Nhật Bản không phục
RIA Novosti sáng 26/4 dẫn tuyên bố của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, công ty đóng tàu DCNS của Pháp đã vượt qua các đối thủ là công ty đóng tàu ThyssenKrupp Marine Systems (Đức) chi nhánh tại Australia và công ty Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) để giành gói thầu xây dựng 12 tàu ngầm mới cho nước này, có tổng giá trị lên tới 39 tỷ USD.
Tuyên bố của Thủ tướng Malcolm Turnbull đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc nội các Australia vừa kết thúc ít giờ đồng hồ trước đó về việc lựa chọn đối tác đóng mới 12 tàu ngầm cho nước này.
Phản ứng ngay sau tuyên bố Pháp thắng thầu, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết quyết định của Auatralia là "vô cùng đáng tiếc". Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ yêu cầu Canberra giải thích tại sao họ không chọn thiết kế của chúng tôi".
Cũng trong ngày 26/4, phát biểu tại TP Adelaide, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng quyết định của nước này trong việc chọn nhà thầu là "vấn đề chủ quyền".
"Tôi muốn cảm ơn công ty TKMS (Đức) và chính phủ Nhật Bản vì những đề xuất chất lượng cao. Tuy nhiên, sau quá trình đánh giá của Bộ Quốc phòng và các chuyên gia, thiết kế của Pháp đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặc biệt của Australia - ông Turnbull nói thêm.
Mô hình tàu ngầm Barracuda.
Đâu là nguyên nhân Pháp thắng thầu?
Theo hồ sơ chào thầu, nhà thầu DCNS của Pháp giới thiệu tàu ngầm 5.000 tấn phiên bản sử dụng động cơ diesel-điện của tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda.
Trong khi đó, Nhật Bản đưa ra phiên bản tàu ngầm 4.000 tấn lớp Soryu còn Đức giới thiệu tàu ngầm 2.000 tấn loại Type 214.
Theo DCNS, tàu ngầm đóng cho Australia chỉ thay đổi duy nhất động cơ hạt nhân bằng diesel-điện và hầu như mọi kết và trang bị trên tàu vẫn giữ nguyên so với phiên bản chạy động cơ hạt nhân.
Tàu ngầm Barracuda được thiết kế với ưu thế hoạt động giảm tiếng. Ngoài ra, Barracuda có tốc độ cơ động, khả năng phát hiện mục tiêu dưới nước cực mạnh.
Kết cấu thân Barracuda được làm bằng 21 vòng thép. Tàu được trang bị ăng ten đa năng, hệ thống kết nối dữ liệu vệ tinh SHF. Hệ thống bánh lái hình chữ X giúp tàu xử lý tốt hơn trong quá trình tàu nổi lên và và lặn xuống.
Tàu ngầm tấn công Barracuda được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ như: tác chiến chống ngầm, chống tàu nổi, tấn công các mục tiêu trên bờ và đất liền, hỗ trợ hoạt động tác chiến của lực lượng đặc biệt, thu thập tình báo...
Barracuda có lượng giãn nước khi lặn gần 5.000 tấn, khi nổi 5.300 tấn, dài 99,4m, thủy thủ đoàn 60 người. Tàu được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại và mạnh mẽ gồm:
Ngư lôi hạng nặng F21 - biến thể của mẫu Black Shark do Italy sản xuất, đơn giá mỗi quả lên tới 2,4 triệu USD. F21 lắp đầu nổ PBX B2211, tầm bắn 50km với tốc độ bơi 93km/h.
Tàu ngầm Soryu của Nhật Bản.
Tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm MdCN được công ty MBDA phát triển dành riêng cho Hải quân Pháp, đơn giá khoảng 3,3 triệu USD/quả.
Tên lửa nặng 1,4 tấn, dài 6,5m, trang bị động cơ phản lực Microturbo cho tốc độ 800km/h, tầm bắn hơn 1.000km, độ chính xác cực cao nhờ hệ thống dẫn đường hỗn hợp (tự dẫn quán tính, đo đạc địa hình, radar chủ động, đầu dẫn hồng ngoại, GPS).
Tên lửa hành chống tàu tầm ngắn SM39 Exocet đạt tầm bắn 70km. Thủy lôi FG29. Vũ khí Pháp thường có truyền thống sở hữu hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại, tối tân. Dĩ nhiên lớp tàu ngầm Barracuda cũng không là ngoại lệ.
Theo thông tin được công bố, Barracuda trang bị hệ thống cảm biến điện tử và ngụy trang, hệ thống thông tin liên lạc và kiểm soát chỉ huy chiến đấu DCNS SYCOBS, các hệ thống radar tân tiến và hệ thống định vị thủy âm (gồm: sonar Thales S-CUBE, hệ thống sonar phát hiện - tránh ngư lôi và chướng ngại vật, hệ thống sonar chặn băng thông Thales VELOX-M8, hệ thống sonar dẫn đường Thales Nuss-2F MK2)...
Với trang bị này, rõ ràng Barracuda vượt trội hơn tàu ngầm Soryu khi chỉ được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm cho phép triển khai ngư lôi hạng nặng Type 89 và tên lửa hành trình UGM-84C có tầm bắn tới 140-150km.