Okinawa, một quần đảo cận nhiệt đới của Nhật Bản, là nơi tập trung nhiều người sống thọ. Nhiều người ở Okinawa có thể sống độc lập cho đến năm 97 tuổi. Họ không bị xơ vữa và vôi hóa động mạch vành như thường thấy ở độ tuổi này.
Đặc biệt, người cao tuổi ở Okinawa có tỉ lệ mắc ung thư, tiểu đường và mất trí nhớ thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Các nhà khoa học tin rằng lý do chính của những khác biệt này là ở chế độ ăn uống đặc biệt của người Okinawa.
Một trong những đặc điểm của chế độ ăn Okinawa là chủ yếu tiêu thụ carbohydrate có chỉ số GI thấp như khoai lang. Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu phân tích tổng hợp, được xuất bản trong Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, đã xem xét tác dụng của các chế độ ăn uống lành mạnh, trong đó có chế độ ăn Okinawa của Nhật.
Nghiên cứu cho biết, mặc dù nhiều chế độ ăn giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính do tuổi tác như chế độ ăn Địa Trung Hải truyền thống, nhưng trọng tâm của nghiên cứu này sẽ khám phá chế độ ăn Okinawa.
Chế độ ăn Okinawa gồm các loại rau củ - chủ yếu là khoai lang, rau lá màu xanh và vàng, thực phẩm làm từ đậu tương và cây thuốc. Đây là chế độ ăn nổi tiếng với tác dụng giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính do tuổi tác, đặc biệt là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tiêu thụ chất béo lành mạnh rất có thể là một trong những cơ chế giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, tuy nhiên, các cơ chế khác như lượng dưỡng chất thực vật phytochemical cao, lượng chất chống oxy hóa cao, lượng đường huyết thấp và kết quả là giảm căng thẳng oxy hóa cũng có thể đóng một vai trò trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến tuổi tác khác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoai lang là “loại rau củ tốt nhất” trong tất cả các loại rau củ.
Hiệp hội Ung thư Mỹ, Hiệp hội Tim mạch Mỹ và các tổ chức khác xác nhận: “Khoai lang - nhờ các đặc tính dinh dưỡng của nó, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính như ung thư hoặc bệnh tim mạch”.
Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra khoai lang có tác dụng làm giảm mức cholesterol, gồm cả cholesterol toàn phần và cholesterol xấu - ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. Đặc biệt, khoai lang, kể cả lá, đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm đáng kể.
Là một nguồn tuyệt vời của vitamin A chống oxy hóa - chủ yếu ở dạng beta-carotene, nguồn phong phú vitamin C, E chống oxy hóa và các dưỡng chất thực vật phytochemical chống viêm khác. Khoai lang là nguồn thực phẩm mạnh mẽ chống lại các gốc tự do. Vitamin E cũng chống viêm, tình trạng viêm thường dẫn đến các bệnh mãn tính liên quan đến tuổi tác như xơ vữa động mạch, ung thư và bệnh tiểu đường loại 2.
Ngoài ra, chất xơ trong khoai lang giúp cải thiện lượng đường trong máu, mức độ lipid và insulin ở bệnh nhân bị đái tháo đường. Kali trong khoai lang giúp hạ huyết áp; giúp điều hòa tiêu hóa và chống táo bón. Chất sắt trong khoai lang có thể giúp tăng cường khả năng sinh sản ở phụ nữ cũng như vitamin A là chất thiết yếu trong quá trình mang thai, tạo sữa cho bà mẹ và tổng hợp các hormone. Hai vitamin A và C trong khoai lang giúp tăng cường khả năng hoạt động của hệ miễn dịch. Nhờ vào các vitamin A, C và E, khoai lang giúp bảo vệ mắt trước nguy cơ thoái hóa do tuổi già.
Thêm vào đó, chất choline chứa trong khoai lang có tác dụng kháng viêm, giúp ngủ ngon; tăng cường sự vận động của cơ, khả năng học tập và ghi nhớ, đồng thời giúp duy trì cấu trúc màng tế bào, giúp cho sự dẫn truyền các xung thần kinh.
Chính vì thế loại củ này hoàn toàn phù hợp để thêm vào chế độ ăn thường ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 2 thời điểm tốt nhất trong ngày để ăn khoai lang là:
- Buổi sáng: Thay vì ăn sáng bằng xôi, bún, phở… Các bạn có thể thay thế bằng một củ khoai lang để bổ sung năng lượng cho ngày mới, giúp làm đẹp da và ngăn ngừa ung thư, tim mạch, đột quỵ…
- Buổi trưa: Ăn khoai lang vào buổi trưa được cho là tốt nhất trong ngày. Nguyên nhân là bởi sau khi ăn, canxi trong khoai lang cần phải mất 4-5 giờ mới hấp thụ vào trong cơ thể. Trong khi đó, khung giờ 14-15 giờ lại có ánh nắng mặt trời tác động lớn đến quá trình hấp thụ canxi, cho nên việc ăn khoai lang vào tầm giờ trưa 10-12 giờ trưa là hoàn toàn phù hợp.