Nhật Bản tham gia cuộc đua vũ khí siêu thanh

Lê Ngọc |

Thế giới đang chứng kiến sự ra đời của một loại vũ khí mới - vũ khí siêu thanh.

Vũ khí siêu thanh

Thế giới đang chứng kiến ra đời của vũ khí siêu thanh, mà theo các chuyên gia, sẽ trở thành một cuộc cách mạng trong quân sự.

Vũ khí siêu thanh sở hữu đồng thời hai lợi thế quan trọng - cực kỳ phức tạp trong việc đánh chặn, và đối phương có quá ít thời gian để phản ứng với mối đe dọa.

Kết hợp tốc độ của tên lửa đạn đạo với khả năng cơ động của tên lửa hành trình, vũ khí siêu thanh bay với tốc độ hơn 6.115km/h khiến khó bị theo dõi và bị đánh chặn so với tên lửa truyền thống.

Vũ khí siêu thanh có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng vài phút.

Nhật Bản tham gia cuộc đua vũ khí siêu thanh - Ảnh 1.

Quỹ đạo bay của tên lửa siêu thanh (xanh), đạn đạo (đỏ) và hành trình (trắng); Nguồn: breakingdefense.com.

Đằng sau công nghệ siêu âm nguy hiểm ấn tượng này là một động cơ phản lực tĩnh siêu âm ramjet, hay còn gọi là hệ thống scramjet.

Động cơ ramjet lấy oxy từ khí quyển (thay vì mang theo, tiết kiệm 70% dung tích chứa) khi di chuyển để trộn với nhiên liệu hydro (tên lửa mang theo), tạo ra phản ứng cháy cần thiết cho chuyến bay siêu âm.

Để động cơ hoạt động, vũ khí siêu thanh cần được phóng từ các phương tiện di chuyển với tốc độ siêu thanh, như máy bay phản lực hoặc máy bay ném bom. Khi tên lửa đạt tốc độ siêu thanh, nó được đẩy bằng một động cơ tăng áp nhỏ với tốc độ lên tới Mach 5 và độ cao tối thiểu 30km.

Nhật Bản tham gia cuộc đua vũ khí siêu thanh - Ảnh 2.

Vũ khí siêu thanh của Nhật Bản; Nguồn: janes.com

Các phát triển mới bao gồm các động cơ ramjet kép - sử dụng động cơ ramjet để tăng tốc độ của máy bay, sau đó chuyển sang chế độ scramjet.

Các tên lửa đạn đạo thông thường được phóng ở quỹ đạo dốc để chúng không bị đốt cháy khi phóng và tái nhập vào bầu khí quyển Trái Đất. Trong khi đó, tên lửa siêu thanh có thể lướt trên bầu khí quyển và vẫn sử dụng động cơ của chúng để tăng tốc và bẻ lái.

Khả năng di chuyển với vận tốc cao và ở độ cao lớn trong thời gian dài khiến tên lửa siêu thanh có tầm bắn xa và có thể vượt qua hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.

Chúng có thể cơ động trong chuyến bay theo quỹ đạo không được thiết lập - điều trái ngược hoàn toàn với quỹ đạo được xác định và dốc của tên lửa đạn đạo truyền thống.

Đầu đạn Liệng Siêu tốc

Tiếp theo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm/thứ sáu, cường quốc công nghệ Nhật Bản đang có chương trình phát triển vũ khí siêu âm.

Trong ấn phẩm của Bộ Quốc phòng Nhật Bản có tựa đề “Tầm nhìn triển vọng R&D trong việc ứng dụng cho Lực lượng phòng vệ tích hợp đa chiều” người Nhật đã tiết lộ các thông tin chính của các hệ thống siêu thanh đang được phát triển ở nước này, đó là các Đầu đạn Liệng Siêu Tốc (Hyper Velocity Gliding Projectiles - HVGP) và Tên lửa Hành trình Siêu thanh (Hypersonic Cruising Missile - HCM).

HVGP là một tổ hợp di động trên mặt đất dùng tên lửa nhiên liệu rắn có đầu đạn liệng siêu tốc có thể tấn công tàu và các mục tiêu mặt đất.

Phiên bản đầu tiên của hệ thống sẽ có tầm hoạt động khoảng 500km, thấp hơn nhiều so với cự ly được biết của các hệ thống tương tự từ Nga và Mỹ. Tầm bắn của LRHW Mỹ có thể đạt tới 6.000km với tốc độ Mach 5.

"Dao găm" của Nga (tuy không được coi là vũ khí siêu thanh), tùy thuộc thiết bị mang, có tầm bắn 2.000-3.000km (phương tiện mang duy nhất hiện có là MiG-31K, các phương tiện mang khác chỉ nằm trong kế hoạch).

Nhật Bản tham gia cuộc đua vũ khí siêu thanh - Ảnh 3.

Đầu đạn Liệng Siêu tốc của Nhật Bản; Nguồn: mainichi.jp

HVGP sẽ phát triển qua hai giai đoạn - trong năm tài chính 2026, tạo ra đầu đạn cho Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) có thể tấn công kẻ thù tiềm năng xâm chiếm các đảo xa của Nhật Bản, và trong tài khóa 2028 trở đi - đầu đạn nâng cấp sẽ được phát triển, bao gồm hình dáng, nâng cao tốc độ và tầm bắn và theo quỹ đạo phức tạp hơn.

Nếu các công nghệ này được tích hợp vào HVGP, các tên lửa có thể xuyên thủng sàn tàu sân bay trước khi được kích nổ bên trong tàu khiến máy bay không thể cất hoặc hạ cánh, cũng như phá hủy các mục tiêu trong phạm vi vài trăm m2 - chủ yếu nhằm vào các tàu sân bay Trung Quốc để bảo vệ quần đảo Nansei, giúp Nhật Bản có thể đáp trả mà không cần triển khai các tàu và máy bay .

Tên lửa Hành trình Siêu âm

HCM Nhật Bản tùy thuộc phiên bản, có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và trên biển. Bộ Quốc phòng Nhật Bản không tiết lộ thông số kỹ thuật chi tiết HCM, tuy nhiên, tầm bắn của chúng cao hơn HVGP.

Một hệ thống dẫn đường vệ tinh quán tính kết hợp với radar chủ động hoặc hình ảnh nhiệt đã được chọn cho tên lửa - giải pháp tương tự cũng được chọn cho các đầu đạn liệng siêu tốc.

Cả HCM và HVGP sẽ được trang bị đầu đạn chống tàu xuyên thấu, và đa năng, có thể tấn công cả mục tiêu mặt đất và tàu. Nhật Bản dự định đưa vào quỹ đạo một nhóm bảy vệ tinh để cung cấp dữ liệu liên tục nhằm xác định hiệu quả hơn các mối đe dọa.

Nhật Bản tham gia cuộc đua vũ khí siêu thanh - Ảnh 5.

Mảng gay cấn nhất của cuộc đua vũ khí siêu thanh là phòng thủ chống lại chúng; Nguồn: sciencemag.org

Nhiều khả năng Nhật Bản sẽ tích hợp vũ khí mới lên các máy bay chiến đấu hạng nặng F-3 thế hệ thứ sáu sắp tới thay thế các máy bay chiến đấu F-2 đang phục vụ.

F-2 hiện là lớp máy bay chiến đấu duy nhất của Nhật Bản được trang bị tên lửa hành trình - mặc dù chúng thiên về mục đích chống hạm hơn là tấn công trên bộ.

Tên lửa hành trình siêu thanh của Nhật Bản sẽ tạo ra thách thức lớn đối với các hệ thống phòng không của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga như HQ-9B, KN-06 (Pyongae-5) và S-300, mặc dù các hệ thống mới hơn như S-400, HQ-9C và S-500 được cho là có khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu thanh.

Nhật Bản dự định chi số tiền đáng kể cho việc thực hiện kế hoạch theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Để nghiên cứu và phát triển HVGP đã phân bổ 170 triệu USD (tương đương 18,5 tỷ Yên Nhật) cho năm tài chính 2018 và 2019, họ muốn phân bổ thêm 230 triệu USD cho năm tài chính 2020.

Hiện tại, Mỹ, Trung Quốc và Nga đang thử nghiệm các tên lửa siêu thanh, nhưng đáng chú ý, Mỹ chỉ tập trung vào đầu đạn thông thường, trong khi Trung Quốc và Nga đang phát triển cả đầu đạn thông thường và hạt nhân.

Năm ngoái, Tổng thống Nga Putin đã công chiếu và tuyên bố 6 nguyên mẫu vũ khí mới được công bố sẽ sẵn sàng chiến đấu vào năm 2020.

Năm 2018, Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ đã thử nghiệm thành công máy bay siêu âm mà Mỹ chưa có được.

Chúng ta đang chứng kiến cuộc đua giữa ba tay chơi hàng đầu trong ngành công nghiệp chiến tranh toàn cầu để tạo ra các công nghệ tên lửa siêu thanh tốt nhất và tối tân nhất. Tuy nhiên, mảng gay cấn nhất của cuộc đua này không phải là tên lửa, mà là phòng thủ chống lại chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại