Soichi Yokoi, sinh năm 1915 tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản. Ông trở thành thợ may trước khi nhập ngũ vào năm 1941. Yokoi phục vụ trong Sư đoàn Bộ binh 29 ở Mãn Châu, quốc gia bù nhìn được Nhật dựng lên từ vùng đất Mãn Châu của Trung Quốc.
Ông sau đó được luân chuyển tới Trung Đoàn và rồng rắn cùng các đồng đội hành quân tới đảo Guam năm 1943. Khi ở Guam, viên trung sĩ 28 tuổi được chỉ định phục vụ trong quân đoàn tiếp tế cho lực lượng hải quân Nhật Bản đồn trú tại đây.
Tháng 7/1944, lực lượng Mỹ trở lại hòn đảo, tham gia vào cuộc chiến đẫm máu để giành quyền kiểm soát đảo từ tay người Nhật. Trung đoàn của Yokoi bị tiêu diệt và bản thân Yokoi cũng được cho là hy sinh sau trận chiến ác liệt theo thông báo chính thức được chính phủ Nhật Bản đưa ra năm 1955.
Nhưng trên thực tế, Yokoi và một số đồng đội của mình đã chạy trốn vào rừng thay vì đầu hàng do không muốn chịu nỗi ô nhục khi bị bắt sống.
Trong vài tuần sau khi Nhật bại trận, binh lính Mỹ truy lùng khắp nơi những kẻ bại trận. Tới tháng 9/1944, quân đội Mỹ tìm thấy 5.000 lính Nhật lẩn trốn. Trong 3 thập kỷ tiếp theo, 114 lính Nhật ra đầu hàng. Khi đó, chỉ còn Yokoi và 2 đồng đội của mình là Shichi Mikio và Nakahata Satoshi nhất quyết bám trụ trong rừng.
Hành trình chống chọi hàng chục năm trước khi được tìm thấy của Yokoi cho tới nay vẫn được xem là minh chứng cho tinh thần thép, ý chí phi thường của những người lính Nhật.
Khi chạy trốn vào rừng, trên người Yokoi chỉ mang theo 1 khẩu súng với 60 viên đạn, 2 quả lựu đạn, 1 đèn pin, 1 cây kéo, ít gạo cùng 2 bộ quần áo.
Yokoi vẫn còn nhớ khi ông bắt đầu bỏ trốn, lính Mỹ chạy xe Jeep khắp đảo và hò hét kêu gọi lính Nhật ra đầu hàng. Nhưng ông và các đồng đội vẫn cố thủ và bàn tính chuyện cư ngụ ở đây lâu dài.
Ban đầu họ đào hầm dưới 1 bụi tre để làm nơi ăn, ngủ. Nơi ở có thể tạm bợ qua ngày nhưng thức ăn là vấn đề nan giải. Họ vào rừng hái măng, rau rừng ăn qua bữa. Khi thấy không trụ vững, 3 tháng sau, họ tìm kiếm nơi ở mới. Mikio và Satoshi chuyển tới sống ở khu vực gần một con sông vì tin rằng nơi có nguồn thức ăn dồi dào hơn trong khi Yokoi một mình chuyển tới 1 cái hang trên sườn núi. 3 người thống nhất hạn chế tiếp xúc để tránh bị phát hiện.
Nơi ở mới của Yokoi cao khoảng 3m, rộng hơn 2m, cao 2m, phần vách được làm bằng thân tre được đập dập. Ông thậm chí còn dựng cả một nhà vệ sinh bên trong hang.
Một số vật dụng ông Yokoi tự đan lát. (Ảnh: Guampedia)
Với kinh nghiệm học may trước khi nhập ngũ, Yokoi dùng vỏ cây để dệt thành vải rồi may chúng thành quần áo để mặc. Ông cũng thu lượm những thứ còn dùng được trong đống đổ nát của chiến tranh để làm thành giày. Những ngày tháng tiếp theo, ông sáng tạo hơn khi dùng da cóc khô để vá làm quần áo và dùng sợi thực vật để dệt thành dép.
2 người đồng đội là mối liên hệ với con người duy nhất của Yokoi cho tới khoảng 8 năm trước khi ông bị bắt lại. Họ chết trong một trận lũ lụt và được Yokoi chôn cất trong hang động.
Cuộc sống những ngày tháng tiếp theo trở nên khó khăn hơn với Yokoi khi ông không còn người để bầu bạn. Ông vẫn duy trì cuộc sống bằng cách đánh bắt tôm, cá, bẫy chuột, cóc, lợn rừng, hái dừa và đu đủ rừng. Yokoi tắm thường xuyên, tránh xa côn trùng, chỉ di chuyển vào ban đêm khi bóng tối đã bao phủ để tránh bị phát hiện.
Cuộc sống dài đằng đẵng không biết tới ngày mai đó chấm dứt vào tháng 1/1972 sau khi 2 người dân bản địa phát hiện ra Yokoi ở gần một con sông nhỏ. Yokoi quá hoảng sợ và lấy khẩu súng mang theo bên người nhiều năm để chống trả nhưng sức khỏe suy yếu khiến 2 người đàn ông nhanh chóng khống chế được ông.
Những người tìm thấy Yokoi mô tả cái hang mà ông sinh sống chứa đủ thứ từ dụng cụ thủ công, thức ăn, hộp đựng nước cho tới những chiếc bẫy thủ công. Ngoài ra còn có 2 quả lựu đạn, 1 quả đạn pháo và khẩu súng trường rỉ sét vô dụng. Quần áo của Yokoi khi đó được làm bằng bao tải cũ, sợi dừa được khâu lại với nhau bằng kim thủ công. Các nút của bộ đồ được làm từ nhựa bỏ đi.
2 tuần sau khi được tìm thấy, Yokoi được đưa về Nhật Bản vào tháng 2/1972 và được chào đón như một người hùng. Nhưng sự đón nhận nồng nhiệt với một người không tiếp xúc với thế giới bên ngoài hàng chục năm như Yokoi khiến ông bị ngợp.
Khi Yokoi tới Tokyo, ông hoang mang và nói không nên lời khi bị truyền thông săn lùng. Những câu nói đầu tiên khi đó của viên trung sĩ Nhật thậm chí còn được phát sóng trên truyền hình toàn quốc.
Đường dẫn xuống căn hầm của Yokoi.
"Tôi cảm thấy bối rối khi trở lại", Yokoi nói.
Nhờ lại khoảng thời gian sống cuộc đời của Robinson trên cạn, Yokoi chia sẻ điều duy nhất mang lại cho ông sức mạnh và ý chí sinh tồn là niềm tin vào bản thân và ý chí của một người lính Nhật thôi thúc ông phải sống tiếp.
Tháng 11/1972, Yokoi kết hôn và chuyển về sống tại thành phố quê hương Nagoya. Sự nổi tiếng của Yokoi vẫn không hề sụt giảm. Ông được mời tới các buổi phỏng vấn, các buổi thuyết trình tại các trường học trên khắp Nhật Bản và trở thành một bình luận viên trên các chương trình truyền hình hút khách vì các câu chuyện sinh tồn.
2 năm sau khi trở về, ông chắp bút cho cuốn tự truyện cực kỳ ăn khách. Năm 1974, ông thậm chí còn chạy đua cho một vị trí trong Thượng viện Nhật nhưng bất thành.
Khi già đi, Yokoi hoài niệm những năm tháng chống chọi, vật lộn sinh tồn ở Guam. Ông trở lại hòn đảo này nhiều lần trước khi qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 9/1997 ở tuổi tuổi 82.
Một số vật dụng gắn liền với cuộc sống của viên trung sĩ Nhật cho tới nay vẫn được trưng bày tại một bảo tàng nhỏ ở Guam. Căn hầm nơi Yokoi từng sống trong gần 30 năm cũng trở thành một điểm thăm quan nổi tiếng với các du khách.