Máy bay không người lái cảnh báo thông tin sóng thần tại Sendai. Ảnh: Nokia
Theo đài truyền hình NHK, trong trường hợp hệ thống cảnh báo sóng thần của quốc gia được kích hoạt, máy bay không người lái sẽ khởi động và bay vòng quanh dải ven biển, hối thúc người dân sơ tán.
Thành phố Sendai thuộc vùng Tohoku là một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề trước những cơn sóng cao 10 m trong thảm họa kép năm 2011. Với khả năng di chuyển tới 10 km trong đất liền và phá hủy hơn 100 địa điểm sơ tán an toàn, những con sóng lớn này chỉ để cho người dân có từ 8 đến 10 phút di chuyển đến các khu vực trú ẩn an toàn mới.
Để giải quyết vấn đề chậm trễ trong việc truyền tải thông tin sơ tán và khiến thành phố trở nên thân thiện hơn với môi trường cũng như tăng khả năng chống chịu trước thiên tai, chính quyền Sendai đã ký thỏa thuận hợp tác với Nokia phát triển máy bay không người lái để cảnh báo sơ tán sóng thần vào năm 2017.
Nhằm giám sát dễ dàng chuyển động của những người sơ tán, máy bay không người lái được trang bị camera HD và nhiệt. Bằng cách gắn loa vào thân máy bay, hệ thống điều khiển có thể gửi tin nhắn thoại được ghi âm để cảnh báo và hướng dẫn người sơ tán đến các khu vực an toàn.
Video thử nghiệm máy bay không người lái cảnh báo sóng thần (nguồn: Nokia)
Công nghệ mới dự kiến nhanh chóng cảnh báo ngư dân hoặc người đi biển, những người có thể không nghe được cảnh báo từ loa phát thanh của thành phố, rằng sắp có một thảm họa sóng thần xảy ra.
Bên cạnh đó, việc sử dụng máy bay không người lái cũng được cho là đảm bảo an toàn cho lực lượng phản ứng phải cố ở lại khu vực bị ảnh hưởng để thông báo cho những người đi biển biết về một trận sóng thần.
Vào tháng 3/2011, một trận động đất mạnh 9,0 độ đã tấn công Nhật Bản và gây ra một trận sóng thần lớn dẫn đến sự cố hạt nhân Fukushima. Thảm họa đã khiến khoảng 22.200 người chết hoặc mất tích, cũng như 400.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.
Chính phủ Nhật Bản đã chi 31.300 tỷ yên (tương đương 215,8 tỷ USD) trong 10 năm sau thảm họa kép để tái thiết 3 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đến năm 2021, các nhà chức trách cũng thông qua một kế hoạch trị giá 1.600 tỷ yên cho giai đoạn phục hồi lần thứ hai dự kiến kéo dài đến năm 2025.