Người hiện đại có khác người cổ đại không?

Lê Phương |

DNA có thể nắm giữ những manh mối quan trọng nhất về điều làm nên sự khác biệt giữa con người hiện đại và tổ tiên trước đây của chúng ta.

Một bộ xương người Neanderthal được tái tạo (bên phải) và một bộ xương người hiện đại trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York vào ngày 8 tháng 1 năm 2003. Ảnh: AP

Một bộ xương người Neanderthal được tái tạo (bên phải) và một bộ xương người hiện đại trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York vào ngày 8 tháng 1 năm 2003. Ảnh: AP

Mới đây, các nhà khoa học đã phát minh ra một công cụ mới cho phép so sánh chính xác hơn giữa DNA người hiện đại và DNA người cổ đại đã tuyệt chủng.

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Science Advances, chỉ có 7% bộ gen của chúng ta là khác biệt và không giống như bộ gen từ tổ tiên của chúng ta.

Nathan Schaefer, một nhà sinh học máy tính của Đại học California và là đồng tác giả của bài báo mới cho biết: "Đây là một tỷ lệ khá nhỏ. Phát hiện này góp phần khiến các nhà khoa học tin rằng con người chúng ta không khác biệt nhiều so với người Neanderthal."

Nghiên cứu dựa trên DNA chiết xuất từ di tích hóa thạch của người Neanderthal và người Denisovan hiện đã tuyệt chủng có niên đại khoảng 40.000 hoặc 50.000 năm trước, so sánh với 279 người hiện đại trên khắp thế giới.

Các nhà khoa học đã biết rằng người hiện đại chia sẻ một số DNA với người Neanderthal, nhưng những người khác nhau chia sẻ các phần khác nhau của bộ gen. Mục tiêu của nghiên cứu mới là xác định các gen của riêng con người hiện đại.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng một phần nhỏ hơn trong bộ gen của chúng ta - chỉ 1,5% - chỉ có ở người hiện đại và gần như tất cả mọi người chúng ta đều sở hữu phần gen này. Những đoạn DNA đó có thể nắm giữ manh mối quan trọng nhất về những gì thực sự phân biệt con người hiện đại.

Richard Green, đồng tác giả của bài báo, cho biết: "Chúng ta có thể nói rằng những vùng này của bộ gen rất phong phú và chúng liên quan đến sự phát triển thần kinh và chức năng não."

Năm 2010, Green đã giúp tạo ra chuỗi phác thảo đầu tiên của bộ gen người Neanderthal. Bốn năm sau, nhà di truyền học Joshua Akey, đồng tác giả một bài báo, cho thấy con người hiện đại mang một số tàn dư của DNA Neanderthal.

Kể từ đó, các nhà khoa học đã tiếp tục hoàn thiện các kỹ thuật để chiết xuất và phân tích dữ liệu di truyền từ hóa thạch.

Akey, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết: "Các công cụ này cho phép chúng ta tìm hiểu những câu hỏi chi tiết hơn về lịch sử và sự tiến hóa của loài người." Ông ca ngợi phương pháp luận của nghiên cứu mới.

Tuy nhiên, Alan Templeton, một nhà di truyền học tại Đại học Washington ở St Louis, đã đặt câu hỏi rằng liệu những thay đổi trong bộ gen người được phân bố ngẫu nhiên hay tập trung xung quanh một số điểm nóng nhất định trong bộ gen.

"Các phát hiện nhấn mạnh rằng chúng ta thực sự là một loài rất trẻ," Akey nói. "Chỉ mới đây thôi, chúng ta vẫn còn chia sẻ hành tinh với những nhánh khác của loài người."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại