Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây đã thừa nhận với Reuters rằng, Nga đã gia tăng sự hiện diện tại Bắc Cực, đồng thời, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc Moscow mở rộng ảnh hưởng quân sự trong khu vực.
Cơ hội địa chính trị và tài nguyên Bắc Cực
Các quan chức Nga, trong khi đó, ngày càng ngờ vực về việc NATO đẩy mạnh các hoạt động ở Bắc Cực.
Vào tháng Tư, Tổng thống Vladimir Putin đã phàn nàn về việc NATO tiến hành các cuộc tập trận lớn nhất trong khu vực và lên tiếng rằng, hoạt động hàng không của Nga ở khu vực Biển Baltic, ở Bắc Cực, diễn ra ở một mức độ thấp hơn so với hoạt động của các nước NATO.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Nga đã đầy rẫy sóng gió, Bắc Cực có thể sớm trở thành địa điểm của một "cuộc Chiến tranh Lạnh" cam go.
Những diễn biến mới của cuộc chạy đua tại Bắc Cực bắt nguồn từ tốc độ tan chảy của băng – điều đang mở ra các tuyến thương mại mới trong khu vực và gia tăng khả năng tiếp cận với các nguồn tài nguyên to lớn tại đây.
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng Bắc Cực trải rộng khoảng 6% bề mặt Trái đất và ước tính sở hữu 22% tài nguyên nhiên liệu hóa thạch chưa được phát hiện trên thế giới, theo một bài viết của hai học giả tại Đại học tư nhân Webster Vienna.
Ngoài ra, người ta ước tính rằng khoảng 90 tỷ thùng dầu và 1.670 nghìn tỷ khối khí đốt tự nhiên đang nằm dưới vùng biển quốc tế tại Bắc Cực – nơi nhiều quốc gia cũng đang tranh chấp chủ quyền. Các yếu tố này có khả năng thay đổi cảnh quan địa chính trị khu vực giữa Nga và Hoa Kỳ khi mỗi bên đều đang phấn đấu để giành quyền bá chủ Bắc Cực.
Vào tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược Bắc cực. Báo cáo này cập nhật Chiến lược Bắc cực cũ của họ từ năm 2016. Văn bản mới xác định mong muốn của Mỹ đối với khu vực [Bắc Cực] an toàn và ổn định, trong đó lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ được bảo vệ, lục địa Hoa Kỳ được bảo vệ và các quốc gia hợp tác để giải quyết các thách thức chung.
"Bản báo cáo cũng nhấn mạnh sự quan ngại đặc biệt tới tuyến đường Biển Bắc – nơi dường như là một vấn đề chính trong căng thẳng khu vực giữa Nga và Mỹ. Tuyến đường này là tuyến đường biển nhanh nhất nối Đông Á với phần châu Âu của Liên bang Nga.
Ông Pompeo nói với Reuters rằng, tại khu vực Biển Bắc, Moscow đã trái phép yêu cầu các quốc gia khác xin phép khi đi qua, để cho các hoa tiêu hàng hải của Nga lên các tàu nước ngoài và đe dọa sử dụng lực lượng quân sự để đánh chìm bất kỳ ai không tuân thủ.
Mỹ tụt hậu Nga tại Bắc Cực?
Tại sao tuyến đường này trở thành một trọng tâm của cuộc xung đột vừa chớm nở? Nga có một mối quan tâm rõ ràng trong việc kiểm soát quyền tiếp cận vào Bắc cực.
Theo Viện Warsaw, khu vực này rất quan trọng đối với chính sách năng lượng của đất nước và ước tính chiếm 30% GDP. Chuyên gia Timothy J. Colton, đến từ Đại học Harvard cho biết, tôi nghĩ rằng người Nga có một chiến lược lớn, với những việc phải làm với Tuyến đường biển phía Bắc.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ xác định rằng Hoa Kỳ muốn khu vực này được an toàn và ổn định. Về lâu dài, điều này có thể khó thực hiện khi các quốc gia còn nghi ngờ về động cơ của các quốc gia khác.
Những nỗ lực của Nga trong việc kiểm soát Tuyến đường biển phía Bắc có thể dễ dàng khiến Hoa Kỳ phải tập trung xây dựng lực lượng và Nga sẽ đáp trả một cách tương xứng – điều kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang mà bên này đổ lỗi cho bên kia.
Nga coi mình là một cường quốc Bắc Cực có sự ưu việt của riêng mình. Moscow đã là quốc gia Bắc Cực lớn nhất xét về đất đai và dân số, và các khoản đầu tư thương mại và quân sự vào khu vực này cũng mang lại lợi nhuận đáng gờm.
Nếu Hoa Kỳ tranh giành quyền ảnh hưởng cao nhất tại Bắc Cực với Nga, họ sẽ cần phải dành nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động trong khu vực. Như một chuyên gia về khu vực Bắc Cực đã khẳng định, để kiểm soát Bắc Cực, cần phải có một hạm đội phá băng.
Hiện tại, Nga có khoảng 40 tàu phá băng, gồm 1 số tàu có sức mạnh hạt nhân. Còn Mỹ chỉ có một chiếc tàu phá băng hạng năng Polar Star năm 1976 và một chiếc USCGC Healey (WAGB-20), được ra mắt vào năm 2000.
Đây là một sự khác biệt đáng kể và điều này sẽ không thể xóa nhòa sớm được. Quốc hội Mỹ gần đây đã phê duyệt ngân sách để xây dựng sáu tàu phá băng mới vào năm 2026.
Chính sách quốc gia chính thức của Nga là mở rộng cơ sở tài nguyên của Bắc Cực. Điện Kremlin coi khu vực này là một cơ sở tài nguyên chiến lược quốc gia tiềm năng và có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế xã hội liên quan đến tăng trưởng quốc gia.
Khi thế giới đang thích nghi và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, thì sự cạnh tranh tài nguyên ở Bắc Cực sẽ còn gia tăng. Trong khi Nga có lợi thế bản địa và việc Mỹ đang thua sút về hạm đội phá băng thì rõ ràng, Washing đã bị tụt lại phía sau trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở đây.