Ngoại giao phong cách S-400: Vì sao Nga dùng vũ khí “xịn” đi "dọa" từ Syria đến Crimea?

Quốc Vinh |

Bất kể nơi đâu gặp vấn đề, S-400 sẽ là giải pháp giúp Nga răn đe tất cả các đối thủ. Hệ thống phòng không của Nga đang trở thành công cụ ngoại giao hiệu quả từ Syria đến Crimea.

Trong sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng ở eo biển Kerch với Ukraine, Moscow vừa tuyên bố sẽ triển khai hệ thống phòng không S-400 tới Crimea. Theo bộ Quốc phòng Nga , tổ hợp S-400 sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Tờ Jerusalem Post nhận định, việc triển khai này là minh chứng cho thấy Nga đang sử dụng S-400 trong vai trò một công cụ ngoại giao quân sự để tạo ra khối ảnh hưởng kéo dài từ Damascus đến Crimea.

RIA Novosti dẫn lời Vadim Astafyev, người đứng đầu dịch vụ báo chí của Quân khu Nam cho biết, việc triển khai hệ thống phòng thủ được đưa ra sau sự kiện dẫn tới căng thẳng gia tăng giữa Ukraine và Nga.

Trước đó hôm 25/11, các tàu hải quân Ukraine đã cố gắng tiến vào biển Azov thông qua eo biển Kerch và có cuộc đụng độ với lực lượng bảo vệ bờ biển của Nga. Ukraine mặc dù giáp biển Azov nhưng vẫn phải đưa tàu thuyền qua eo biển Kerch thuộc bán đảo Crimea, nơi Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Việc đưa tàu thuyền qua eo biển Kerch đang gây tranh cãi vì Ukraine khẳng định họ có quyền tự do đi lại vào biển Azov trong khi Nga cho biết nước này có quyền dừng lại và kiểm tra các tàu tiến vào vùng lãnh hải của mình.

Động thái cứng rắn của Nga đã làm rung chuyển vùng eo biển và ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ NATO và EU.

Theo Jerusalem Post, sự tăng cường quân sự của Nga tại Crimea với tổ hợp phòng không tiên tiến S-400 sẽ là một thông điệp gửi cho Ukraine và phương Tây, trong đó nhấn mạnh sự nghiêm túc của mình ở khu vực này.

Theo giới phân tích việc triển khai S-400 có thể được coi là một phần ngoại giao quân sự của Nga. Hiện tại, Moscow đang bán S-400 cho nước ngoài và đã ký hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, tổ hợp phòng không này cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các quốc gia như Qatar, Saudi Arabia, Algeria, Ai Cập, Iraq và Morocco. Với việc một số quốc gia trong số này là đồng minh của Mỹ, Moscow đang muốn thể hiện một thông điệp sâu sắc hơn khi coi S-400 là biểu tượng sức mạnh quân sự của đất nước.

Ngoại giao phong cách S-400: Vì sao Nga dùng vũ khí “xịn” đi dọa từ Syria đến Crimea? - Ảnh 1.

S-400 sẽ là đòn răn đe khiến Ukraine không thể nghĩ đến những động thái nghiêm trọng hơn.

Càng nhiều S-400 được đưa tới mọi nơi trên thế giới sẽ càng thể hiện sức mạnh của Nga và điều này cũng đồng nghĩa với việc có càng nhiều quốc gia sẽ tìm đến Moscow như một người bảo lãnh an ninh đáng tin cậy đối với họ.

Đó là lý do tại sao mỗi khi có sự vụ đặc biệt, truyền thông Nga liên tiếp có những bài viết đề cao hệ thống phòng thủ "độc đáo" này.

Ví dụ dễ nhận thấy nhất là việc hệ thống S-400 vốn đã được thiết lập để bảo vệ căn cứ không quân Khmeimim ở Syria từ lâu. Ngoài ra, trong một động thái gây chấn động cả Trung Đông gần đây, Moscow cũng quyết định chuyển giao hệ thống tiền nhiệm S-300 cho Syria vào tháng 10 sau sự cố trinh sát cơ nước này bị bắn rơi.

Các nhà ngoại giao Nga tuyên bố gửi S-300 tới Syria sẽ làm cho khu vực này trở nên "ổn định hơn". Nhưng phương tiện truyền thông Nga còn đi kèm vào đó nhiều tuyên bố khác, trong đó không quên nhấn mạnh đây là một "thông điệp được gửi tới cả Mỹ và Israel".

Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy "ngoại giao S-400" đang phát huy hiệu quả là mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nhiều năm xung đột Syria, mối quan hệ giữa Moscow và Ankara đã trở nên băng giá do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập chống lại chính quyền Damascus.

Nhưng sau đó mọi thứ bắt đầu ấm áp trở lại khi Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã kề vai sát cánh trong một khuôn khổ hướng tới hòa bình ở quốc gia Trung Đông.

Hơn bao giờ hết, Nga coi đây là cơ hội để lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Mỹ và NATO. Theo nguồn tin mới nhất của hãng thông tấn TASS hôm 22/11, Ankara đang rất háo hức trong việc tiếp nhận lô hàng S-400 đầu tiên.

Bất chấp những phản ứng từ phía Mỹ về thương vụ, cùng với lời chào hàng hệ thống Patriot, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố chắc nịch rằng, họ không bao giờ muốn bó hẹp mình vào một lựa chọn duy nhất.

Cho đến nay, chính sách ngoại giao quân sự S-400 của Nga đã hoạt động. Trên thực tế, S-400 đang phát huy vai trò đúng nghĩa là ngoại giao vì hệ thống này chưa hề được sử dụng trong một kịch bản chiến tranh nào. Hay nói một cách rõ ràng hơn, vũ khí này đang được thiết kế để ngăn chặn mọi nguy cơ chiến tranh xảy ra.

Tại Syria, Nga đang hy vọng việc triển khai S-300 sẽ làm giảm căng thẳng trong cuộc đối đầu Iran-Israel. Tại Crimea, theo suy tính của Moscow, hệ thống có thể răn đe bất kỳ toan tính nào của Ukraine trong việc lợi dụng đụng độ eo biển Kerch để dẫn tới một điều gì đó nghiêm trọng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại