Ngành đường sắt có nguy cơ dừng chạy tàu trên toàn quốc: Vì chuyển đổi chủ sở hữu?

Hoàng Cư |

Kinh phí bảo trì, duy tu kết cấu đường sắt và chi trả lương cho công nhân viên đến nay VNR chưa nhận được do mới chuyển đổi chủ sở hữu, cơ chế chính sách chưa phù hợp.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây ra cảnh báo, có thể dừng hoạt động tàu chạy vào tháng 3/2019 do thiếu kinh phí cho việc bảo dưỡng, duy trì trạng thái kết cấu hạ tầng và chi trả lương cho khoảng 11.000 lao động của ngành trên toàn quốc.

Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Công ty đường Sắt việt Nam cho biết, nguyên nhân thiếu kinh phí xuất phát từ việc VNR vừa chuyển đổi chủ sở hữu.

Theo ông Cảnh, trước đây VNR thuộc quyền quản lý sở hữu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tại khoản 1, điều 49 Luật Ngân sách quy định rõ sau khi được Chính phủ cấp vốn, đơn vị quản lý dự toán sẽ giao cho các đơn vị trực thuộc cấp dưới, việc chuyển giao ngân sách sẽ rất đơn giản nếu VNR còn thuộc Bộ GTVT.

Tuy nhiên từ cuối tháng 9/2018, VNR đã chuyển đổi chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Trong khi kết cấu hạ tầng đường sắt là tài sản của nhà nước do Bộ GTVT quản lý nên việc nhận kinh phí bảo trì, duy tu và trả lương cho cán bộ công nhân lại được phân bổ về Bộ này.

Theo quy định của Luật Ngân sách, Bộ không thể giao dự toán cho VNR do không đúng thẩm quyền, trái pháp luật.

Ông Cảnh giải thích thêm, đối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, chức năng của họ là quản lý phần vốn Nhà nước sở hữu tại Tổng công ty (tức là vốn điều lệ) để chỉ đạo điều hành việc sản xuất, kinh doanh.

Nhưng nguồn vốn bảo trì, duy tu trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt, trả lương công nhân sau khi được Quốc hội thông qua dự toán chi ngân sách hàng năm thì Bộ Tài chính mới gửi về đơn vị quản lý là Bộ GTVT, chứ không giao cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.

"Bây giờ VNR không còn thuộc Bộ GTVT thì họ không thể giao được ngân sách, chỉ vướng mắc chỗ đấy thôi". Ông Cảnh nói.

Vị lãnh đạo Tổng công ty đường sắt giãi bày từ xưa đến nay, ngành đường sắt được coi là có tính kỷ luật cao chỉ sau Công an, Quân đội. Dù thiếu ngân sách nhưng hiện nay công nhân viên vẫn làm việc bình để đảm bảo an toàn cho tàu chạy theo chỉ đạo của Tổng công ty. Tuy nhiên, sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có phương án giải quyết sớm. 

"Bình thường như các năm khi có dự toán ngân sách giao thì các đơn vị cấp dưới sẽ xây dựng phương án tác nghiệp hàng quý. Tổng công ty sau đó phê duyệt xem xét chỗ nào cần sửa chữa, thay thế vật tư và cấp kinh phí", ông Cảnh nói.

Trao đổi với Trí Thức trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2019 là giai đoạn quá độ chuyển giao Tổng công ty đường sắt nên Bộ Tài chính đã lập dự toán ngân sách trình Quốc hội rồi bàn giao trước.

Theo Thứ trưởng Đông, với tình hình vướng mắc của năm nay, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi lên Thủ tướng chính phủ nhưng chưa có phương án chỉ đạo giải quyết. "Do các quy định pháp luật hiện nay chưa đồng bộ, sắp tới chúng ta sẽ phải thay đổi rất nhiều cơ chế", thứ trưởng Đông nói.

Còn luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, gần như hệ thống pháp luật chưa tương thích đối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, nếu muốn Ủy ban này vận hành tốt hơn, cơ quan chức năng sẽ phải điều chỉnh rất nhiều các quy định.

Hiện tại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được giao quản lý, khai thác, bảo trì toàn bộ hệ thống đường sắt quốc gia, gồm 15 tuyến đường sắt, qua 34 tỉnh thành, tổng chiều dài 3.143 km; 297 nhà ga và khu ga.

Đồng thời, VNR phải đảm bảo an toàn 652 điểm gác chắn đường ngang, 380 đường ngang cảnh báo tự động, 486 đường ngang biển báo, 4.172 lối đi dân tự mở.

Để quản lý hệ thống đó, đường sắt có 11.315 người, trong đó có 1.241 lao động tuần cầu, tuần đường, tuần hầm; 6.278 lao động thực hiện công việc bảo trì đường sắt; 2.881 lao động gác chắn đường ngang, hầm, cầu; và 915 lao động gián tiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại