Cuộc sống bi đát như phim của một người tị nạn Syria mắc kẹt ở sân bay Kuala Lumpur

Tất Đạt |

"Tôi muốn thoát khỏi bế tắc. Syria chắc chắn không phải là lựa chọn của tôi. Tôi không muốn giết ai, tôi cũng không muốn bị giết. Tôi ghét chiến tranh", một người tị nạn Syria nói.

Tình cảnh của người tị nạn

Một người đàn ông Syria đã dành nhiều tháng sống ở một góc sân bay Malaysia - ngủ dưới gầm cầu thang và tắm trong nhà vệ sinh - khi không giải quyết được nhiều thủ tục giấy tờ nhập cảnh.

Người đàn ông có tên Hassan al-Kontar, 36 tuổi, sợ bị bắt ở quê hương Syria sau khi từ chối nhập ngũ, và sân bay Kuala Lumpur đã trở thành "nhà" mới của anh trong 37 ngày vừa qua. Câu chuyện của anh khiến người ta liên tưởng đến bộ phim The Terminal với sự tham gia của tài tử Tom Hanks.

"Tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi muốn thoát khỏi bế tắc. Tôi cần một nơi an toàn để làm việc hợp pháp. Syria chắc chắn không phải là lựa chọn của tôi, kể cả tôi có phải ở lại đây [Malaysia] cả đời. Tôi không muốn giết ai, tôi cũng không muốn bị giết. Tôi ghét chiến tranh."

Trả lời The Guardian từ sau lớp kính ở hành lang sân bay, Kontar cho biết anh muốn rời khỏi sân bay. Để làm được điều đó, anh liên tục gửi email tới những tổ chức nhân đạo và đăng tải nhật kí video của mình lên Twitter.

"Đôi lúc bạn rất lo lắng về gia đình mình [và] rất nhiều áp lực tâm lí khác. Nhưng hầu hết thời gian, bạn sẽ phải tự giải quyết vấn đề của mình."

Nga, Syria lên án cảnh báo tấn công của Mỹ

Kontar không thể giặt sạch quần áo và thường phải tắm trong nhà vệ sinh cho những du khách khuyết tật. "Tôi thường tắm vào sau nửa đêm, khi đó không có ai cả."

Rắc rối gần đây nhất anh Kontar gặp phải là vào hồi tháng 2, khi anh bị hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ từ chối trong chuyến bay từ Kuala Lumpur tới Ecuador - nơi anh hi vọng có thể nhập cư mà không cần visa. Sau đó anh bị các lực lượng chức năng ở Campuchia và Malaysia từ chối nhập cảnh.

Trước đó, anh đã bị trục xuất khỏi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi anh từng làm việc trong ngành marketing và công nghệ năng lượng cho tới năm 2011. Khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, người đàn ông này đứng trước nguy cơ bị tước giấy phép lao động và bị trục xuất.

Mắc kẹt ở nước ngoài

Anh Kontar tới Malaysia vào tháng 1/2017, ở đó trong hơn 3 tháng theo diện miễn visa.

Bế tắc và không còn nhiều tiền, Kontar phải ăn đồ ăn đóng gói ở sân bay. Thỉnh thoảng, anh lại dành ít tiền tiết kiệm để ăn một bữa McDonald hoặc một ly cà phê được pha bởi những người lao công.

Từ khi những cuộc chiến nổ ra ở Trung Đông, nhiều người tị nạn Syria, Palestine đã bị mắc kẹt ở Kuala Lumpur, Bangkok và Istanbul.

Và Kontar cho biết, câu chuyện của anh là ví dụ điển hình cho những người đồng hương Syria đang tìm đường tị nạn ở nước ngoài nhưng bất thành.

"Đó không chỉ là vấn đề của tôi. Đó là vấn đề của hàng trăm người Syria cảm thấy mình bị ghét bỏ, bị từ chối, yếu đuối và cô đơn," anh Kontar cho biết.

Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền, kêu gọi chính quyền Malaysia cho phép cơ quan phụ trách vấn đề tị nạn của Liên Hợp Quốc được tiếp cận anh Kontar để điều tra kĩ lưỡng hơn về tình trạng tị nạn của anh này cũng như đảm bảo rằng người đàn ông này nhận được hỗ trợ nhân đạo và không bị các cán bộ nhập cư làm khó dễ.

"Chính quyền Malaysia nói rằng họ cảm thấy rất lo ngại cho số phận của những người dân Syria đang mắc kẹt trong cuộc nội chiến, và những trường hợp như công dân Hassan Kontar sẽ thể hiện liệu Malaysia có sẵn sàng hành động theo lời họ nói hay không," ông Robertson bình luận.

Phát ngôn viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) xác nhận đã tiếp cận trường hợp của anh Kontar nhưng chưa đưa ra chi tiết về vụ việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại