Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc người Việt “dính” hồ sơ Panama

T.Hà |

Chiều tối nay (11-5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức lên tiếng về việc có nhiều cá nhân, tổ chức Việt Nam bị nêu tên trong hồ sơ Panama.

Người đại diện cho NHNN phát ngôn về vấn đề này là ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền.

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thông tin của Hồ sơ Panama có tên của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam, tuy nhiên chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.

Hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài... (Pháp lệnh Ngoại hối 2005 đã được sửa đổi, bổ sung, Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17-7-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn).

Ngày 11-5, thông tin từ Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết các cơ quan chức năng, gồm Cục Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đã chính thức đề nghị phối hợp cùng tham gia điều tra các thông tới các cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama vừa được Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố ngày 9-5.

“Cục Phòng, chống rửa tiền cũng nhận được chỉ đạo của Thống đốc NHNN ngay từ ngày 10-5 và đã triển khai ngay bằng cách rà soát cá nhân, tổ chức được nêu tên, đối chiếu với hệ thống dữ liệu của Cục.

Khối lượng công việc sẽ rất lớn vì thông tin từ hồ sơ Panama rất ít, chỉ có tên, địa chỉ mà tên của cá nhân được nêu có thể trùng với rất nhiều người, địa chỉ lại không rõ ràng” - nguồn tin cho biết.

Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 11-5, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã nhận được báo cáo ngày 10-5 của Tổng cục Thuế về việc lập Tổ công tác thực hiện điều tra tổ chức, cá nhân bị nêu tên trong hồ sơ Panama.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng còn quá sớm và phải thận trọng để đưa ra những bình luận, đánh giá về khả năng các tổ chức, cá nhân bị nêu tên có vi phạm pháp luật về thuế hay không.

Với những thông tin trong hồ sơ Panama cung cấp, ngành thuế phải lật lại hồ sơ, xem lại hồ sơ khai thuế cũng như toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.

Từ đó khớp nối lại, xem xét các mối quan hệ với ngân hàng, giấy phép đầu tư tại Việt Nam và tại nước ngoài có phát hiện dấu hiệu bất thường mới điều tra.

Trước đó, ngày 9-5, ICIJ đã công bố lên mạng toàn bộ dữ liệu tên tuổi của hơn 300.000 cá nhân và công ty liên quan tới vụ Hồ sơ Panama.

Đáng chú ý, trong số các tài liệu đã được công khai trên trang offshoreleaks.icij.org, Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại