Theo một tuyên bố chung của hai công ty, tập đoàn mới có tên Raytheon Technologies Corporation sẽ được thành lập thông qua một thỏa thuận trao đổi cổ phiếu giữa Raytheon và United Technologies. Cuộc sáp nhập dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2020.
“Cuộc chuyển giao sẽ tạo ra một nhà cung cấp hệ thống hàng đầu, với những công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng những lĩnh vực phát triển nhanh trong trong ngành quốc phòng và hàng không”, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn tuyên bố cho biết.
Với cuộc sáp nhập này, Raytheon Technologies Corporation sẽ trở thành công ty hàng không lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Boeing.
Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 10/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan ngại về việc hai tập đoàn vũ khí này sáp nhập.
Raytheon vốn nổi tiếng là nhà sản xuất của hệ thống phòng không Patriot, giành được danh tiếng trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, và tên lửa hành trình Tomahawk, thường là loại vũ khí đầu tiên được phóng từ các tàu Hải quân Mỹ trong những cuộc xung đột gần đây.
Trong khi đó United Technologies (UTC) là một “người chơi” lớn trong ngành công nghiệp hàng không, với các động cơ Pratt and Whitney được sử dụng trong cả máy bay dân dụng và quân sự.
Lính Mỹ đứng gác bên cạnh một hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Ảnh: Reuters
Cuộc sáp nhập giữa UTC và Raytheon sẽ đưa hai công ty trở thành một tập đoàn duy nhất với các nhánh có nền tảng vững mạnh, mỗi nhánh đều đứng ở vị trí hàng đầu trong lĩnh vực của mình.
Theo tuyên bố chung nói trên, CEO của UTC là Gregory Hayes, kiến trúc sư của cuộc sáp nhập, sẽ đảm nhận vị trí CEO của tập đoàn mới, trong khi CEO của Raytheon là Thomas Kennedy sẽ giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hai năm sau khi cuộc sáp nhập hoàn tất, ông Hayes sẽ đảm nhận cả vị trí CEO và Chủ tịch.
Công ty mới nhiều khả năng sẽ tham gia cạnh tranh trong chương trình tên lửa siêu thanh mới của Bộ Quốc phòng Mỹ, đối mặt với đối thủ Lockheed Martin.
Ngoài ra, Raytheon Technologies Corporation cũng sẽ theo đuổi các hợp đồng trong lĩnh vực an ninh mạng quân sự, với thế mạnh là khoảng 16 hợp đồng đã giành được trong những thập niên gần đây.
Được biết, hầu hết doanh thu của Raytheon đều đến từ Lầu Năm góc và các cơ quan tình báo Mỹ. Nhưng sau cuộc sáp nhập, khoảng một nửa doanh thu sẽ đến từ hoạt động cung cấp các bộ phận và linh kiện cho thị trường hàng không thương mại.
https://baotintuc.vn/the-gioi/nha-san-xuat-ten-lua-tomahawk-sap-nhap-thanh-nguoi-khong-lo-quoc-phong-the-gioi-20190610115119221.htm