Thông tin về kế hoạch tiếp nhận F-35 của Nhật Bản được Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore ngày 3/8 cho biết. Không quân Mỹ tuyên bố máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất F-35 trang bị cho không quân, đã có "khả năng tác chiến ban đầu", có thể tiến hành triển khai chiến đấu thực tế.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35 do Không quân Mỹ sử dụng cũng sẽ là máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Các nguồn tin quốc phòng ở Nhật Bản và Mỹ tiết lộ, hiện nay Mỹ và Nhật Bản đang tiến hành phối hợp về việc bàn giao lô F-35 đầu tiên cho Nhật Bản ở căn cứ không quân trên lãnh thổ Mỹ vào tháng 9/2016.
Thủ tướng Shinzo Abe bên nguyên mẫu F-35A phiên bản Nhật
Người đứng đầu lực lượng Không quân Mỹ Deborah James nhấn mạnh: "Đối với việc Mỹ và đồng minh, đối tác hợp tác trong cộng đồng quốc tế cùng tiếp tục ngăn chặn các mối đe dọa, đây là một cột mốc quan trọng".
Việc Nhật được tiếp nhận chiếc F-35 đầu tiên trong tháng 9/2016 được coi là quyết định thần tốc của Mỹ bởi theo thông tin được Lockheed Martin công bố, nhà sản xuất này bắt đầu sản xuất F-35A phiên bản Nhật được định danh là AX-1 từ tháng 4/2016.
Tập đoàn Lockheed Martin đã bắt đầu rắp ráp lô đầu tiên gồm 4 chiếc máy bay chiến đấu F-35A cho Không quân Nhật Bản. Lô máy bay này được đặt tên là AX-1 sẽ được xuất xưởng vào cuối tháng 9/2016.
Sau khi được lắp ráp hoàn chỉnh, AX-1 sẽ được chuyển đến căn cứ không quân Luke nằm ở tiểu bang Arizona, miền Tây nước Mỹ. Căn cứ này là trung tâm huấn luyện chủ yếu của phi công lái máy bay F-35A Mỹ và các nước khác. Tại đây, Mỹ sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu F-35A cho phía Nhật Bản.
Nhật Bản đã quyết định đặt mua tổng cộng 42 chiếc tiêm kích F-35A từ Washington năm 2011. Thương vụ này còn bao gồm xây dựng nhà máy lắp ráp tại Nhật Bản, đồng thời cung cấp dịch vụ duy tu bảo dưỡng và đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng cho phía Nhật Bản.
Theo thỏa thuận, lô đầu tiên 4 chiếc F-35A từ AX-1 cho đến AX-4 sẽ được lắp ráp tại cơ sở sản xuất và lắp ráp Fort Worth của Công ty Lockheed Martin, còn 38 chiếc tiếp theo sẽ do cơ sở kiểm nghiệm và hoàn thiện của Công ty Mitsubishi Nhật Bản rắp ráp và bàn giao.
Dù cả dòng tiêm kích F-35 đang tồn tại những lỗi chưa thể khắc phục được nhưng Nhật Bản vẫn khá hài lòng với chiến đấu cơ này và ngỏ ý muốn mua thêm nếu được Mỹ giảm giá.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản (tại thời điểm đặt mua F-35) tuyên bố rằng, Tokyo sẽ cân nhắc khả năng mua bổ sung thêm các máy bay chiến đấu tàng hình F-35A nếu như chi phí của loại phi cơ này giảm xuống.
"Nếu mỗi quốc gia đều mở rộng năng lực sản xuất và tăng cường sản lượng chế tạo máy bay F-35, điều đó sẽ giúp giảm đáng kể chi phí", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Onodera cho biết. "Trong trường hợp này, điều quan trọng là phải nghĩ cách tăng gấp đôi tổng sản lượng chế tạo", ông Onodera nói.
Tuyên bố của ông Onodera là một tia sáng với F-35 sau hàng loạt sự cố dòng máy bay này gặp phải trong thời gian qua. Tuy vậy, vì bất cứ lý do gì, những vấn đề của F-35 rồi sẽ được giải quyết triệt để trước khi cất cánh chiến đấu trên bầu trời, đại diện của Lockheed Martin tuyên bố.