“Chúng tôi không đề xuất cấp giấy phép sản xuất mẫu tàu ngầm của Nga, mà chúng tôi đề nghị cùng các đối tác Ấn Độ thực hiện một dự án phát triển mẫu tàu ngầm đầu tiên dựa trên tàu Amur-1650 chạy bằng dầu diesel và được trang bị hệ thống động cơ yếm khí (AIP)”, ông Drozhzhov trả lời báo giới ngày 9/7.
Tháng trước, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết muốn chế tạo trong nước sáu tàu ngầm diesel với động cơ AIP. Hiện Nga đang cạnh tranh với các công ty Naval Group (Pháp), Kockums (Thụy Điển) và Howaldtswerke-Deutsche Werft (Đức) để có được gói thầu hợp tác phát triển các tàu ngầm này với Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhiều khả năng sẽ cần khoảng hai năm nữa để xem xét chọn đối tác mình mong muốn.
“Những đề xuất ban đầu của chúng tôi sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho Ấn Độ hơn các đối tác nước ngoài khác”, ông Drozhzhov cho biết, đồng thời nhấn mạnh Ấn Độ sẽ có thể chế tạo tàu ngầm mà không cần sự hỗ trợ của Nga sau khi chuyển giao công nghệ.
Đây đã từng là rào cản lớn nhất trong những dự án hợp tác quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ trong quá khứ. Tổng chi phí của dự án này ước tính sẽ vào khoảng 6 tỉ USD.
Tàu ngầm Amur-1650 là phiên bản xuất khẩu của lớp tàu Lada của Nga. Với trọng lượng vào khoảng 2.700 tấn, tàu ngầm chỉ cần tối đa 38 người để vận hành. Các tàu lớp Lada được trang bị thiết bị sonar và hệ thống kiểm soát chiến đấu tự động Litiy hiện đại.
Tàu có 6 ống phóng ngư lôi và được cho là có tên lửa phóng thẳng đứng để tấn công tàu chiến và các mục tiêu trên bờ biển của đối phương. Nhiệm vụ chính của các tàu ngầm Lada hiện nay chủ yếu sẽ là bảo vệ vùng biển, do thám và thu thập thông tin tình báo.
Ông Drozhzhov cho biết tàu ngầm mới của Nga và Ấn Độ nếu được sản xuất sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh BrahMos, một loại vũ khí do Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ và công ty thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyeniya hợp tác chế tạo.