòng vệ trên không tranh thủ nhập khẩu cũng có khả năng tác chiến điện tử nhất định, nhưng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng cần có máy bay tác chiến điện tử mạnh hơn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã nhận được tài liệu công nghệ từ doanh nghiệp tư nhân có liên quan.
Trong tình hình Nhật Bản độc lập tiến hành nghiên cứu phát triển, phương án chính sẽ là cải tạo máy bay vận tải C-2 của Lực lượng phòng vệ trên không và máy bay chở khách dân dụng thành "máy bay gây nhiễu ngoài khu vực phòng thủ" để tiến hành gây nhiễu điện từ ngoài tầm bắn của tên lửa đối phương.
Nội bộ Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn đang có những lo ngại về loại máy bay nhập khẩu tiến hành gây nhiễu điện từ trong phạm vi đe dọa của đối phương.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang tập trung tiến hành nghiên cứu thiết bị gây nhiễu điện từ được lắp thêm cho tên lửa phóng từ trên không. Do máy bay của Lực lượng phòng vệ có thể bị gây nhiễu bởi sóng điện từ đối phương đến từ xa, tháng 6/2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân cung cấp các thông tin liên quan.
Trong chiến tranh hiện đại, máy bay và tàu chiến đã thực hiện kết nối mạng lưới hóa, thực hiện chia sẻ theo thời gian thực về thông tin vị trí quân địch do radar và vệ tinh thu được. Từ đó thực hiện tấn công và phòng thủ với hiệu suất cao hơn, điều này đã trở thành chiến thuật chủ yếu.
Nhật Bản tìm cách mua sắm máy bay tác chiến điện tử là để nâng cao khả năng răn đe đối với Trung Quốc và Nga, những quốc gia đang từng bước thực hiện "mạng lưới hóa".
Mặc dù chính phủ Nhật Bản phủ nhận có ý định tìm kiếm khả năng tấn công căn cứ đối phương, nhưng cùng với việc bắt đầu thúc đẩy nhập khẩu tên lửa hành trình tầm xa có thể trang bị cho máy bay chiến đấu trong năm tài khóa này, Nhật Bản đang tiến lên theo phương hướng có khả năng tấn công căn cứ đối phương về mặt kỹ thuật.
Do gây nhiễu điện từ có thể hỗ trợ cho tên lửa và máy bay chiến đấu xé rách mạng lưới radar của đối phương, vì vậy từ lâu Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã có thái độ rất thận trọng đối với việc mua sắm máy bay tác chiến điện tử.