Năm 2008, tại sảnh một ngân hàng ở thành Trịnh Châu (Trung Quốc) xuất hiện người phụ nữ tóc ngắn có những hành động bất thường. Bất kỳ khách hàng nào bước vào ngân hàng sẽ đều bị cô cản lại và hét lớn cảnh báo: “Đây là ngân hàng lừa đảo, đừng đến đây gửi tiền”. Hành động của người phụ nữ khiến người dân xung quanh chú ý, nhiều người hiếu kỳ đến quay chụp.
Người phụ nữ này họ Vương, kinh doanh tại gia và có điều kiện kinh tế khá tốt. Năm đó con trai cô Vương lấy vợ nên cần mua nhà tân hôn, tốn khoảng 2 triệu NDT. Cô Vương quyết định rút số tiền tiết kiệm đã gửi tại ngân hàng từ năm 2005. Ngân hàng này vốn có danh tiếng khá tốt tại địa phương, ngày cô Vương đến gửi tiết kiệm được người quản lý tiếp đón nồng nhiệt nên cô đã tin tưởng gửi hàng trăm nghìn NDT tại đây.
Trong 3 năm tiếp theo, cô Vương tiếp tục gửi tiết kiệm tại đây, tổng cộng 2,3 triệu NDT (8 tỷ đồng). Người phụ nữ này đánh giá dịch vụ chăm sóc khách hàng ở đây khá tốt, các dịp lễ Tết cô đều được nhận quà vì là khách hàng thân thiết. Nghe lời tư vấn của người quản lý, cô Vương còn mua một số sản phẩm tài chính tại đây.
Thế nhưng đến khi cần rút tiền, cô Vương lại nhận được thông báo tài khoản chỉ còn 100 NDT (hơn 300.000 đồng). Điều này khiến người phụ nữ suy sụp, liên tục hỏi lại nhân viên xem có nhầm lẫn nào không. Câu trả lời cô Vương nhận được vẫn là số tiền tiết kiệm đã bị rút ra từ lâu, không có dấu hiệu cho thấy tài khoản của cô bị hack hay đánh cắp thông tin.
Cô Vương yêu cầu gặp giám đốc chi nhánh nhưng vài tuần trôi qua vẫn không thể hẹn gặp giám đốc và được ngân hàng giải quyết. Chính vì vậy cô mới đứng tại sảnh ngân hàng nhằm gây chú ý, kết quả bị bảo vệ yêu cầu rời đi. Cuối cùng, người phụ nữ này quyết định báo cảnh sát Trung Quốc. Sau khi thu thập sao kê thẻ và giám sát nội bộ, cảnh sát nhanh chóng xác định nghi phạm.
Người đã lấy cắp tiền của cô Vương không ai khác chính là người quản lý trực tiếp đón tiếp cô hơn 10 lần để nhận tiền gửi tiết kiệm trong 3 năm qua. Người này đã lợi dụng chức vụ của mình đăng nhập vào hệ thống ngân hàng để tắt tính năng thông báo biến động số dư về điện thoại của cô Vương, đồng thời nắm được số thẻ và mật khẩu tài khoản ngân hàng sau nhiều lần bí mật quan sát người phụ nữ này giao dịch.
Người này nhanh chóng bị cảnh sát địa phương bắt giữ và khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên toàn bộ số tiền 2,3 triệu NDT đã bị người quản lý tiêu hết vào cờ bạc nên không thể bồi thường cho cô Vương. Người phụ nữ này cho rằng ngân hàng cũng liên quan do không giám sát chặt chẽ nhân sự, làm mất tiền của khách hàng.
Tuy nhiên giám đốc ngân hàng cho biết họ không quan tâm đến vụ việc này do hành vi phạm tội của người quản lý là xuất phát từ mục đích cá nhân, bản thân cô Vương sơ suất vì tin tưởng người quản lý nên khi giao dịch đã không bảo mật thông tin cá nhân kỹ lưỡng. Người quản lý này cũng đã từ chức tại ngân hàng trước khi cô Vương tố cáo, vì vậy ngân hàng không liên quan đến vụ việc.
Không đồng tình với lời giải thích từ ngân hàng, cô Vương đã nhờ đến truyền thông địa phương đưa tin vụ việc. Cơ quan chức năng kết luận ngân hàng vẫn phải chịu một phần trách nhiệm do hành vi phạm tội của người quản lý diễn ra trong thời gian người này vẫn đang làm việc tại đây, đồng thời phải nhanh chóng khắc phục bảo mật hệ thống để tránh vụ việc tương tự xảy ra. Sau đó phía ngân hàng đồng ý hỗ trợ tiền để cô Vương có thể mua nhà cho con trai, trong khoảng thời gian chờ người quản lý bị xét xử và bồi thường thiệt hại.
(Theo Touitiao)