Những điểm đáng chú ý trong nhập khẩu vũ khí của Việt Nam
Báo cáo thường niên mới nhất do Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới (ЦАМТО) của Nga vừa công bố cho thấy, trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ chi ít tiền hơn cho nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài.
Điều này có thể lý giải là trong giai đoạn trước đó, Việt Nam đã tăng cường tiềm lực phòng thủ đất nước bằng nhiều hợp đồng mua sắm vũ khí mang tính mũi nhọn như tàu ngầm Kilo-636, tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9, máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S.
Ngoài ra, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã có nhiều bước tiến đang khích lệ khi tự sản xuất, nâng cấp được một số loại vũ khí trang bị tương đối hiện đại.
Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam.
Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến các dự án như tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya (theo giấy phép chuyển giao công nghệ từ Nga), tuần tra hiện đại 400-2000 tấn (TT-400TP, DN-2000), radar cảnh giới, nâng cấp tên lửa Pechora-2TM, xe tăng T-54M3 cũng như sản xuất được nhiều loại vũ khí bộ binh hiện đại khác.
Vì thế, nhu cầu nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài giảm là tất yếu, Việt Nam hiện chỉ phải đi mua những loại vũ khí có hàm lượng khoa học công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được.
Tuy nhiên, có một điểm nhấn đáng chú ý là tỷ trọng vũ khí mới nhập khẩu từ Nga bắt đầu có chiều hướng giảm khi mà Việt Nam tích cực hơn trong việc dạng hóa nguồn cung sản phẩm quốc phòng từ phương Tây, đặc biệt là sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho.
Cụ thể, ЦАМТО dự báo trong giai đoạn từ 2017-2020, Việt Nam sẽ chỉ chi khoảng 2,33 tỷ USD để nhập khẩu vũ khí Nga (trong đó năm 2017 giải ngân 1.210 triệu USD, 2018 là 320 triệu USD, 2019: 0 triệu USD và 2020 là 800 triệu USD), giảm mạnh so với con số 4,394 tỷ USD của giai đoạn 2013-2016.
Dự báo kim ngạch nhập khẩu vũ khí Nga của Việt Nam giai đoạn 2017-2020 (ô khoanh đỏ). Nguồn: ЦАМТО
Việt Nam sẽ chi 1,5 tỷ USD mua tiêm kích phương Tây
Một điểm đáng ngạc nhiên trong Báo cáo thường niên của ЦАМТО là dự báo trong giai đoạn 2017-2020 Việt Nam sẽ chi khoảng 1,5 tỷ USD để mua sắm tiêm kích đa năng và giải ngân đều trong 2 năm 2019-2020, mỗi năm khoảng 750 triệu USD. Còn trong 2 năm 2017-2018 sẽ chưa có bất cứ ngân khoản nào được chi cho hạng mục này.
Dự báo ngân sách mua sắm tiêm kích đa năng của Việt Nam giai đoạn 2017-2020 (ô khoanh đỏ). Nguồn: ЦАМТО
Đối chiếu với dự báo nhập khẩu vũ khí Nga của Việt Nam (cũng của chính ЦАМТО trong báo cáo) trong giai đoạn 2017-2020 thì duy nhất có năm 2020 là giải ngân khoảng 800 triệu USD và không nêu rõ loại vũ khí nào như máy bay, tàu chiến, tên lửa,... trong khi lại dự báo chi tiết hạng mục mua sắm máy bay chiến đấu đa năng Việt Nam chi 1,5 tỷ USD trong 2 năm 2019-2020.
Phải chăng ЦАМТО đã nhận định Việt Nam sắp ký hợp đồng mua máy bay tiêm kích đa năng của phương Tây ngay trong một vài năm tới?
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi mà các phương tiện truyền thông quốc tế gần đây liên tục dự báo về việc Việt Nam sẽ mua thêm tiêm kích đa năng hiện đại của phương Tây song song với các loại xuất xứ từ Nga.
Nếu Việt Nam thực sự chi 1,5 tỷ USD mua máy bay tiêm kích đa năng hiện đại của phương Tây như con số dự báo của ЦАМТО thì đây sẽ là một bước ngoặt mang tính lịch sử.
Về quy mô, đây sẽ là hợp đồng có giá trị lớn nhất đối với Không quân Việt Nam từ trước tới nay, và là hợp đồng có giá trị lớn thứ hai trong lịch sử nhập khẩu vũ khí của Việt Nam, chỉ sau mỗi hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo-630 trị giá khoảng hơn 2 tỷ USD.
Tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo. Ảnh minh họa.
Về nguồn cung vũ khí, không tính các loại máy bay chiến đấu hệ 2 do Mỹ sản xuất thu được sau chiến tranh (như tiêm kích F-5A/B, cường kích F-5E, sau đó đã bị loại biên do không có phụ tùng thay thế) thì đây là lần đầu tiên Việt Nam mua chiến đấu cơ phương Tây.
Mặc dù chưa có cuộc đàm phán cụ thể nào về loại tiêm kích cũng như quốc gia phương Tây cung cấp được truyền thông quốc tế đưa tin hay được các bên có liên quan xác nhận nhưng khả năng Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung vũ khí (kể cả máy bay chiến đấu) là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, nếu mua máy bay chiến đấu phương Tây (hệ 2) thì Không quân Việt Nam sẽ phải mất khá nhiều thời gian để huấn luyện sử dụng cũng như xây dựng điều lệnh và nghệ thuật tác chiến phù hợp để phối hợp tốt với các vũ khí hệ 1 (vũ khí từ Nga và các nước Đông Âu) nhằm làm chủ và phát huy tối đa sức mạnh của phương tiện chiến đấu mới.
Việc phối hợp giữa các chiến đấu cơ Nga và chiến đấu cơ phương Tây cũng như với các lực lượng phòng không - không quân, hải quân và lục quân, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực như Maylaysia (MiG-29M và Su-30MKM với F/A-18C/D) hay Indonesia (Su-27 và Su-30MK2 với F-16A/B).
Một số chuyên gia quốc tế đã nhận định Việt Nam có thể sẽ mua sắm máy bay chiến đấu của phương Tây nhưng sẽ không quá sớm, phải sau 2020 mới diễn ra. Dù vậy, dự báo của ЦАМТО cũng đáng để tham khảo.
Tiêm kích Su 30 đọ tài không chiến với F 16 trên bầu trời Indonesia.