39 thi thể trong chiếc xe container tại Anh Quốc có thể nói là một sự kiện gây chấn động, không chỉ ở Anh mà còn với truyền thông của nhiều quốc gia trên thế giới. Toàn bộ các thi thể được cho là nạn nhân của một tổ chức buôn người, .
Ở thời điểm hiện tại đã có ít nhất 5 nghi phạm bị bắt giữ, trong đó tài xế Maurice "Mo" Robinson mới đây đã bị buộc tội là thành viên của một đường dây buôn người có quy mô toàn cầu trong phiên tòa ngày 28/10.
Container phát hiện 39 thi thể tại Essex, Anh Quốc.
Mọi chuyện như thế nào, chúng ta vẫn còn phải đợi các cơ quan chức năng làm rõ.
Nhưng ở đây có một điểm khiến nhiều người cảm thấy khá mâu thuẫn: Hầu hết nạn nhân trong các vụ việc tương tự (nhập cư trái phép) đều có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương, nhiều người còn được xếp vào diện "nghèo thảm thương".
Vấn đề nằm ở chỗ một "suất" trốn ra nước ngoài như thế chắc chắn không miễn phí, mà các nạn nhân sẽ phải trả một khoản tiền quy đổi ra tiền Việt có thể lên tới cả trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng.
Họ lấy đâu ra tiền để làm điều đó? Khi họ trả lời được câu hỏi ấy, cũng là lúc câu chuyện "nô lệ thời hiện đại" bắt đầu!
*Câu chuyện dưới đây dựa trên lời kể của Vladislav Antonov, một cựu quân nhân hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ kể lại, được đăng tải trên diễn đàn Quora.
Thời còn tại ngũ, Antonov từng tham gia giải cứu các nạn nhân trong đường dây buôn người quốc tế xuyên suốt từ Á sang Âu, nên có thể nói ông là người nắm rất rõ bản chất của vấn đề này.
Khi giấc mơ làm giàu nhuốm màu nợ nần và phạm pháp
Gia cảnh của những người nhập cư trái phép, về tổng thể họ thường đến từ các vùng quê nghèo, quanh năm giật gấu vá vai cũng chỉ đủ nuôi ăn qua ngày.
Giấc mơ của họ, dĩ nhiên, là làm sao để thoát nghèo, để đổi đời. Vậy nên khi có ai đó đưa cho họ một cơ hội làm giàu bằng cách ra nước ngoài làm việc, chẳng mấy người đủ tỉnh táo để từ chối.
Nhưng con đường ra nước ngoài đâu có dễ? Quốc gia nào cũng vậy, họ có những vấn đề của riêng mình, và một trong đó là tỉ lệ người thất nghiệp ngày càng tăng.
Trong nước chưa lo xong, dễ gì họ trao cơ hội cho lao động nước ngoài, lại còn là lao động phổ thông và thiếu trình độ?
Do vậy, con đường duy nhất để ra được nước ngoài là thông qua các tổ chức vận chuyển người chuyên nghiệp, hay còn gọi là các tổ chức "buôn người".
Nạn nhân của các tổ chức buôn người thường đến từ những vùng quê nghèo.
Và dĩ nhiên để những kẻ buôn người ra tay "giúp đỡ", họ sẽ phải mất một khoản phí.
Theo như lời kể của Antonov thì hồi năm 2009, mức giá để đi từ Đông Nam Á để đến một nước châu Âu như Slovakia (rồi chuyển tiếp đến Đức hoặc Anh Quốc) là hơn 20.000 USD.
Như bang "Đầu Rắn" - tổ chức buôn người xuyên lục địa khét tiếng của Trung Quốc - cũng thu của các nạn nhân tới 14.000 bảng Anh vào năm 2002 (khoảng 21.000 USD theo tỷ giá thời bấy giờ).
Những người nghèo, họ sẽ chẳng đời nào có được số tiền ấy. Bởi vậy, tất cả đều lựa chọn việc trả trước một khoản tiền nhỏ, và số còn lại dưới dạng một khoản vay do chính những kẻ buôn người cung cấp.
Họ chấp nhận như vậy bởi một lời hứa rằng khi sang đến trời Âu, họ sẽ được làm những công việc có mức thu nhập cao, đủ trả nợ chỉ sau 1 - 2 năm kèm theo một khoản tiền dư dả để gửi về giúp đỡ gia đình ở quê.
Chỉ có điều khi đã chấp nhận vay nợ, cũng là lúc họ dấn thân vào con đường "nô lệ thời hiện đại" mất rồi
Nô lệ thời hiện đại: cuộc sống ngục tù, bạo lực và những điều kiện "không dành cho con người"
Thông qua rất nhiều con đường đầy vất vả và rủi ro chết người - như trốn sau xe tải - những tổ chức buôn người chuyên nghiệp sẽ đưa các nạn nhân đến "miền đất hứa".
Nhưng họ sẽ nhanh chóng nhận ra thực tế khác xa những gì họ tưởng tượng - hay đúng hơn là khác với bức tranh do những kẻ buôn người vẽ lên lúc còn ở quê nhà.
Hộ chiếu và giấy tờ tùy thân bị thu lại, hoặc bị vứt bỏ từ trước. Ở nơi đất khách quê người, không tiền, không giấy tờ, không biết tiếng, những kẻ buôn người lúc này mới lộ nguyên hình.
Chúng bắt ép các nạn nhân phải làm việc để trả nợ, bằng không sẽ khó lòng bảo toàn tính mạng cho bản thân và gia đình ở quê.
Đàn ông khỏe mạnh sẽ bị ép làm việc ở công trường, làm ruộng, nhặt sò... đại khái là những công việc tay chân hết sức vất vả.
Còn phụ nữ, họ có thể bị bán vào các nhà chứa, làm gái làng chơi, hoặc phục vụ nhà hàng, làm nhân viên massage...
Điểm chung cho tất cả là điều kiện sinh sống và làm việc đều ở dưới mức tiêu chuẩn: hơn 20 người sống trong một căn phòng chật hẹp, ngột ngạt, hôi hám và lạnh lẽo.
Thu nhập có thể khá hơn so với lúc ở quê, nhưng nếu so với thu nhập tối thiểu ở các quốc gia châu Âu thì chẳng là gì.
Như trường hợp của Li Hua - nạn nhân người Trung Quốc của thảm họa nhập cư Morecambe năm 2004 tại Anh chỉ được trả 10 bảng mỗi ngày, trong khi thu nhập tối thiểu của người Anh lúc bấy giờ là hơn 60 bảng.
Những phụ nữ từ Ukraina là nạn nhân của tổ chức buôn người, chuẩn bị đưa sang Israel.
Hơn nữa, 50-80% thu nhập của các nạn nhân sẽ bị trừ thẳng vào tiền nợ, 10-15% là phí thuê phòng và phí "bảo kê".
Tính sơ sơ, họ sẽ phải mất từ 10 - 15 năm mới trả được hết nợ. Và đó là chưa tính đến những mánh khóe chặn tiền của chủ nuôi, khiến thực nhận của họ chẳng được là bao.
Vì là dân lao động "chui", chẳng có tổ chức nào nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ cả. Các nạn nhân vì thế có thể phải làm việc đến 14 tiếng mỗi ngày.
Một số người muốn trả nợ nhanh chóng thì buộc phải dấn thân vào con đường phạm pháp - như vận chuyển ma túy.
Có người thậm chí bị dồn ép đến mức phải bán con đi làm vợ người ta để giải thoát khỏi vòng xoáy nợ nần (mà vẫn không thể thoát).
Vòng xoáy không thể thoát ra
Tại sao những người này không bỏ trốn và trình báo cảnh sát? Lời giải đáp duy nhất cho câu hỏi này là: nỗi sợ!
Đầu tiên, những kẻ buôn người không dễ gì để các nạn nhân của chúng trốn thoát. Đội bảo kê của chúng thực chất chỉ tồn tại với mục đích ngăn điều này xảy ra bằng mọi giá: đe dọa, bạo lực, tra tấn, cưỡng hiếp...
Mà kể cả trong trường hợp trốn được, viễn cảnh cũng chưa chắc đã khá hơn.
Nếu không may những tên buôn người mua chuộc được quan chức địa phương, nạn nhân sẽ bị đưa trở lại tay những kẻ buôn người, và cái giá phải trả có thể là cả tính mạng, hoặc bị tra tấn như địa ngục.
Trường hợp khác, nếu như được đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng, tính mạng của nạn nhân có thể được đảm bảo. Tuy nhiên bi kịch nằm ở chỗ gia đình nạn nhân ở quê hương khó lòng được hưởng điều đó.
Các tổ chức buôn người thường là một đường dây kéo dài xuyên lục địa với trị giá lên đến hàng triệu đô, và khi ai đó dám đứng ra ngáng đường thì đoán xem, chuyện gì có thể xảy ra với gia đình họ?
Chính vì những nỗi sợ ấy mà trừ phi được giải cứu và cả đường dây bị triệt phá, các nạn nhân sẽ chẳng bao giờ dám đứng ra tố cáo.
Nô lệ hiện đại là một vấn nạn kinh khủng của toàn thế giới
Những gì được nêu trên đáng buồn thay không phải là chuyện hiếm gặp. Nó diễn ra ngay ở những quốc gia phát triển nhất - như Anh và Mỹ.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Lao động Thế giới ILO vào năm 2016, chúng ta có những con số khủng khiếp như sau:
- 40,3 triệu người đang trở thành nô lệ thời hiện đại trên toàn thế giới, trong đó có 10 triệu trẻ em.
- 30,4 triệu nô lệ đang phải lao động ở châu Á - Thái Bình Dương.
- 9,1 triệu nô lệ tại châu Phi.
- Châu Mỹ có 2,1 triệu người.
- 1,5 triệu người phải làm nô lệ ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển.
- 16 triệu nạn nhân bị bóc lột nặng nề trong các lĩnh vực kinh tế.
- 4,8 triệu nạn nhân bị lạm dụng tình dục.
- 99% nạn nhân buôn người bị lạm dụng tình dục là phụ nữ và trẻ em gái.
- 150 triệu USD là lợi nhuận mỗi năm của đường dây buôn người tại Mỹ.
Theo Antonov, những câu chuyện tương tự đang xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, là một vấn đề nghiêm trọng hơn những gì một người bình thường có thể tưởng tượng ra.
Xét cho cùng, căn nguyên mọi chuyện cũng chỉ đến từ cái nghèo, và giấc mơ thoát nghèo của một bộ phận người dân đã và đang bị những kẻ táng tận lương tâm lạm dụng.