Nga và Mỹ đồng ý gia hạn Hiệp ước START mới: Đầu xuôi liệu đuôi có lọt?

Thu Hoài |

Bước đi khởi đầu có phần suôn sẻ này được kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới cho quan hệ Nga-Mỹ, vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Tổng thống Nga Putin ngày 26/1 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Putin ngày 26/1 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Reuters

Trên website chính thức, Duma quốc gia, tức Hạ viện Nga nêu rõ, Nga và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận, nhất trí trên nguyên tắc về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (Hiệp ước START mới) thêm 5 năm.

Theo Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Lenonid Sloutsk, văn kiện có thể được thông qua ngay trong phiên họp toàn thể dự kiến diễn ra hôm nay.

Thông báo về dự luật đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimirr Putin ngày 26/1 có cuộc điện đàm đầu tiên với ông Joe Biden kể từ khi ông này trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ hài lòng về bước tiến ngoại giao này.

Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định, Nga và Mỹ đều cho thấy thiện chí gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm và nhất trí tăng cường làm việc để hiệp ước có thể được gia hạn trước thời hạn chót ngày 5/2 tới.

Được ký vào năm 2010 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Hiệp ước giới hạn tổng số vũ khí của mỗi nước không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.

Dù đắc cử với cam kết về một lập trường cứng rắn hơn với Nga so với người tiền nhiệm, song chỉ một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị gia hạn thêm 5 năm hiệp ước chiến lược này. Quyết định đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan điểm của Mỹ đối với các hiệp ước song phương và quốc tế.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jens Psaki nhấn mạnh:

“Tổng thống từ lâu đã thể hiện lập trường rõ ràng rằng, Hiệp ước START mới là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Và việc gia hạn càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng với Nga hiện nay. Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới là hiệp ước cuối cùng còn hiệu lực nhằm hạn chế các lực lượng hạt nhân của Nga và là mỏ neo cho sự ổn định chiến lược giữa hai nước”.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Donald Trump còn rút Mỹ ra khỏi 3 thỏa thuận quốc tế quan trọng khác, trong đó có thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở.

Trước những bước đi đơn phương của Mỹ, Nga mới đây cũng quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, vốn cho phép các quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay giám sát trên không phận của nhau.

Dù chưa nói lên nhiều, song bước đi khởi đầu có phần suôn sẻ được kỳ vọng sẽ giúp thổi luồng sinh khí mới cho quan hệ Nga-Mỹ, vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Bộ Ngoại giao Anh đã ngay lập tức bày tỏ sự hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh, hiệp ước đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định chiến lược, tính minh bạch và xây dựng lòng tin.

Cùng ngày Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato đánh giá, thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới là một bước tiến quan trọng đối với việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông đồng thời lưu ý rằng, cần phải có một cấu trúc rộng hơn về kiểm soát vũ khí để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại