Nghệ thuật tác chiến Phòng không-Không quân rút ra từ Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 (*)

Thiếu tướng VŨ VĂN KHA, Phó tư lệnh – TMT Quân chủng PK-KQ |

45 năm trước, vào tháng 12-1972, Mỹ đã tiến hành cuộc tập kích đường không chủ yếu bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 vào các mục tiêu chiến lược trên miền Bắc nước ta nhằm cứu vãn thất bại trên chiến trường Việt Nam...

Trong 12 ngày đêm, lực lượng phòng không- không quân (PK-KQ) và toàn dân ta, với sự mưu trí, sáng tạo đã làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 (có 16 B-52 rơi tại chỗ), bắt sống nhiều phi công Mỹ.

Không thể chịu đựng nổi trước những tổn thất, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng cuộc tập kích.

Cùng với thắng lợi to lớn đạt được trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta, chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng là đòn chiến lược, có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hết quân về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nghệ thuật tác chiến Phòng không-Không quân rút ra từ Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 (*) - Ảnh 1.

Trung đoàn không quân 921 chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.

Chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972 đã để lại nhiều bài học vô cùng quý giá cho các lực lượng vũ trang, trong đó có những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến của Bộ đội PK-KQ. Cụ thể là:

Thứ nhất, thường xuyên nghiên cứu nắm chắc địch để giành thế chủ động đánh thắng địch là điều kiện tiên quyết.

Ngay từ giữa năm 1966, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ “Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền Bắc, phải tìm ra cách đánh cho được B-52.

Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú PK-KQ” và theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Quân chủng PK-KQ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị phòng không, không quân vào chiến đấu ở chiến trường Khu IV để bảo vệ tuyến giao thông chiến lược và có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là nghiên cứu cách đánh máy bay B-52.

Lực lượng không quân sau nhiều lần rút kinh nghiệm, các phi công ta đã phát hiện được mục tiêu trong nhiễu, tổng hợp được quy luật hoạt động của B-52, xây dựng phương án tác chiến, nghiên cứu cách đánh và huấn luyện cho một số phi công chuyên đánh B-52.

Tháng 10-1972, Quân chủng tổ chức Hội nghị bàn về cách đánh B-52. Các binh chủng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án đánh B-52. Tiếp đó, Quân chủng đã xây dựng kế hoạch tác chiến bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng được Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt.

Nghiên cứu nắm chắc địch nên ngay đêm mở đầu chiến dịch, lực lượng ra-đa phòng không đã dự báo chính xác đường bay B-52 vào đánh Hà Nội, báo động kịp thời cho lực lượng PK-KQ sẵn sàng đánh địch. 

Quá trình tác chiến, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch nên các lực lượng chiến dịch đã kiên quyết tập trung bảo vệ khu vực mục tiêu chủ yếu, tập trung đánh đối tượng chủ yếu.

Vì vậy, các lực lượng hỏa lực đã kịp thời đánh địch, bắn rơi tại chỗ máy bay B-52. Như vậy, gần 7 năm trước khi diễn ra chiến dịch, ta đã chủ động trong công tác nghiên cứu, nắm vững quy luật hoạt động của địch trên không, từng bước nghiên cứu và hoàn thiện cách đánh, không bị bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Đây chính là nhân tố quyết định để giành thế chủ động, đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của địch.

Nghệ thuật tác chiến Phòng không-Không quân rút ra từ Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 (*) - Ảnh 2.

Máy bay B-52 trên đảo Guam, chuẩn bị đánh phá miền Bắc Việt Nam trong 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.

Thứ hai, tạo lập thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc, chuyển hóa linh hoạt, kết hợp với phá thế địch.

Trong chiến dịch, lực lượng PK-KQ đã xây dựng thế trận vững chắc, hiểm hóc, tập trung đánh máy bay B-52. Thế trận của chiến dịch lấy lực lượng tên lửa phòng không (TLPK) làm nòng cốt, tập trung đánh đối tượng chủ yếu là máy bay B-52, bố trí bảo đảm đánh địch tập trung, từ xa đến gần, đánh địch cả khi bay vào và bay ra.

Lực lượng không quân đánh địch từ xa, phá vỡ đội hình tiến công của địch. Lực lượng pháo phòng không đánh máy bay chiến thuật, bảo vệ đội hình của TLPK, bảo vệ sân bay. 

Quá trình tác chiến chiến dịch, thế trận của lực lượng PK-KQ luôn giữ được sự ổn định vững chắc, bảo đảm vòng trong luôn có lực lượng đủ mạnh, đánh máy bay NBCL từ nhiều hướng, tập trung hỏa lực đánh.

Thế trận chiến dịch được tạo ra đã liên kết được sức mạnh của các lực lượng tham gia, tạo nên sự hiểm hóc của thế trận chiến dịch. Mặc dù địch sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau nhưng đều bị vô hiệu hóa. Các lực lượng hỏa lực tên lửa phòng không, pháo phòng không, không quân tiêm kích đều phát huy sức mạnh bắn rơi B-52.

Nghệ thuật tác chiến Phòng không-Không quân rút ra từ Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 (*) - Ảnh 3.

Khẩu đội bệ phóng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Tên lửa 257 rút kinh nghiệm chiến đấu tại trận địa tên lửa Chèm, TP Hà Nội, trong 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.

Trong quá trình tác chiến, thế trận chiến dịch được chủ động chuyển hóa, đối phó kịp thời với mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Lực lượng PK-KQ bảo vệ Hà Nội vẫn tiếp tục được củng cố, bổ sung thêm lực lượng bảo vệ mục tiêu chủ yếu.

Những ngày đầu của chiến dịch, hỏa lực tên lửa phòng không trên hướng Đông Bắc Hà Nội còn mỏng, nên ta đã điều chỉnh lực lượng ở Hải Phòng về làm nhiệm vụ đánh địch vòng ngoài bảo vệ Hà Nội. Lực lượng pháo phòng không được tăng cường, bảo vệ TLPK.

Sau đợt đầu, đạn tên lửa cũng kịp thời bảo đảm cho các đơn vị hỏa lực. Lực lượng không quân ta cơ động ra các sân bay vòng ngoài, tạo nên yếu tố bất ngờ, bắn rơi máy bay B-52.

Chính từ sự chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời trong tác chiến đã củng cố, hoàn chỉnh thế trận, bảo vệ mục tiêu chủ yếu ngày càng vững chắc, đánh thắng địch.

Thứ ba, xác định đúng khu vực tác chiến, đối tượng tác chiến chủ yếu.

Xác định khu vực tác chiến chủ yếu là yếu tố cơ bản nhất để lập thế trận chiến dịch phòng không, là nghệ thuật tác chiến cần tập trung sự nỗ lực của chiến dịch vào những khu vực quyết chiến điểm, cần lập thế trận có sự tập trung hợp lý để đánh đúng vào đối tượng chủ yếu của địch.

Trên cơ sở nghiên cứu xác định đúng mục đích tập kích đường không của địch, ta đã xác định được khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước, chỉ có đánh Hà Nội, địch mới có thể đạt được mục tiêu chiến lược đã đề ra là buộc ta phải chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn Hội nghị Paris.

Chính vì vậy, ta đã có điều kiện tập trung được lực lượng chiến dịch để bảo vệ khu vực mục tiêu chủ yếu.

Nghệ thuật tác chiến Phòng không-Không quân rút ra từ Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 (*) - Ảnh 4.

Chiếc B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, vào 20 giờ 13 phút đêm 18-12-1972. Ảnh tư liệu.

Tư tưởng chỉ đạo tác chiến chiến dịch đã xác định đối tượng chủ yếu là máy bay B-52 và phải bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái. Máy bay B-52 là “át chủ bài” của lực lượng chiến lược Mỹ, được sử dụng trong những mục đích chiến lược.

Vì vậy, chỉ có bắn rơi B-52 và bắt sống giặc lái mới có thể đập tan được ý đồ của Mỹ. Khi B-52 bị bắn rơi và bắn rơi nhiều, địch mới chịu từ bỏ ý định dùng sức ép quân sự đối với ta. Vì vậy, chọn B-52 là đối tượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch là nghệ thuật chọn “tử huyệt” của địch để đánh.

Thực tế cho thấy, với số lượng B-52 bị bắn rơi quá lớn, Mỹ đã buộc phải chấm dứt tập kích và chịu thất bại.

Thứ tư, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng hợp lý, tập trung lực lượng chủ yếu trên các hướng chủ yếu để đánh B-52.

Tổ chức lực lượng PK-KQ trong chiến dịch có sự kết hợp với lực lượng phòng không của các quân khu và của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, bảo đảm đánh địch trên suốt đường bay, mọi hướng, mọi độ cao, đánh các đối tượng, bảo vệ các mục tiêu chủ yếu, kết hợp vây bắt giặc lái.

Lực lượng chủ yếu được sử dụng để đánh máy bay B-52 là TLPK. Lực lượng TLPK cũng chỉ được sử dụng để đánh B-52, các lực lượng khác phải cùng tham gia đánh địch, tạo điều kiện cho TLPK đánh B-52.

Lực lượng không quân được sử dụng đánh địch vòng ngoài, phá vỡ đội hình tiến công của địch, tạo điều kiện để TLPK đánh địch. Tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với cách đánh mưu trí, sáng tạo trong phát hiện, dẫn đường, tiếp cận địch nên không quân ta đã tiêu diệt được 2 máy bay B-52.

Về bố trí đội hình, ta thực hiện bố trí đội hình theo cụm, trong đó lấy TLPK làm nòng cốt, tạo điều kiện tốt để có thể đánh tập trung 2 đến 3 tiểu đoàn TLPK vào một tốp mục tiêu. Thực tế, khi máy bay B-52 mới bay vào, TLPK hầu như không phát hiện được mục tiêu trên nền nhiễu.

Nhờ bố trí đội hình chiến đấu hợp lý nên TLPK đã phát huy hiệu quả cả khi đánh địch bay vào và bay ra. Trong quá trình chiến đấu, ta đã sử dụng tốt các thiết bị bổ trợ cho phát hiện mục tiêu, đồng thời với cách đánh “ba điểm” của TLPK đã nâng cao hiệu quả phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trong nhiễu.

Thứ năm, tổ chức thực hiện tốt hiệp đồng tác chiến

Với vai trò là lực lượng nòng cốt có ý nghĩa quyết định của chiến dịch, Quân chủng PK-KQ làm tốt công tác tổ chức hiệp đồng tác chiến, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của các lực lượng và nhiệm vụ của chiến dịch.

Nghệ thuật tác chiến Phòng không-Không quân rút ra từ Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 (*) - Ảnh 5.

Tháng 1-1973, sau khi ta vừa giành thắng lợi tại Hội nghị Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đến chúc Tết Tiểu đoàn 77- đơn vị vừa lập công trong Chiến thắng B-52. Ảnh tư liệu.

Hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng không quân với lực lượng TLPK, lấy hoạt động chiến đấu của TLPK làm cơ sở để xây dựng kế hoạch hiệp đồng. Thực hiện ý định sử dụng lực lượng của chiến dịch, ban đêm, TLPK tập trung đánh B-52, không quân đánh địch vòng ngoài phạm vi hỏa lực của tên lửa để tiêu diệt và cản phá B-52 từ xa.

Giữa các đợt đánh của B-52 và ban ngày, không quân hiệp đồng với pháo phòng không đánh máy bay chiến thuật của địch bảo vệ mục tiêu, hiệp đồng bảo đảm an toàn cho không quân cất, hạ cánh.

Trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972, địch tổ chức đánh phá ác liệt vào các sân bay của ta ngay từ đầu, do đó, việc tổ chức đánh địch trực tiếp bảo vệ sân bay, bảo vệ không quân được hiệp đồng chặt chẽ, dù không quân cất, hạ cánh trên đường băng, đường lăn, trong đêm không đầy đủ đèn tín hiệu vẫn bảo đảm an toàn.

Lực lượng phòng không các đơn vị trong Quân chủng PK-KQ hiệp đồng tốt với lực lượng phòng không địa phương, dân quân tự vệ, tạo lưới lửa rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, phòng không địa phương và dân quân tự vệ đánh địch bay thấp; vừa đánh địch bảo vệ mục tiêu, vừa tích cực vây bắt giặc lái.

Trong quá trình tác chiến chiến dịch, Quân chủng cũng đã tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng chiến đấu với các đơn vị, địa phương để bảo đảm hậu cần, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm đạn tên lửa; nhanh chóng sữa chữa các sân bay, trận địa, đường cơ động... khi bị không quân địch đánh phá.

Như vậy, trong 12 ngày đêm của chiến dịch, chúng ta đã tổ chức tốt việc hiệp đồng tác chiến, phát huy được tối đa khả năng chiến đấu của từng lực lượng, từng loại vũ khí trang bị.

Đây là một thành công lớn trong tổ chức hiệp đồng tác chiến của chiến dịch, nhờ vậy đã phát huy sức mạnh của mọi lực lượng tham gia chiến dịch, góp phần quan trọng để chiến dịch giành thắng lợi.

Thiếu tướng VŨ VĂN KHA, Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân

---------------

(*) Trích trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên phủ trên không", bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trên mặt trên đối không

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại