Ngày hôm qua, trong một tuyên bố nhằm phản ứng với vụ máy bay Nga Il-20 bị bắn hạ vào ngày 17/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố một loạt các biện pháp cứng rắn mà Nga sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó đáng chú ý là việc chuyển hệ thống S-300 cho Syria và tiến hành chặn tín hiệu đối với các phương tiện chiến đấu ở Địa Trung Hải.
Thông qua đó, năng lực tác chiến điện tử phòng không của Syria sẽ được gia tăng mạnh mẽ, tương đương với sức mạnh của lực lượng Nga ở quốc gia này.
Một trong những biện pháp đáng chú ý lần này mà Moscow áp dụng là Nga sẽ gây nhiễu vệ tinh, radar và các hệ thống liên lạc của các chiến đấu cơ có khả năng tấn công Syria từ các vùng biển của Địa Trung Hải và liền kề Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh, nếu những biện pháp này "không thể làm nguội những cái đầu nóng (ông ám chỉ Israel ) thì Moscow sẽ phải đáp trả tương xứng với tình hình hiện tại".
Khi nhắc tới "những cái đầu nóng", tờ Debka cho rằng ông Shoigu chắc chắn đang nhắc tới Israel.
Các chuyên gia quân sự của tờ Debka bình luận, trong số những biện pháp nêu trên, việc Nga điều động S-300 tới Syria không phải là lần đầu tiên, mà cần chú ý tới tuyên bố sẽ gây nhiễu các phương tiện chiến đấu.
Theo đó, đây là lần đầu tiên một cường quốc trên thế giới tuyên bố chiến tranh điện tử chống lại bất kỳ quốc gia nào. Sau khi phủ nhận những ghi chép của phía Israel về vụ Syria bắn hạ nhầm máy bay Nga, việc Moscow đưa ra tuyên bố về chiến tranh điện tử nêu trên đã nâng mức độ căng thẳng giữa hai quốc gia lên một mức độ cao hơn nhiều.
Thách thức đó buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tham mưu trưởng Gady Eisenkot phải đối mặt với 3 lựa chọn khó khăn:
Thứ nhất, họ phải tìm cách thoát khỏi cuộc đấu không cân sức này với Moscow, nhưng dường như cho tới thời điểm hiện tại đã là quá muộn. Tuyên bố của ông Shoigu đã đóng mọi cánh cửa cho Tel Aviv.
Lúc này Israel cũng không thể từ bỏ các hoạt động không kích chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm đang hiện diện tại Syria, mặc dù có nguy cơ leo thang với Nga, vì nó sẽ tạo ra một tình huống mất mặt đối với Israel khi phải nhún nhường trước Iran và Hezbollah.
Nhưng trong tương lai, Lực lượng Phòng vệ Israel có thể sẽ thận trọng hơn khi lựa chọn các mục tiêu tấn công ở Syria.
Ở lựa chọn thứ hai, Israel có thể sẽ chấp nhận thách thức của Moscow trong một trận chiến điện tử. Trong những lần chạm trán gần đây nhất, Israel tỏ ra là một đối thủ đáng gờm.
Năm 1982, Không quân Israel đã phá hủy một mạng lưới phòng không của Nga được lắp đặt ở Thung lũng Beqaa của Liban. Gần đây hơn, vào năm 2007, máy bay Israel trước khi phá hủy lò phản ứng plutonium ở Deir Ezzor đã kích hoạt hệ thống "Suter" của nước này nhằm "chọc mù" radar bảo vệ khu vực của Nga tại Syria.
Các chuyên gia nghiên cứu chiến tranh điện tử Nga từ đó đã tìm kiếm câu trả lời cho các biện pháp gây nhiễu của Israel, nhưng dường như vẫn còn nhiều khó khăn để bắt kịp với những tiến bộ liên tục của Tel Aviv.
Tuy nhiên, thời gian hiện tại có thể mọi chuyện đã xoay vần. Tờ Debka cho biết, tuyên bố gần nhất của Nga có thể phải khiến Không quân và Hải quân Israel phải tận dụng mọi khả năng để đối phó.
Nếu như trước đây Nga đã thành công trong việc đối phó với các mục tiêu điện tử cỡ nhỏ thì nay Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho thấy, họ rất tự tin trên những đấu trường điện tử có tầm lên đến hàng trăm km bao phủ Syria và vùng Đông Địa Trung Hải. Israel thiếu kinh nghiệm hoạt động đối với quy mô chiến tranh điện tử này.
Thứ ba, Lực lượng Phòng vệ Israel không quá lo lắng trước việc hệ thống tên lửa S-300 được chuyển tới cho quân đội Syria.
Trong nhiều năm qua, Không quân Israel đã nhiều lần thực hành tác chiến chống lại những lá chắn tên lửa này. Nhưng đối với việc Nga sẽ gây nhiễu sóng điện tử với các phương tiện chiến đấu ở khắp Địa Trung Hải thì khả năng Israel sẽ tìm đến sự hỗ trợ của Mỹ.
Đề xuất đó có thể sẽ được nêu trong cuộc gặp giữa ông Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 26/9 tới bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.