Những phản ứng đó, hẳn nhiên có lý do. Và một trong những lý do quan trọng nhất xuất phát từ lòng tự trọng của người Việt.
Kể cả khi chứng minh được đoàn khách và đài truyền hình Hàn sai 100%, thì chúng ta cũng cần đặt câu hỏi: Những hòn đá ném chuột ấy có trúng chuột, hay còn làm vỡ cả rất nhiều bình quý?
Những điều tốt đẹp bị đánh cắp
Dịch bệnh như một cơn bão hiểm ác nhưng trung thực, để làm bật tung ra những góc tăm tối nhất trong tâm can sâu thẳm của mỗi con người, lộ rõ những điểm yếu cốt tử trong vận hành và tinh thần trách nhiệm của nhiều quốc gia, kể cả quốc gia giàu có, mạnh mẽ.
Trong hiệp 1 của dịch bệnh, những cường quốc về kinh tế, đã bị lấm lưng trắng bụng bởi một giống loài bé nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chứ chưa nói đến đường đi, sự tinh quái của nó: Virus.
Dịch bệnh đã biến những con người ngày thường mạnh mẽ, oai vệ, ăn to nói lớn, bỗng trở nên lo lắng, run rẩy, trong khi nhiều người khác thì hoảng loạn.
Gần như, chưa bao giờ, trong thời hiện đại, những người mắc bệnh, nghi nhiễm bệnh và cả những người khỏe mạnh, lại bơ vơ, tuyệt vọng trong chính ngôi nhà của mình, như ở Vũ Hán và nhiều thành phố khác.
Chưa bao giờ, những gương mặt người lại bị xua đuổi, ruồng bỏ ngay tại chính quê hương mình, giữa đồng loại mình, như thế.
Gần như chưa bao giờ, người dân ở những quốc gia có nền văn minh phương Tây lâu đời như Ukraina, bỗng trở nên tụt hậu văn minh, khi giận dữ biểu tình, ném đá đoàn xe chở đồng bào mình từ Vũ Hán trở về - dù chỉ là trở về khu cách ly.
Rất nhiều điều tốt đẹp đã bị đánh cắp trong dịch bệnh. Đáng buồn thay, kẻ đánh cắp không phải con virus corona, mà chính là kẻ ẩn nấp lâu nay trong bóng tối tâm hồn mỗi người. Bóng tối ấy càng dày thêm, đặc quánh giữa một thời thế đầy bất ổn, biến động, ích kỷ; giữa những xã hội đầy rẫy khẩu nghiệp, nghi kỵ, thị phi, bức xúc, mạt tâm, mạt đức...
6 điều quan trọng trước khi quyết định ném đá
Tuy nhiên, ở một chiều khác, dịch bệnh cũng giúp thắp lên những ngọn đuốc thật sự của lương tâm: Y bác sĩ xả thân cứu người, những sự tương trợ, đùm bọc, cưu mang nhau từ chiếc khẩu trang, lọ nước rửa tay đến miếng cơm manh áo. Chia sẻ, giải cứu, lương tâm là những từ vẫn được vang lên ngay giữa tâm chấn của bệnh dịch. Tận cùng sức đốt của ngọn lửa cam go, những thỏi vàng tình nghĩa vẫn biết sáng lên và toả ra nhiệt lượng tử tế.
Khi hiểu thấu cả hai mặt của vấn đề, chúng ta sẽ nhìn câu chuyện chê bai của đoàn khách Hàn Quốc, theo một góc nhìn khác.
Có 3 điều mà những người Hàn cần thấu hiểu:
Thứ nhất, sự thật luôn là điều cần phải tôn trọng. Người Hàn cần hiểu rõ việc "chống dịch như chống giặc". Chẳng có người lính nào đang đánh giặc trên chiến hào lại đòi được ngủ nghỉ như ở khách sạn 5 sao. Bệnh viện không phải là khách sạn 5 sao, đó là một sự thật. Sự thật thứ hai là nơi mà họ "chê bai" điều kiện vệ sinh tồi tàn, chính là nơi mà hàng ngày rất nhiều bệnh nhân Việt Nam vẫn đến khám và điều trị (theo GĐ bệnh viện thì đồ vệ sinh chỉ hơi cũ chứ không bẩn thỉu). Việc đối xử với các bệnh nhân bình đẳng như nhau, là việc làm không có gì sai trái.
Thứ hai, ngay cả khi cơ chế thị trường và ảnh hưởng của toàn cầu hoá đã tác động rất sâu vào lối sống, thì việc "nhịn miệng đãi khách" vẫn là một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đó chính là lý do mà những người Việt trên chuyến bay cùng 20 khách Hàn hôm ấy đã lên tiếng: Họ chẳng hề phàn nàn gì, dù phải cách ly ở nơi không đầy đủ tiện nghi bằng những người đồng cảnh ngộ mang quốc tịch Hàn.
Thứ ba, cho dù một hai cơ quan nào đó của Việt Nam có một vài sơ suất nào đó trong việc cảnh báo, giao tiếp, khi gấp gáp chuẩn bị cách ly, thì những sơ suất đó, không đại diện cho tinh thần chung của Nhà nước. Việt Nam phòng dịch quyết liệt, nhưng cũng rất hiếu khách và có ý thức giữ gìn bộ mặt với bạn bè quốc tế.
Ngược lại, có 3 điều khác mà người Việt cần thấu hiểu:
Thứ nhất, kể cả nhóm người Hàn Quốc có thái độ tiêu cực như thế nào đi chăng nữa, thì họ cũng chỉ là một thiểu số vô cùng nhỏ của xứ sở Kim Chi. Nếu đánh đồng thái độ của 20 người ấy với hơn 51 triệu người Hàn Quốc, sẽ là một cú ném chuột nhầm làm vỡ bình vô cùng tai hại.
Ngay cả khi 20 người đó có phát ngôn lệch lạc, họ cũng không phải là kẻ thù của người Việt. Không mến, không quý Việt Nam, họ đã không bỏ tiền tới đây du lịch. Kẻ thù thật sự của chúng ta, chính là sự thiếu tỉnh táo, thiếu bao dung trong mỗi con người.
Thứ hai, chúng ta đừng quên rằng, nhiều năm trở lại đây, rất nhiều người Hàn đã yêu quý Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Ở những tập đoàn lớn của Hàn, nhiều quan chức và nhân viên phải xếp hàng để được sang Việt Nam làm việc. Đã có hơn 150.000 người Hàn sinh sống tại đất nước hình chữ S. Lượng khách Hàn Quốc đến du lịch Việt Nam cũng đông thứ 2, chỉ sau Trung Quốc – đất nước có dân số gấp 28 lần dân số Hàn Quốc.
Năm 2019, Hàn Quốc là đất nước đứng số 1 trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Tính đến nay, đất nước Kim Chi đã đầu tư vào Việt Nam một con số khổng lồ: 66,6 tỉ đô la.
Thứ ba, chưa bao giờ Việt Nam và Hàn Quốc gần nhau đến như vậy, nhất là sau những chiến tích lừng lẫy của Park Hang Seo. Nhìn tỉ lệ người Hàn theo dõi những trận đấu của tuyển Việt Nam tăng lên không ngừng, hẳn hàng triệu người Việt đều có chút xúc động, tự hào. Người Việt trẻ ngày càng yêu nhạc Hàn, yêu phim Hàn, đồng cảm với văn hóa Hàn. Đó cũng là một sự thực.
Thế thì, tại sao lại vì quan điểm cá nhân của 20 người, mà người Việt lại cầm đá ném cả vào một đất nước bạn bè hữu hảo, một đất nước truyền cảm hứng về sự trỗi dậy thần kỳ như vậy?
Người Việt sẽ không sợ bất cứ đất nước nào, dân tộc nào, nếu…
Dịch bệnh, dù khốc liệt cỡ nào, cũng sẽ qua đi, và khi ấy chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta vẫn phải sống, phải gắn bó, phải dựa vào bạn bè trong một thế giới mà bất cứ quốc gia nào cũng không thể chống gậy đi một mình. Hãy tỉnh táo ngay từ hôm nay, để những chiếc bình quý không bị vỡ oan uổng. Người Việt có thể ném đá kẻ thù, chứ nhất quyết không ném đá bè bạn. Con virus quái ác không thể đánh cắp những bản tính tốt đẹp của người con Lạc cháu Hồng.
Có một thực tế khác không thể chối cãi là tâm lý bức xúc, chỉ trích, soi mói, thường hay xuất hiện ở những người yếu thế, có nhiều nỗi niềm, trong xã hội. Nhưng muốn thoát khỏi yếu thế, thì trong tư tưởng đã phải luôn ấn định mình đang lớn.
Một bài học tuyệt hay trong cuộc chiến chống dịch đã được bác sĩ Dư Xương Bình, người trên tuyến đầu chống dịch ở Vũ Hán, tổng kết "Corona chỉ bắt nạt được người yếu, sợ người mạnh".
Người Việt sẽ không sợ bất cứ đất nước nào, dân tộc nào, nếu Việt Nam hùng mạnh. Khi chúng ta hùng mạnh, tự khắc những soi moi, đố kỵ, bực dọc, ném đá người khác, sẽ giảm đi.
Người lớn thì không làm chuyện trẻ con, người muốn làm đại sự thường không chấp tiểu tiết, chính là như vậy.