Nguy cơ đụng độ gia tăng khi Trung - Ấn kéo thêm quân và vũ khí tới biên giới tranh chấp

Minh Thu |

Trước thềm cuộc họp bàn giải pháp hạ nhiệt căng thẳng, quân đội Trung - Ấn liên tiếp có động thái tăng cường binh sĩ và vũ khí tới biên giới tranh chấp.

Các tướng chỉ huy quân sự Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến tổ chức vòng đàm phán thứ 13 để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước vào giữa tháng 10. Tuy nhiên, trước thềm sự kiện, hai cường quốc hạt nhân láng giềng lại có động thái gấp rút tăng cường binh sĩ và vũ khí tới dọc đường biên giới chung dài 3.488 km.

Theo truyền thông Ấn Độ, New Delhi đã điều động thêm 50.000 binh sĩ tới khu vực Đường Kiểm soát thực tế (LAC) trên dãy Himalaya, nơi được xem là biên giới chia cắt lãnh thổ Trung - Ấn.

Nguy cơ đụng độ gia tăng khi Trung - Ấn kéo thêm quân và vũ khí tới biên giới tranh chấp - Ảnh 1.

Binh sĩ Trung Quốc tăng cường tập trận và được trang bị thêm nhiều vũ khí hiện đại. (Ảnh: 81.cn)

Các chiến đấu cơ Rafale của Pháp trang bị dàn tên lửa tầm xa cũng đã được huy động hỗ trợ binh sĩ hoạt động dưới mặt đất ở bang Ladakh. Trong khi đó, lực lượng dưới mặt đất của Ấn Độ được bổ sung thêm các pháo 105 mm và lựu pháo M777. Đáng nói, lựu pháo M777 có thể di chuyển qua lại các địa điểm khác nhau bằng trực thăng hạng nặng Chinook.

Chưa hết, quân đội Ấn Độ còn điều động hơn 100 khẩu pháo tự hành K9-Vajra. Phần lớn số pháo K9-Vajra này được tái điều động tới gần biên giới tranh chấp Trung - Ấn từ khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cũng đã tăng cường tiến hành các cuộc tập trận vào ban đêm và huy động thêm nhiều thiết bị quân sự tối tấn tới gần biên giới Himalaya bao gồm các hệ thống phóng rocket đa nòng tự hành PHL-11 122mm.

Hồi tuần trước, trong chuyến thăm tới thủ phủ Leh của bang Ladakh, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane đã nói với truyền thông địa phương rằng, quân đội Ấn Độ đang cho triển khai binh sĩ và vũ khí tương xứng với hoạt động tăng cường từ phía Trung Quốc, và "hoàn toàn có thể đối phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra".

Ông Naravane nhấn mạnh thêm, các cuộc thử nghiệm pháo tự hành K9-Vajra là "cực kỳ thành công".

Ấn Độ thay đổi chiến lược

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các cựu chỉ huy quân sự và chuyên gia nhận định, hoạt động triển khai như trên cho thấy Ấn Độ đang đổi hướng tiếp cận với Trung Quốc từ phòng thủ sang tấn công, bất chấp hai bên vẫn khẳng định cố tìm cách hạ nhiệt căng thẳng ở bang Ladakh nằm trên dãy Himalaya.

Hồi đầu năm nay, New Delhi và Bắc Kinh đã đồng thuận rút quân khỏi hai điểm nóng tranh chấp là hồ băng Pangong Tso vào tháng Hai và Gogra vào tháng Tám. Mục tiêu trong vòng đối thoại thứ 13 sắp tới của Ấn Độ là tìm kiếm sự đồng thuận từ phía Trung Quốc về việc hai bên rút lui khỏi khu vực Hot Springs.

"Đây là sự thay đổi cực lớn từ phía Ấn Độ", ông D.S. Hooda, một cựu tướng quân đội Ấn Độ nghỉ hưu cho hay.

Theo ông Hooda, những năm trước thời điểm 2020, chỉ một sư đoàn gồm khoảng 15.000 lính chiến đấu cùng 8.000 lính hỗ trợ gồm các kỹ sư, thành viên nhóm hậu cần và y tế được điều động tới vùng biên giới giáp với Trung Quốc. Do thời điểm đó, nhiệm vụ tấn công không được yêu cầu.

"Mọi chuyện đã thay đổi, kể từ sau khi Trung Quốc đơn phương có hành động cố tình thay đổi hiện trạng ở biên giới và dẫn tới vụ đụng độ giữa binh sĩ hai nước vào năm ngoái", ông Hooda nhấn mạnh.

Nguy cơ đụng độ gia tăng khi Trung - Ấn kéo thêm quân và vũ khí tới biên giới tranh chấp - Ảnh 4.

Kể từ tháng 5/2020, Trung - Ấn liên tiếp rơi vào cảnh căng thẳng ở vùng biên. Thậm chí, vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan vào ngày 15/6/2020 đã cướp đi sinh mạng của 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc. Trong năm nay, Trung - Ấn đã đồng thuận rút quân để hạ nhiệt căng thẳng và tránh nguy cơ đụng độ gây thương vong lớn.

Nhưng theo ông Gautam Bambawale, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc giai đoạn từ năm 2017 – 2018, hoạt động triển khai tăng cường binh sĩ và vũ khí gần đây của Trung - Ấn cho thấy "tình hình đang diễn biến nguy hiểm và có thể xuất hiện xung đột bất cứ lúc nào".

"Dường như Trung Quốc không muốn rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng hiện tại. Đây sẽ là vấn đề tồn tại lâu đài và Ấn Độ sẽ cần dùng mọi phương pháp khéo léo để đối phó", ông Bambawale nhận định.

Thời gian qua, Ấn Độ cũng đã cho công khai thông tin về hoạt động xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng ở vùng biên giới. Thậm chí, các nhà lãnh đạo Ấn Độ còn tham dự những buổi lễ khánh thành cầu đường nhằm giúp quá trình điều động quân diễn ra nhanh chóng.

Cụ thể, hàng trăm công nhân đang đào các đường hầm và xây cầu nối thung lũng Kashmir với bang Ladakh, nơi là đường biên giới chung giữa Trung Quốc và Pakistan. Một đường hầm dài 6,5 km đầu tiên trong dự án 4 đường hầm đã hoàn thành, theo AP. Các chuyên gia cho rằng, đường hầm sẽ hỗ trợ cho công tác hậu cần của quân đội Ấn Độ.

Ông Manoj Joshi tại tổ chức Observer Research Foundation ở Delhi cho hay, đội hình hai nhóm "tác chiến" của Ấn Độ với mỗi nhóm có từ 30.000 – 50.000 lính chiến đấu được điều động tới bang Arunachal Pradesh và Ladakh được xem là "tín hiệu nhằm chống lại một cuộc chiến phức tạp" với Trung Quốc ở biên giới.

Căng thẳng còn leo thang

Trả lời họp báo hồi tuần trước liên quan tới câu hỏi về việc Ấn Độ tăng cường thêm nhân sự ở LAC, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc New Delhi từ xưa đã theo đuổi "chính sách ngạo mạn" và vượt biên trái phép qua LAC để tiến vào lãnh thổ của Trung Quốc.

"Trung Quốc phản đối bất cứ cuộc đua vũ trang nào ở vùng biên giới đang xảy ra tranh chấp nhằm mục đích cạnh tranh quyền kiểm soát", bà Hoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phía giới chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ lại cho rằng chính Trung Quốc khơi mào đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở vùng biên giới tranh chấp và từ chối rút quân khỏi những điểm nóng khiến tình hình căng thẳng càng leo thang.

Ông Sushant Singh, Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Yale, cho biết căng thẳng Trung - Ấn là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược mà trong đó Bắc Kinh xem New Delhi là một phần trong chiến dịch của Washington.

Cũng theo ông Singh, hoạt động mở rộng của Bộ Tứ Kim Cương (Quad) gồm 4 nước thành viên là Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản càng khiến niềm tin giữa Trung - Ấn bị "xói mòn".

Theo ông Singh, hoạt động triển khai quân và vũ khí của Ấn Độ là nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang, nhưng chiến thuật này lại đang bị Trung Quốc nghi ngờ.

Còn theo ông Hooda, không bên nào muốn xảy ra xung đột, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy hai bên cần có thêm các biện pháp gây dựng lòng tin.

Ông Hooda cho hay, dường như tranh chấp biên giới Trung - Ấn sẽ còn "leo thang" trong tương lai, nhưng không tới mức xảy ra giao tranh bắn súng thường xuyên như giữa Ấn Độ và Pakistan.

"Rõ ràng cả hai bên cần rút quân khỏi các điểm nóng tranh chấp để tránh xung đột vũ trang và tránh tuần tra ở vùng đang tranh chấp. Tất cả là nhằm duy trì tình hình ổn định dọc LAC và tránh leo thang căng thẳng", ông Hooda kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại