Hiện nay, tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi để ''qua mắt'' cơ quan chức năng. Trong đó, nhiều đối tượng giả danh giáo viên chủ nhiệm và học sinh để lợi dụng lòng tin của các phụ huynh, nhằm lừa tiền và chiếm đoạt tài sản.
Mới đây tại Trung Quốc, một sự việc tương tự đã xảy ra với mẹ con chị Trương. Theo đó, sáng ngày 15/4, chị Trương nhận được lời mời kết bạn của con gái Tiểu Huệ trên ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc - QQ. Sau khi kết bạn với tài khoản của con gái, chị Trương được Tiểu Huệ cho biết đã đăng ký một khóa học thêm ở trên lớp và muốn mẹ kết bạn với tài khoản QQ của thầy Tống để thanh toán khoản học phí 26.000 NDT (khoảng 85 triệu đồng).
Nghe con gái nói vậy, chị Trương lập tức thêm tài khoản của thầy Tống vào QQ và chủ động liên lạc. Thầy Tống cho biết, thời hạn đăng ký khóa học sắp hết nên phụ huynh có thể chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, khóa học mà Tiểu Huệ muốn tham gia cần sử dụng máy tính và các thiết bị học tập khác. Để tránh trường hợp hư hỏng, các phụ huynh cần đặt cọc thêm 20.000 NDT (khoảng 65 triệu đồng), khi khóa học kết thúc sẽ được hoàn trả.
Vốn có điều kiện và là một người mẹ hết mực thương yêu con cái, khi thấy Tiểu Huệ yêu thích việc học, chị Trương vui mừng khôn xiết. Vì vậy, chị đã chuyển 46.000 NDT (khoảng 150 triệu đồng) vào số tài khoản ngân hàng mà thầy Tống cung cấp.
Khoảng 3 tiếng sau, chị Trương tiếp tục nhận được 1 tin nhắn khác từ con gái. Lần này, Tiểu Huệ cho biết muốn đăng ký thêm một khóa học vẽ tranh ngoài giờ khác cùng bạn, cần mẹ chuyển gấp 20.000 NDT khoảng 65 triệu đồng) sang cho thầy Tống. Lúc này, chị Trương bắt đầu nhận ra điều bất thường. Theo đó, các khóa học ngoài giờ tại trường của Tiểu Huệ chỉ diễn ra từ tháng 6, thời hạn đóng học phí ít nhất cũng kéo dài trong khoảng 1 tuần. Ngoài ra, mỗi khi thay đổi lịch học, các phụ huynh đều được giáo viên thông báo vào trong nhóm lớp hoặc tại buổi họp phụ huynh, chứ chưa bao giờ báo gấp như vậy.
Chị Trương không trả lời tin nhắn của Tiểu Huệ mà định gọi điện cho thầy Tống để hỏi thêm thông tin. Đúng lúc này, con gái Tiểu Huệ đi học về. Cô bé cho biết không hề nhắn tin bảo mẹ đóng tiền học, ngoài ra cũng không sử dụng phần mềm nhắn tin QQ. Nhận ra mình có thể đã bị lừa, chị Trương lập tức trình báo sự việc với cảnh sát địa phương.
Sau khi nhận được cảnh báo, Trung tâm Chống lừa đảo của văn phòng thành phố Tân Châu (Trung Quốc) đã lập tức điều tra và thành công bắt giữ 10 đối tượng giả danh giáo viên và học sinh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin được cảnh sát thành phố Tân Châu (Trung Quốc) cung cấp, những đối tượng này lợi dụng lòng tin và tâm lý coi trọng việc học của các bậc làm cha mẹ để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng sẽ giả danh giáo viên chủ nhiệm, gia sư hoặc con cái để yêu cầu các phụ huynh chuyển học phí vào một tài khoản ngân hàng.
Được biết, không chỉ chị Trương mà có rất nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố Tân Châu (Trung Quốc) cũng mắc phải ''bẫy lừa'' tinh vi của những đối tượng này. Nếu chị Trương không kịp thời báo cảnh sát thì số tiền mà 10 đối tượng này chiếm đoạt được có thể lên đến 5 tỷ đồng.
Sau sự việc, cảnh sát thành phố Tân Châu (Trung Quốc) liên tục cảnh báo người dân về các thủ đoạn giả danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu nhận được những cuộc gọi hay tin nhắn tương tự, người dân nên liên hệ ngay với các bên liên quan để xác minh thông tin trước khi tiến hành chuyển tiền, tránh tiếp tay cho những đối tượng xấu.
Theo Toutiao