Nguy cơ vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng ở Ukraine lớn đến đâu?

Kiều Anh |

Giữa bối cảnh chiến sự Ukraine có những diễn biến khó lường với nhiều thay đổi, mối đe dọa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân một lần nữa được nêu ra, trong đó có các vũ khí chiến thuật.

Ảnh minh họa: Wikimedia Commons

Ảnh minh họa: Wikimedia Commons

Vũ khí hạt nhân chiến thuật mạnh như thế nào?

Các vũ khí hạt nhân chiến thuật một lần nữa làm nóng các cuộc tranh luận quốc tế khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moscow sẽ "sử dụng mọi phương tiện sẵn có" nếu sự thống nhất lãnh thổ của Nga bị đe dọa. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích cảnh báo hạt nhân của ông Putin trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hạ thấp mối đe dọa này khi nói rằng Tổng thống Nga "hiểu rõ một cuộc chiến tranh hạt nhân không nên xảy ra và không thể giành chiến thắng".

Các vũ khí hạt nhân chiến thuật, đôi khi còn được gọi là các vũ khí hạt nhân phi chiến lược được thiết kế để đối phó với số lượng lớn lực lượng theo quy ước, chẳng hạn như các đội hình bộ binh và thiết giáp. Chúng nhỏ hơn các vũ khí hạt nhân chiến lược – chẳng hạn như các đầu đạn đặt trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Các vũ khí hạt nhân chiến thuật có đương lượng nổ từ 1 - 50 kiloton trong khi các vũ khí hạt nhân chiến lược có đương lượng nổ từ 100 kiloton tới hơn 1 megaton. Các hệ thống mang vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có tầm bắn ngắn hơn, khoảng 500 km so với các vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được thiết kế để di chuyển xuyên lục địa.

Cụm từ vũ khí chiến thuật được sử dụng để phân biệt với những vũ khí hạt nhân chiến lược mà Mỹ, Liên Xô và các quốc gia sở hữu hạt nhân khác đặt trên các tên lửa liên lục địa hoặc từ các silo, tàu ngầm và phi đội máy bay ném bom. Trong khi các vũ khí hạt nhân chiến lược đều là mục tiêu của các hiệp ước kiểm soát vũ khí thì các vũ khí chiến thuật nhỏ hơn chưa bao giờ được quy định trong các hiệp ước.

Do các vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức mạnh không lớn hơn nhiều so với các vũ khí theo quy ước nên quân đội Mỹ đã giảm phụ thuộc vào chúng. Anh và Pháp đã loại bỏ hoàn toàn các kho vũ khí chiến thuật. Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên cũng chỉ có một vài loại vũ khí này.

Nga hiện giữ nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật hơn, ước tính khoảng 2.000 vũ khí và phụ thuộc chủ yếu vào chúng trong chiến lược hạt nhân của mình. Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được triển khai trên tàu chiến, máy bay và trên mặt đất. Hầu hết chúng được triển khai trên các tên lửa không đối đất, tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bom trọng lực, máy bay ném bom chiến thuật và ngư lôi chống hạm hoặc chống tàu ngầm. Nga cũng đã nâng cấp các hệ thống của mình để có thể mang cả vũ khí hạt nhân và vũ khí theo quy ước. Có một mối lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng kép của những hệ thống này bởi Nga đã sử dụng nhiều hệ thống tên lửa tầm ngắn, đặc biệt là Iskander-M ở Ukraine.

Câu hỏi căn bản lúc này là liệu các vũ khí hạt nhân chiến thuật có khả năng được sử dụng và điều đó có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến hạt nhân toàn diện hay không. Trong khi các vũ khí hạt nhân chiến lược dần mất đi giá trị như một công cụ răn đe thì về lý thuyết, các cường quốc hạt nhân có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cao hơn, do đó, các vũ khí này có vai trò tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của một quốc gia. Mỹ đã chỉ trích chiến lược leo thang để giảm leo thang của Nga mà theo đó các vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để ngăn chặn chiến tranh lan rộng.

Các vũ khí chiến thuật của Nga tương đối lớn, với đương lượng nổ tối thiểu là 10 kiloton, tương đương với 10.000 tấn thuốc nổ TNT. Sức mạnh của nó bằng 2/3 sức mạnh quả bom nguyên tử có đương lượng nổ 15 kiloton Mỹ thả xuống Hiroshima.

"Đó không phải là những vũ khí hạt nhân nhỏ", Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ nhận định.

"Điều này sẽ tồi tệ hơn bất kỳ điều gì chúng ta từng chứng kiến kể từ Hiroshima".

Dù vậy, nếu một đầu đạn đương lượng thấp được kích hoạt ở độ cao tương đối lớn thì điều đó sẽ giảm phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân, giúp hạn chế thương vong cho dân thường, Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho hay.

Đánh giá về nguy cơ sử dụng vũ khí chiến thuật ở Ukraine

Giữa bối cảnh chiến sự Ukraine có những diễn biến khó lường với nhiều thay đổi, mối đe dọa về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân một lần nữa được nêu ra, trong đó có các vũ khí chiến thuật.

Hiện nay phương Tây đang lo ngại Nga có thể sẽ sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật với đương lượng nổ thấp để thúc đẩy các mục tiêu của mình và ngăn chặn đà tiến công của Ukraine. Họ cho rằng kịch bản Nga sử dụng loại vũ khí này có thể rất khác nhau. Theo đó, Moscow có thể phóng một quả pháo từ lãnh thổ Ukraine hoặc một đầu đạn nặng nửa tấn từ biên giới của Nga. Các mục tiêu có thể là một căn cứ quân sự của Ukraine hoặc một thành phố nhỏ nào đó. Mức độ phá hủy cũng như mức độ phóng xạ sẽ phụ thuộc vào các nhân tố như kích cỡ của vũ khí và hướng gió. Dù vậy, giới quan sát cho rằng chỉ một vụ nổ hạt nhân nhỏ cũng có thể khiến hàng nghìn người chết và để lại một khu vực không thể sinh sống trong nhiều năm

Trong những tháng qua, các mô hình máy tính của Lầu Năm Góc, các cơ quan tình báo đã cố gắng tính toán điều gì sẽ xảy ra và Mỹ có thể phản ứng như thế nào trước kịch bản trên. Đây không phải là một công việc dễ dàng bởi các vũ khí hạt nhân chiến thuật có nhiều kích cỡ và biến thể khác nhau. Các mô hình cho ra kết quả khác nhau, phụ thuộc vào mục tiêu của Nga là một căn cứ quân sự xa xôi của Ukraine hay một thành phố nhỏ hoặc một vụ nổ "phô trương sức mạnh" trên Biển Đen.

Mặc dù kho vũ khí chiến thuật của Nga vẫn còn nhiều điều chưa được tiết lộ nhưng chúng có kích cỡ và sức mạnh khác nhau. Vũ khí mà châu Âu lo ngại nhất là đầu đạn hạng nặng lắp vào tên lửa Iskander-M có thể vươn tới các thành phố ở Tây Âu.

Nguy cơ vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng ở Ukraine lớn đến đâu? - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình Iskander-K tầm ngắn của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân phóng xa hàng trăm km. Ảnh: AP

Một câu hỏi mà giới quan sát phương Tây quan tâm lúc này là liệu Nga có thực sự sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không?

Tuần trước, Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định, "việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là một canh bạc lớn với những kết quả hạn chế và sẽ không giúp Moscow đạt được các mục tiêu đề ra của mình. Dù vậy, điện Kremlin có thể sẽ sử dụng tới vũ khí hạt nhân để đóng băng giao tranh nhằm củng cố các vị trí hiện tại và bảo vệ các thành quả đã đạt được". Ngay cả vậy, tổ chức nghiên cứu này kết luận, điều đó cũng sẽ cần tới "nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật".

Mỹ đã cảnh báo sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất kỳ động thái nào như trên, song không nêu cụ thể các biện pháp đáp trả. Ông Ben Hodges, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ ở châu Âu cho rằng, Mỹ sẽ không đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân nhưng sẽ phá hủy Hạm đội Biển Đen hoặc các căn cứ của Nga ở Crimea. Điều đó đồng nghĩa với một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ, làm tăng nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân giữa 2 quốc gia này.

Dù vậy, cho tới nay, Mỹ rất thận trọng để tránh xung đột trực tiếp với Nga.

"Khi vũ khí hạt nhân được sử dụng, thậm chí cả theo một cách thức hạn chế thì không có gì đảm bảo hai bên có thể kiểm soát việc sử dụng vũ khí hạt nhân và cũng không có gì đảm bảo nó sẽ không nhanh chóng leo thang thành một thảm họa hạt nhân toàn diện”, chuyên gia Kimball cho hay.

Một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán, nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Moscow có thể sẽ lựa chọn một mục tiêu quân sự ở Ukraine để tấn công phô trương sức mạnh.

Trong khi đó, ngày 2/10, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân "có khả năng cao không xảy ra”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại