Nghi binh cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Đại tá VŨ HỒNG KHANH |

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cách đây hơn 50 năm được giới quân sự Mỹ đánh giá là một sự kiện bất ngờ và kinh ngạc vì sự chuẩn bị chiến đấu của quân và dân ta. Một trong những điều gây kinh ngạc cho Mỹ-ngụy là nghệ thuật nghi binh của Quân Giải phóng miền Nam.

Để nghi binh chiến lược nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch, trong khi giữ tuyệt mật ý định chiến lược cho đến khi hành động, ta đã thực hiện nhiều hoạt động nghi binh, bao gồm các hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao.

Theo đó, ta bí mật tung một chỉ thị chiến lược "giả như thật" vào miền Nam và cố tình để lọt ra ngoài.

Theo chỉ thị này, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các "B" (mặt trận) phải khẩn trương triển khai nhiều hoạt động nhằm đánh bại cuộc phản công chiến lược của Mỹ trong mùa khô 1967-1968; chống bình định của địch ở nông thôn, kiên quyết giành dân bằng những trận đánh nhỏ hiệu suất cao.

Bộ đội chủ lực mở những chiến dịch quy mô vừa ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Chỉ thị đánh giá, địch đang có nhiều sơ hở ở các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và ta cần tích cực tận dụng điều kiện để giành thắng lợi trong mùa khô 1968-1969.

Nghi binh cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - Ảnh 1.

Bộ đội Sư đoàn 304 hành quân chiếm lĩnh trận địa trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968. Ảnh tư liệu

Kết hợp mặt trận quân sự, ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh tố cáo tội ác của Mỹ-ngụy gây ra cho nhân dân Việt Nam; kêu gọi Liên hợp quốc và các nước có trách nhiệm tôn trọng Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương...

Tháng 9-1967, Đại hội bất thường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức, với cương lĩnh cổ vũ việc tiến tới thành lập chính quyền dân tộc, dân chủ rộng rãi và chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập.

Thông cáo của đại hội kêu gọi đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh bại các cuộc hành quân bình định gom dân lập ấp chiến lược của địch... Các cơ quan báo chí được chỉ đạo tập trung tuyên truyền thắng lợi của quân và dân ta trên các mặt trận Khe Sanh, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, hạn chế đưa tin về chiến tranh đô thị.

Trên mặt trận ngoại giao, cùng với việc khẳng định sẽ kiên trì chịu đựng hy sinh, gian khổ, tiến hành kháng chiến lâu dài, song Chính phủ ta tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Mỹ về cuộc chiến ở miền Nam.Cùng với đó, ta chủ động mở một số chiến dịch ở khu vực rừng núi giáp biên giới, thuộc địa bàn Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong mùa khô 1967, như:

- Chiến dịch tiến công Bình Long- Phước Long (từ ngày 27-10 đến 5-12-1967);

- Chiến dịch Đăk Tô 1 ở Bắc Tây Nguyên (từ ngày 3-11 đến 22-11-1967) nhằm thu hút, giam chân lực lượng địch, nhất là quân Mỹ ra khỏi các thành phố càng lâu càng tốt.

Chiến dịch Đăk Tô 1 đã thu hút sự chú ý của các đơn vị chủ lực Mỹ, như: Sư đoàn bộ binh 4, Lữ đoàn dù 173, Lữ đoàn kỵ binh bay số 1 và nhiều chiến đoàn, trung đoàn ngụy Sài Gòn.

Còn chiến dịch tiến công Bình Long-Phước Long đã giam chân và tiêu hao sư đoàn bộ binh số 1 và 25 của Mỹ cùng nhiều đơn vị của quân đội Sài Gòn... Tất cả hoạt động trên của ta đều "nằm trong tầm ngắm", được theo dõi sát sao bởi lực lượng tình báo, ngoại giao của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Đêm ngày 20, rạng sáng 21-1-1968, các sư đoàn chủ lực: 304, 320, 324, 325 của Quân Giải phóng, được tăng cường nhiều xe tăng, pháo binh mở cuộc tiến công trên diện rộng vào hệ thống phòng thủ của địch tại Mặt trận Đường 9-Khe Sanh, đẩy quân viễn chinh Mỹ và quân ngụy Sài Gòn vào tình thế nguy ngập, buộc Mỹ-ngụy phải tập trung lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay B-52) để đối phó.

Việc Quân Giải phóng tiến công Khe Sanh, cùng với các tin tức mà bộ máy tình báo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn thu được, thông tin về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã đi nghỉ dưỡng hoặc chữa bệnh ở nước ngoài, càng củng cố thêm nhận định của Mỹ-ngụy là khó có thể xảy ra đánh lớn ở miền Nam vào dịp Tết.

Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội ngày 23-12-1967 để chủ trì hội nghị của Bộ Chính trị về Tổng tiến công và nổi dậy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nước ngày 29-1-1968, ngay trước thềm cuộc nổ súng.

Khi mọi sự chú ý của phía Mỹ đổ dồn vào Khe Sanh, thì vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Quân Giải phóng bất ngờ mở cuộc tiến công vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền Nam; đánh thẳng vào các cơ quan đầu não, khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn choáng váng; làm sụp đổ kế hoạch chiến tranh của chính quyền Tổng thống L.B Johnson và gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của nhân dân Mỹ.

Như vậy, cuộc nghi binh chiến lược đã góp phần giúp quân và dân ta tiến công bất ngờ, đồng loạt trên khắp đô thị miền Nam và giành được những thắng lợi quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại