Chúng được trang bị Tên lửa đa năng hạng nhẹ (LMUR) hay còn gọi là Izdeliye 305. Tên lửa độ chính xác cao này được lắp đặt trên bệ phóng đôi APU-L.
Nguồn gốc của Mi-28
Năm 1976 chính phủ Liên Xô đặt hàng một loại trực thăng chiến đấu thế hệ mới để thay thế cho những chiếc Mi-24 Hind lỗi thời. Hai loại máy bay trực thăng đã được phát triển để đáp ứng yêu cầu này gồm: Mi-28 và Ka-50 (loại 1 chỗ ngồi). Trong nhiều năm, hai dòng máy bay này đã cạnh tranh để nhận được đơn đặt hàng của Liên Xô, sau đó là Nga. Đến cuối những năm 2000, chúng đều được đưa vào sản xuất đại trà và hiện nay có các phiên bản cải tiến có khả năng hoạt động ban đêm phục vụ trong quân đội là: Mi-28N và Ka-52 (loại 2 chỗ ngồi).
Trực thăng tấn công Mi-28NM nâng cấp của Nga. Ảnh: TASS
Mi-28N (mã định danh phương Tây Havoc-B), do tập đoàn Rostvertol tại Rostov-on-Don sản xuất. Rostvertol cũng là nhà sản xuất máy bay vận tải chiến đấu Mi-35M Hind và máy bay trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26 Halo. Những chiếc trực thăng Mi-28N đầu tiên được biên chế cho Lực lượng Không quân Nga tiếp nhận vào ngày 22/1/2008 và sau đó chuyển tới Trung tâm Chuyển đổi Phi hành đoàn và Huấn luyện Chiến đấu 344 ở Torzhok.
Tính đến đầu năm 2023, Lực lượng Hàng không Lục quân Nga có 110 chiếc Mi-28, tính cả những chiếc bị mất trong cuộc xung đột với Ukraine. Mi-28N là phiên bản phổ biến nhất đang phục vụ trong lực lượng này, ngoài ra còn có một phiên bản khác Mi-28UB được trang bị radar N025.
Quá trình hiện đại hóa
Mi-28NM là phiên bản nâng cấp của dòng trực thăng tấn công Mi-28N. Mi-28NM thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2016 và đã trải qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước trong nhiều năm qua. Vào tháng 6/ 2019, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã ký hợp đồng đặt hàng mua 98 máy bay phiên bản Mi-28NM. Thời gian tiếp nhận kéo dài từ năm 2020 đến 2027.
So với phiên bản Mi-28N, trực thăng Mi-28NM được nâng cấp nhiều bộ phận và hệ thống khác nhau, cũng như trang bị thêm các loại vũ khí mới. Tất cả các biện pháp này nhằm cải thiện đặc tính kỹ thuật, gia tăng sự cơ động, linh hoạt trong chiến đấu. Nhà sản xuất đã lắp đặt hệ thống radar BRLK-28 có một radar N025M gắn trên trụ cánh quạt, tháp pháo OPS-28M Tor-M và tháp pháo SMS-550. Cả 2 thành viên của phi hành đoàn đều được cung cấp kính hiển thị gắn trên mũ bảo hiểm NSTsI-V.
Radar N025M do tập đoàn GRPZ tại Ryazan chế tạo, hoạt động ở băng tần Ka, X và L. Nếu như ở băng tần Ka và X, radar có thể lập bản đồ, phát hiện và đánh dấu mục tiêu trên màn hình hiển thị, cùng nhiều chức năng phân tích thời tiết, thì với băng tần L, nó được dùng để nhận diện bạn hay thù. Radar N025M sẽ cung cấp tọa độ mục tiêu chính xác cho tháp pháo OPS-28M.
Mi-28NM có hệ thống phòng thủ L370V28 Vitebsk kết hợp với cảm biến tia cực tím L370-2, hệ thống đối phó hồng ngoại có hướng (DIRCM) L370V28-5L.
Mi-28NM cũng được tích hợp bộ liên lạc mới KSS-28NM, cho phép nó hoạt động tương thích với hệ thống chỉ huy hàng không của quân đội. Trực thăng tấn công hạng nặng Mi-28NM có thể mang theo nhiều loại vũ khí, trong đó có tên lửa đa năng thế hệ mới và nhiều loại bom khác nhau. Trực thăng có thể tấn công các mục tiêu cố định và di động trong bán kính 810 km.
Thử lửa trong nhiều cuộc xung đột
Nga từng triển khai trực thăng Mi-28N tham chiến tại Syria vào tháng 3/2016 và đã mất ít nhất 2 chiếc trên chiến trường Syria. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Moscow cũng điều trực thăng Mi-28N và Mi-28UB tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mặc dù tần suất sử dụng những trực thăng này ít hơn so với trực thăng "Cá sấu" Ka-52. Trực thăng Mi-28 của Nga thường được trang bị tên lửa không dẫn đường cỡ 80mm và 122mm. Đôi khi chúng mang theo 4 tên lửa chống tăng 9M120 Ataka.
Phiên bản mới nhất Mi-28NM lần đầu tiên được cho là xuất hiện trong cuộc xung đột vào ngày 15/10/2022. Hình ảnh đăng tải trên Telegram cho thấy, tên lửa mang theo bệ phóng B13L1, mang 5 quả rocket 122mm không dẫn đường. Nhiều khả năng, những chiếc Mi-28NM đang hoạt động ở Ukraine.
Tiếp đến ngày 14/1/2023, kênh Fighterbomber đã công bố một đoạn video được quay từ buồng lái của phi công Mi-28NM đang thực hiện nhiệm vụ phóng tên lửa LMUR. Trong video, 2 chiếc trực thăng Mi-28NM đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và chúng được trực thăng chiến đấu Mi-8 Hip tháp tùng.
Sau vụ phóng, Mi-28NM không đổi hướng ngay lập tức hoặc phóng pháo sáng để đánh lừa đối phương – hoạt động mà chúng thường thực hiện khi chiến đấu. Điều đó cho thấy, tên lửa được phóng từ khoảng cách rất xa, nằm ngoài phạm vi phòng không của Ukraine.
LMUR là tên lửa dẫn đường đa năng hạng nhẹ, được biết đến với tên gọi izdeliye 305. Tên lửa này được thử nghiệm phóng lần đầu trên Mi-28NM vào năm 2019. Dù được mô tả là tên lửa hạng nhẹ, LMUR nặng gấp đôi những tên lửa đối đất thường được trang bị trên trực thăng vũ trang Nga. LMUR dài gần 2m, đường kính 0,2 m và nặng 105 kg, trong đó đầu nổ phá mảnh có khối lượng 25 kg.
Tên lửa đạt tầm bắn tối đa 14,5 km, gấp đối so với các tên lửa chống tăng khác của Nga, và tốc độ hơn 800 km/h. Ưu điểm của LMUR là có đường truyền dữ liệu 2 chiếu kết nối tên lửa với trực thăng. Tên lửa sẽ bay đến khu vực có mục tiêu nhờ hệ thống điều khiển tự động và hệ thống định vị vệ tinh. Sau đó hình ảnh từ thiết bị tìm kiếm ảnh nhiệt của tên lửa được truyền đến buồng lái của phi công nhờ liên kết dữ liệu. Phi công có thể chọn mục tiêu cho tên lửa, Để liên lạc với tên lửa, trực thăng sử dụng hệ thống AS-BPLA.Về mặt lý thuyết, một chiếc Mi-28NM có thể mang 8 tên lửa LMUR trên 4 ống phóng đôi APU-L./.