Ứng xử khôn khéo với "con dao hai lưỡi", Việt Nam sẽ tránh được nguy cơ trở thành "bãi rác công nghệ" của TQ

Hồng Anh |

Trung Quốc hiện nay là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần hết sức thận trọng trước các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Việt Nam là quốc gia nhận khá nhiều đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này cũng gây ra một số rủi ro nhất định cho Việt Nam.

Trong bài viết được đăng tải trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) ngày 9/5, tác giả Lâm Thanh Hà đã phân tích những lợi ích và rủi ro, và chỉ ra những điểm Việt Nam cần cải thiện để hưởng lợi ích của nguồn vốn đầu tư Trung Quốc và các nước khác về lâu dài.

Tác giả Lâm Thanh Hà là giảng viên cao cấp tại Học viện Ngoại giao - trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.


Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã nhận được các khoản đầu tư lớn từ người láng giềng phía Bắc, khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng ảnh hưởng và tìm kiếm các thị trường mới.

Năm 2011, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau chỉ ở mức 700 triệu USD. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 2,4 tỉ USD vào năm ngoái.

Luồng ý kiến ủng hộ tin rằng khoản tiền đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có giá trị lớn, khi nó tạo thêm việc làm và góp phần nâng cao các tiêu chuẩn, quy định sản xuất công nghiệp và lao động.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến phản đối, chỉ trích các dự án của Trung Quốc lợi dụng nguồn nhân công giá rẻ và nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam, đồng thời gây ô nhiễm môi trường và khiến người dân địa phương lâm vào cảnh nợ nần.

Cho dù là tích cực hay tiêu cực, thì Trung Quốc vẫn sẽ ở lại. Quốc gia được mệnh danh là "người khổng lồ" của châu Á này giờ đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và hiện nay số lượng lĩnh vực thu hút đầu tư ngày càng được gia tăng.

Nhận dao hai lưỡi từ TQ, Việt Nam cần làm gì để không trở thành bãi rác công nghệ của láng giềng? - Ảnh 2.

Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có một cuộc cải cách quy định sâu rộng hơn, một nền giáo dục tốt hơn và một cú hích nhằm tăng chuỗi giá trị, để các khoản đầu tư có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai, đồng thời hạn chế tác động của các dây chuyền sản xuất giá rẻ đối với môi trường.

Nhận đầu tư Trung Quốc, Việt Nam có lợi gì?

Lao động giá rẻ từng là yếu tố thu hút đầu tư trong thời kỳ nguồn lao động nội địa của Trung Quốc tăng giá. Trung bình một người lao động Việt Nam được trả lương khoảng 300-350 USD, con số này chỉ bằng một nửa so với lao động Trung Quốc.

Các doanh nghiệp nước ngoài đã mang tới Việt Nam các loại công nghệ và mô hình quản lý tiên tiến, điều đó đã giúp thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực xuất khẩu, mà cụ thể là 70% số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được doanh nghiệp nước ngoài sản xuất. Các doanh nghiệp này còn giúp nâng cao tiêu chuẩn của các bộ ngành chính phủ và cơ quan của Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã có đóng góp rất to lớn trong việc tạo ra việc làm mới và đào tạo người lao động. Các số liệu cho thấy, chỉ có khoảng 330.000 lao động được tuyển dụng trực tiếp vào lĩnh vực này trong năm 1995, nhưng đến năm 2017, con số ấy đã tăng lên thành 3,6 triệu lao động được tuyển dụng trực tiếp, và khoảng 5-6 triệu lao động được tuyển dụng gián tiếp.

Đặc biệt, các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng đã động viên các nước khác theo đuổi dự án của riêng họ.

Nhận dao hai lưỡi từ TQ, Việt Nam cần làm gì để không trở thành bãi rác công nghệ của láng giềng? - Ảnh 3.

Ảnh: Reuters

Một trong những dự án hàng đầu trong số đó là thương mại điện tử. Đây được coi là một trong những nguồn tăng trưởng chính do Việt Nam có dân số còn khá trẻ.

Từ năm 2016-2018, hai công ty thương mại điện tử phát triển nhất tại Việt Nam là Lazada và Tiki đều nhận được các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc. Tập đoàn Alibaba đã đầu từ 2 tỉ USD vào Lazada và đang có kế hoạch đầu tư thêm nữa. Vào tháng 1/2018, hãng bán lẻ Jd.com của Trung Quốc cũng đã xác nhận khoản đầu tư 44 triệu USD cho Tiki.

Đối với Trung Quốc, thì việc đầu tư vào Việt Nam cũng là một cơ hội để nước này hòa nhập về kinh tế với thế giới.

Trong khi trước đây các khoản đầu tư của Trung Quốc thường là hướng về nội địa, thì ngày nay xu hướng ấy đã thay đổi khi họ bắt đầu tìm kiếm những nguồn tăng trưởng mới ở nước ngoài, thông qua các dự án lớn như sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng - chiến lược phát triển thương mại toàn cầu được lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa cổ xưa.

Tại Việt Nam, Trung Quốc cũng đã đầu tư vào một số dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó bao gồm dự án xây dựng tuyến đường cao tốc từ các tỉnh phía Nam của Trung Quốc với Hà Nội và các cảng phía Bắc của Việt Nam, cùng một số dự án nâng cấp/xây dựng các cảng biển mới.

Một trong số những dự án cơ sở hạ tầng kể trên hướng đến những tỉnh biên giới của Việt Nam bị tụt lại trong quá trình hiện đại hóa, như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lai Châu.

Nhận dao hai lưỡi từ TQ, Việt Nam cần làm gì để không trở thành bãi rác công nghệ của láng giềng? - Ảnh 5.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.

Bên cạnh những khía cạnh kể trên, Việt Nam còn được hưởng một số lợi ích vô hình khác. Bản chất định hướng xuất khẩu của nguồn vốn FDI của Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, bằng cách cung cấp một lộ trình thuận tiện để đưa các sản phẩm Made in Vietnam ra thị trường thế giới, qua đó cũng nâng cao hình ảnh công nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, việc xuất khẩu hàng hóa còn thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực liên quan như khách sạn, dịch vụ du lịch, trao đổi ngoại hối và tư vấn.

Con dao hai lưỡi

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế dựa vào đầu tư nước ngoài cũng là một "con dao hai lưỡi". Cụ thể là việc chú trọng xuất khẩu sẽ khiến Việt Nam có thể phải đối mặt với một số rủi ro nhất định.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng cảnh báo rằng sự phụ thuộc quá mức là "một yếu tố bất ổn, bởi việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp dùng vốn FDI phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng trong của khu vực và toàn cầu".

Cùng với rủi ro bất ổn là vấn đề ô nhiễm.

Năm 2016, nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm vì vụ gây thiệt hại đối với các loài sinh vật biển trên diện rộng do xả các chất thải công nghiệp các biển thuộc 4 tình miền Trung Việt Nam. Vụ Formosa đã dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực của các dự án nhận FDI của Trung Quốc đối với môi trường.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng các loại công nghệ lỗi thời, và Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ trở thành "bãi rác công nghệ" của Trung Quốc nếu các dự án không được lựa chọn cẩn thận và khôn ngoan.

Nhận dao hai lưỡi từ TQ, Việt Nam cần làm gì để không trở thành bãi rác công nghệ của láng giềng? - Ảnh 7.

Ảnh: Reuters

Các loại máy móc và thiết bị nhập khẩu thông thường có thể được sản xuất trong nước, tuy nhiên việc nhập khẩu ồ ạt các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, và thậm chí là tồn tại. Các dự án FDI sử dụng công nghệ của Trung Quốc thường có giá đắt gấp 2 đến 3 lần so với những dự án tương tự sử dụng công nghệ Nhật Bản hoặc châu Âu. Khoảng cách này dẫn đến những đánh giá sai lệch về hiệu quả của dự án.

Một nhược điểm nữa là sự chuyển giá (thủ thuật khiến công ty con gây thất thoát thuế ở nước ngoài để làm lợi cho công ty mẹ). Điều này có liên quan tới các doanh nghiệp nước ngoài phóng đại giá trị các khoản đầu tư của họ, gây ra tác động tiêu cực đến nước chủ nhà do thất thoát các khoản thuế, giảm lợi nhuận và cạnh tranh không lành mạnh.

Doanh nghiệp Việt Nam thường không thể định giá chính xác công nghệ và thiết bị hiện đại được sử dụng trong doanh nghiệp nước ngoài - mà doanh nghiệp nước ngoài lại thường phóng đại giá trị mình đóng góp và thổi phồng lượng vốn đầu tư. Họ cũng thường tìm cách tăng chi phí quảng cáo và khuyến mại để giảm thiểu lợi nhuận, và cuối cùng những người dân địa phương chỉ nhận được số tiền rất ít ỏi.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã thực hiện một cuộc khảo sát vào năm 2014, và thu được kết quả cho thấy có đến 20% doanh nghiệp nước ngoài thừa nhận có hành động chuyển giá. Hầu hết các trường hợp trong số đó đều không được đưa ra tòa án do khung pháp lý còn kẽ hở của Việt Nam và những chiêu bài lách luật tinh vi của các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhận dao hai lưỡi từ TQ, Việt Nam cần làm gì để không trở thành bãi rác công nghệ của láng giềng? - Ảnh 8.

Ảnh: Shutterstock

Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng lâm vào cảnh nợ nần vì phải trả lãi cho các dự án bị trì hoãn. Ví dụ, tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội đã bị đội giá lên 868 triệu sau 8 năm xây dựng - vượt quá 315 triệu USD so với mức giá dự kiến. Dự án này bắt đầu được khởi công từ tháng 11/2013, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày dự án bị chậm tiến độ có giá lên đến 52.000 USD (1,2 tỉ Việt Nam đồng) tiền lãi suất.

Việt Nam cần thay đổi

Việt Nam cần cải cách để tránh được những cạm bẫy kể trên. Những quy định và thủ tục của Việt Nam cần được cải thiện và sửa đổi. Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những nơi hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản đầu tư FDI là bài học rất rõ ràng về điều này.

Trong hai năm 2016 và 2017, tổng vốn đầu tư mà thành phố này nhận được là 10 tỉ USD. Một trong những yếu tố làm nên thành công ấy là do vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng với các cảng và sân bay tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng có các chính sách và thủ tục thuận lợi đối với các nhà đầu tư. Các quyết định trước đây cần được chính quyền nhà nước thông qua được giao lại cho nhà chức trách địa phương, và việc quản lý các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được sắp xếp hợp lý.

Nhận dao hai lưỡi từ TQ, Việt Nam cần làm gì để không trở thành bãi rác công nghệ của láng giềng? - Ảnh 9.

Ảnh: Alamy

Tuy nhiên, cải cách pháp lý cũng là một trong những chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công. Việt Nam cần xây dựng luật chống chuyển giá, đồng thời thu hẹp khoản cách ưu đãi thuế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để có một sân chơi công bằng.

Các cơ quan thuế địa phương nên được trao quyền để giám sát việc tuân thủ luật pháp của các công ty nước ngoài chặt chẽ hơn. Và một cơ sở dữ liệu về thuế cần được thiết lập để theo dõi mọi thay đổi trong dòng lưu chuyển thu nhập và doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với những doanh nghiệp làm trái với quy định của pháp luật, thì Việt Nam cũng cần có những biện pháp xử phạt thích hợp, chẳng hạn như tăng thuế hoặc rút ngắn thời hạn áp dụng mức giá ưu đãi.

Việt Nam cũng cần phải nâng cao chuỗi giá trị, cụ thể là tìm cách thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, doanh nghiệp năng lượng sạch, cũng như các thiết bị y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến.

Nguồn vốn FDI của Trung Quốc hầu hết tập trung vào các ngành có rủi ro cao như nhiệt điện, thép, hóa chất và xi măng. Những khoản đầu tư này cần được sàng lọc, bởi chúng đòi hỏi khoản đầu tư lớn, nguồn năng lượng lớn, và có nguy cơ gây ô nhiễm.

Hơn nữa, vốn FDI của Trung Quốc có xu hướng lợi dụng lao động giá rẻ và khoáng sản của Việt Nam, trong khi Việt Nam lại phải gánh mức thâm hụt thương mại lớn và tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mặc dù hiện nay Trung Quốc đang chuyển dần các khoản đầu tư từ ngành công nghiệp nhẹ và ngành hàng tiêu dùng sang các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất, cũng như các lĩnh vực khác như cung cấp điện, khí đốt, nước sạch và bất động sản; nhưng hai nước vẫn có thể làm được nhiều hơn để cải thiện chất lượng các dự án nhận đầu tư Trung Quốc - vì lợi ích của tất cả mọi người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại