Ngày đầu đón 3,4 vạn lượt khách, metro Nhổn - Ga Hà Nội chưa thể "xô đổ" kỷ lục của Cát Linh - Hà Đông

Thái Hà |

Ngày đầu tiên vận hành thương mại, metro Nhổn - Ga Hà Nội đã đón 34.184 lượt khách đi tàu, ít hơn lượt khách đi tàu ngày đầu của Cát Linh - Hà Đông.

Kỷ lục đón khách đi tàu ngày đầu vận hành thương mại

8h sáng ngày 8/8, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội với chiều dài 8,5km, từ ga S1 – S8 đã chính thức được đưa vào khai thác, phục vụ người dân miễn phí trong vòng 15 ngày. Tính đến hết ngày khai thác thương mại đầu tiên, đoạn trên cao của tuyến số 3 đã đón tiếp 34.184 lượt hành khách trải nghiệm.

Trong đó, 2 ga đầu cuối là ga Nhổn (ga S1) và ga Cầu Giấy (S8) có số lượng người đi tàu nhiều nhất. 6 ga dọc tuyến, lượng khách chờ tàu ít hơn.

Ngày đầu đón 3,4 vạn lượt khách, metro Nhổn - Ga Hà Nội chưa thể "xô đổ" kỷ lục của Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.

Nhổn - Ga Hà Nội đông khách trong ngày đầu tiên vận hành. Ảnh: Thái Hà

Ngày đầu đón 3,4 vạn lượt khách, metro Nhổn - Ga Hà Nội chưa thể "xô đổ" kỷ lục của Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 2.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Trang Anh

Đây là con số đầy ấn tượng đối với tuyến đường sắt đô thị mới của Thủ đô song vẫn chưa thể xô đổ kỷ lục tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông 3 năm trước.

Trong ngày đầu tiên đưa vào khai thác (từ 8h đến 22h ngày 6/11/2021), tàu Cát Linh - Hà Đông đã chạy 109 lượt chở khách với 39.520 lượt khách đi tàu.

Cả 2 tuyến trong ngày khai thác đầu tiên đều vận hành an toàn, thông suốt, ổn định trong niềm hân hoan của người dân sau nhiều năm chờ đợi những tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô.

Vì sao Metro Nhổn - Ga Hà Nội chưa thể vượt Cát Linh - Hà Đông trong ngày đầu tiên?

Đầu tiên, có thể thấy rằng Cát Linh - Hà Đông là tuyến metro đầu tiên của cả nước và của Thủ đô khiến người dân rất háo hức, mong chờ để trải nghiệm. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng mà còn là niềm tự hào cho người dân Thủ đô khi lần đầu tiên được đi tàu điện trên cao.

Bên cạnh đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông sở hữu lợi thế về chiều dài tuyến và số lượng nhà ga hơn Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao (13,05km - 12 ga so với 8,5km - 6 ga). Tuyến đường sắt đô thị 2A khi khai trương đã hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố.

Ngày đầu đón 3,4 vạn lượt khách, metro Nhổn - Ga Hà Nội chưa thể "xô đổ" kỷ lục của Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 3.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thường xuyên kín người giờ cao điểm - Ảnh: Tổ Quốc

Trái lại, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội trong giai đoạn đầu chỉ chạy được một nửa, không thể tiếp cận trực tiếp vùng lõi trung tâm của Thủ đô, nơi người dân có nhu cầu di chuyển cao tới các điểm tham quan, mua sắm, giải trí. Điều này hạn chế khả năng thu hút hành khách, bởi việc cần phải thay đổi phương tiện nhiều lần để đến được điểm đến cuối cùng làm giảm sự tiện lợi và sức khả năng cạnh tranh của tuyến với các phương tiện giao thông khác.

Tuy nhiên, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi qua nhiều trường Đại học lớn của Hà Nội như: Đại học Quốc gia, Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Đại học Thương mại, Đại học Công nghiệp,... nên tương lai hứa hẹn số hành khách sẽ còn tăng cao.

Ngày đầu đón 3,4 vạn lượt khách, metro Nhổn - Ga Hà Nội chưa thể "xô đổ" kỷ lục của Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 4.

Dự báo lượng hành khách tương lai của Nhổn - Ga Hà Nội sẽ còn tăng cao. Ảnh: Thái Hà

Tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông có gì giống và khác nhau?

Về thời gian xây dựng, cả 2 tuyến đều liên tục chậm tiến độ. Trong đó, tuyến 2A được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008, khởi công năm 2011, đưa vào khai thác tháng 11/2021. Tuyến số 3 đoạn trên cao được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009, khởi công năm 2010, đưa vào khai thác tháng 8/2024.

Liên quan đến vốn, cả 2 tuyến đều đội vốn ở mức cao. Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng, sau đó “đội vốn” lên 18.002 tỷ đồng. Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư ban đầu 18.408 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên 34.826 tỷ đồng.

Về công nghệ, tuyến 2A sử dụng 13 đoàn tàu (mỗi tàu có 4 toa) do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) sản xuất. Tuyến số 3 thì sử dụng 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế riêng.

Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh-Hà Đông đều chạy với tốc độ trung bình 35km/h (tối đa 80km/h) và được thiết kế 4 toa, tuy nhiên sức chứa khác nhau. Cát Linh - Hà Đông có sức chứa 960 hành khách, bao gồm cả hành khách ngồi và đứng, tỉ lệ ghế ngồi 144/960, chiếm 15%. Còn tàu tuyến Nhổn - Ga Hà Nội có sức chứa 944 hành khách, tỉ lệ ghế ngồi 94 ghế, chiếm 10%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại